Sự nhân danh để bán danh không chỉ gây nhiễu nhương cho đời sống tinh thần cộng đồng, mà còn ảnh hưởng đến nền tảng đạo đức xã hội.
Lễ ra mắt “Ban Phát triển thương hiệu và chống hàng giả Việt Nam”. |
Sự ra đời của “Ban Phát triển thương hiệu và chống hàng giả Việt Nam” vào ngày 28/6 rất tự nhiên mà cũng rất kỳ ảo. Từ Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam đã thành lập nên Viện Công nghệ chống hàng giả, rồi Viện Công nghệ chống hàng giả lại thành lập nên Ban Phát triển thương hiệu và chống hàng giả Việt Nam. Cái tên gọi thì nghe rất oách, nhưng thực tế không phải vậy.
Sự bẽ bàng của Ban Phát triển thương hiệu và chống hàng giả Việt Nam bắt nguồn từ sự xuất hiện của bà Phó ban là Phạm Nữ Hiền Ngân có danh hiệu “Nữ hoàng văn hóa tâm linh 2018”. Bây giờ loạn hoa hậu làng và hoa khôi xóm, nhưng nghe đến “Nữ hoàng văn hóa tâm linh 2018” thì ai cũng giật mình.
Đáng ái ngại hơn, truy tìm nguồn gốc thì phát hiện người trao bằng chứng nhận “Nữ hoàng văn hóa tâm linh 2018” cho bà Phạm Nữ Hiền Ngân chính là cựu Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch - Vương Duy Biên. Bản thân ông Vương Duy Biên là một họa sĩ thiết kế mỹ thuật sân khấu từng được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân, tại sao lại hành động như vậy? Người ngoài không thể trả lời được, mà thực hư chỉ có ông Vương Duy Biên biết rõ mà thôi.
Tại buổi ra mắt “Ban Phát triển thương hiệu và chống hàng giả Việt Nam”, có tất cả 6 vị chức sắc, gồm 1 trưởng ban và 5 phó ban. Lẽ thường, chẳng mấy công chúng quan tâm đến các tổ chức xã hội, nhưng cái danh xưng “Nữ hoàng văn hóa tâm linh 2018” của bà Phạm Nữ Hiền Ngân có vẻ ngạo nghễ và bí hiểm quá nên dư luận mới nhận ra sự trớ trêu chống hàng giả bằng cái danh hão.
Khi các trang mạng xã hội phanh phui sự thật về cái danh hiệu “Nữ hoàng văn hóa tâm linh 2018” thì một phó ban khác là ông Trần Quý Thanh - Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát vội vàng xin rút lui. Ngày 4/7, tức là một ngày sau khi nhận quyết định bổ nhiệm , ông Trần Quý Thanh có văn bản thông báo gửi bà Trần Mai Khanh - Viện trưởng Viện Công nghệ chống làm giả, để xin từ nhiệm vì lý do sức khỏe.
Phản ứng của ông Trần Quý Thanh được xem là khôn ngoan và nhanh nhạy. Bởi lẽ, một doanh nhân thành đạt như ông Trần Quý Thanh mà tham gia vào tổ chức như vậy chỉ phải đối mặt với những chiêu trò khiếm nhã, chứ chả vinh quang gì.
Cùng với ông Trần Quý Thanh, một ông trưởng ban và 2 ông phó ban cũng có đơn xin rút lui vì “không phù hợp với chức vụ trên”. Rõ ràng, cái tên “Ban Phát triển thương hiệu và chống hàng giả Việt Nam” rất to tát, rất dễ hù dọa những kẻ yếu bóng vía. Tuy nhiên, không có cơ quan chức năng nào chịu trách nhiệm cho tổ chức hoành tráng thùng rỗng kêu to ấy.
Bộ Công thương cho biết không liên quan đến việc chỉ đạo, tổ chức thành lập hay bình chọn các thành viên lãnh đạo “Ban Phát triển thương hiệu và chống hàng giả Việt Nam”. Đồng thời Bộ Tài chính lẫn đại diện Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cũng khẳng định tương tự và đặt vấn đề về sự mạo danh cơ quan Nhà nước trong việc tổ chức một số hoạt động hay giải thưởng.
Riêng trường hợp “Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam 2018” thì có phần thú vị hơn. Đây là danh hiệu mà bà Phạm Nữ Hiền Ngân được Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam phối hợp với Công ty XNK Ô tô Ngọc Minh trao tặng tại lễ vinh danh “Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam lần thứ 1-2018” diễn ra đêm 22/7/2018 tại Ninh Bình.
Ngoài danh hiệu “Nữ hoàng văn hóa tâm linh” dành cho bà Phạm Nữ Hiền Ngân, còn có 15 danh hiệu “nữ hoàng” khác được ban phát vô tội vạ như “Nữ hoàng ngành thép”, “Nữ hoàng ngành than cacbon”, “Nữ hoàng ngành thực phẩm”, “Nữ hoàng ngành giáo dục”, “Nữ hoàng nông sản”, “Nữ hoàng ngành đá quý”, “Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam ngành Ô tô”…
Tóm lại, hễ ai nộp tiền tham gia đều được trở thành nữ hoàng cấp câu lạc bộ. Thay vì biết thân biết phận, bà Phạm Nữ Hiền Ngân mang cái danh hão đó ra lòe thiên hạ nên mọi người mới được một dịp dở khóc dở cười. Cũng cần nói thêm, Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam cũng là nơi đã phong “Giáo sư âm nhạc” cho ca sĩ Ngọc Sơn mà khán giả từng phản đối gay gắt!
Ngày 6/7, bà Phạm Nữ Hiền Ngân đã viết thư xin từ nhiệm Phó ban Phát triển thương hiệu và chống hàng giả Việt Nam "do cảm thấy không đủ năng lực để nhận trách nhiệm được giao, không thể đảm nhiệm chức vụ phó trưởng ban".
Một tổ chức có sứ mệnh thiêng liêng được rêu rao “Kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân cùng đồng hành, sử dụng công nghệ 4.0 để phát huy hiệu quả trong quy trình quản lý hàng hóa đầu vào và đầu ra, nhằm hạn chế tối đa việc làm giả sản phẩm. Đồng thời, giúp người tiêu dùng có được cái nhìn trực quan, giám sát được hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ” thì tại sao lại đưa “Nữ hoàng văn hóa tâm linh 2018” làm phó ban?
Đại diện Viện Công nghệ chống làm giả đã giải thích hồn nhiên: "Bà Hiền Ngân khi tham gia “Ban Phát triển thương hiệu và chống hàng giả” không phải là doanh nhân nhưng có giới thiệu, có mối quan hệ tốt, có thể cùng kết nối, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia chung tay chống hàng giả nên được chấp nhận. Bà Hiền Ngân tham gia hoàn toàn tự nguyện và cũng không giới thiệu là “Nữ hoàng văn hóa tâm linh” nên chúng tôi không biết danh xưng này thế nào, mà chỉ coi như một người bình thường tham gia. Đến khi báo chí thông tin, chúng tôi mới nắm được. Tuy nhiên, do bà Ngân đã có đơn xin từ nhiệm nên Viện Công nghệ chống làm giả cũng chấp nhận".
Còn về phía mình, bà Phạm Nữ Hiền Ngân phân bua: "Sau khi được bầu giữ chức Phó Trưởng Ban Phát triển thương hiệu và Chống hàng giả Việt Nam, tôi thường xuyên đi diễn xướng hầu đồng ở nước ngoài. Hiện tôi đang dự liên hoan văn hóa Việt Nam - Nhật Bản tại Nhật Bản đến cuối tháng 7 này mới về. Tôi nghĩ rằng việc từ chức là để tập trung thời gian nhiều hơn cho những chuyến diễn xướng hầu đồng ở nước ngoài, qua đó mang văn hóa hầu đồng của dân tộc mình đi khắp thế giới".
Câu chuyện của “Ban Phát triển thương hiệu và chống hàng giả Việt Nam” thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh thói háo danh. Có cung ắt có cầu. Có kẻ háo danh thì có kẻ bán danh. Viện Công nghệ chống làm giả từng bị lên án khi trao giải thưởng “Top 10 thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam năm 2017” cho Vinaca là đơn vị sản xuất thuốc trị ung thư bằng than tre. Sau khi giám đốc Vinaca bị bắt và bị tù 22 năm, thì Viện Công nghệ chống làm giả vẫn bình chân như vại và lại tiếp tục sản sinh “Ban Phát triển thương hiệu và chống hàng giả Việt Nam”.
Trong nhịp điệu nháo nhào danh lợi hiện nay, tính chính danh của các tổ chức cần được bảo đảm hơn. Lâu nay, khái niệm Viện phải gắn với nghiên cứu khoa học, thì giờ đây có nguy cơ không còn nữa. Không thể để các Viện tự do thành lập một cách thoải mái như hiện nay, sẽ gây đảo lộn mọi giá trị và mọi chuẩn mực.