Ấy thế mà riêng ở Phú Yên, hai việc này lại trở thành một. 116 ha rừng phòng hộ ven biển ở xã An Phú, TP Tuy Hòa, được người dân trồng từ năm 1978, đang bị tàn phá với một tốc độ kinh hoàng, chỉ vì để một doanh nghiệp triển khai một dự án khu du lịch cao cấp, phục vụ một cuộc... thi hoa hậu.
Vào cuộc, báo chí mới phát hiện ra là việc chặt phá khu rừng trên, chưa được bất cứ một cơ quan có thẩm quyền nào cho phép. Phát hiện này khiến dư luận rúng động.
“Việt Nam không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”. Đã hơn một lần Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại khẳng định trên. Để bảo vệ rừng, từ năm ngoái, Thủ tướng đã ra lệnh đóng cửa rừng. Theo quy định của pháp luật, thì để chuyển đổi mục đích sử dụng từ 20 ha rừng phòng hộ hay rừng đặc dụng trở lên, phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Và với một dự án, một khi chưa được Bộ TN-MT phê duyệt đánh giá tác động môi trường, doanh nghiệp chưa được giao đất, thì chưa được phép động tay động chân bất cứ việc gì.
Thế mà việc chặt phá 116 ha rừng phòng hộ có tuổi đời trên 30 năm, đang làm nhiệm vụ chắn cát, chắn gió xâm thực từ biển, bảo vệ cuộc sống của hàng vạn người dân ven biển này, Thủ tướng chưa biết. Bộ TN-MT chưa nhận được báo cáo đánh giá tác động môi trường của doanh nghiệp. Bản thân doanh nghiệp cũng chưa được giao đất.
Nhưng, theo một lãnh đạo tỉnh Phú Yên thì “năm nay cuộc thi hoa hậu hữu nghị ASEAN tổ chức tại Phú Yên, nên lãnh đạo tỉnh chủ trương đẩy nhanh dự án để quảng bá các điểm du lịch. Do tính chất cấp bách, tính cần thiết, nên tỉnh cho doanh nghiệp vừa thi công vừa làm các thủ tục. Nếu căn cứ đúng quy định, làm từng bước thì lâu lắm. Nếu đợi các thủ tục hoàn tất, thì có khi mất đến một hai năm, trong khi tháng 6 này đã thi hoa hậu rồi”.
Thì ra thế. Thì ra một cuộc thi hoa hậu quan trọng hơn bất cứ một quy định pháp luật nào của một quốc gia. Để phục vụ cho một cuộc thi hoa hậu, những người lãnh đạo tỉnh Phú Yên đã bất chấp tất cả, dù họ hiểu rất rõ những quy định của pháp luật. Cũng như trước đó không lâu, lãnh đạo tỉnh này cũng đã “nhắm mắt” cho phép một doanh nghiệp phá tới 300 ha rừng tự nhiên, chỉ để... nuôi bò.
Thật ra, tháng 6 đã thi hoa hậu rồi, mà cuối tháng 4 mới phá rừng, thì dù doanh nghiệp trên có là thánh, cũng không thể hoàn thành ngay cả cái... móng nhà của dự án khu du lịch cao cấp, chứ đừng nói hoàn thành cả công trình. Thế nên những lời nói trên của vị lãnh đạo tỉnh Phú Yên chỉ là nhằm bao biện. Phải chăng việc cho phép doanh nghiệp phá rừng này, còn những ẩn tình phía sau?