Sạt lở, sụt lún dồn dập hai bên bờ sông
Gần 2 tháng qua, các địa phương tại ĐBSCL mới bắt đầu vào đầu mùa mưa đã ghi nhận hàng chục vụ sạt lở bờ sông, khiến nhiều căn nhà bị nhấn chìm, công trình giao thông bị chia cắt.
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Tháp, tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp xảy ra 19 vụ sạt lở tại các sông, kênh rạch nội đồng thuộc các xã Phương Trà, Tân Hội Trung, An Bình, Tân Nghĩa, Nhị Mỹ, Mỹ Thọ (huyện Cao Lãnh); Tân Phú Đông, Tân Quy Tây (TP Sa Đéc); Hòa Tân, Phú Long, An Khánh (huyện Châu Thành). Riêng tuyến kênh Cần Lố, xã Nhị Mỹ (huyện Cao Lãnh) xảy ra 7 vụ.
Tổng chiều dài sạt lở là 553m, diện tích khoảng 2.000m2, làm sập 3 căn nhà, ảnh hưởng trực tiếp đến 14 hộ dân, ước thiệt hại trên 1,3 tỷ đồng.
Tình trạng sạt lở được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra ở ĐBSCL. Xây kè là biện pháp phải làm ở những nơi xung yếu. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, không nên làm kè tràn lan và nếu cứ làm kè thì không thể đủ tiền để “chạy” theo sạt lở.
Ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL, phân tích, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở ở ĐBSCL. Một là do lòng sông thiếu phù sa và thiếu cát do tác động của thủy điện và do ảnh hưởng từ tình trạng khai thác cát dọc sông Mekong.
Thiếu phù sa làm cho nước “đói”. Nước “đói” thì phải “ăn” vào bờ, “ăn” vào đáy sông. Thiếu cát là nguyên nhân chính làm cho lòng sông bị sâu hơn. Điều này đồng nghĩa với bờ sông cao hơn, nặng hơn và mái dốc không ổn định dẫn đến bờ sông dễ trượt xuống.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra, hiện nay sông Tiền, sông Hậu sâu hơn 3 - 4m so với thời điểm cách đây khoảng 20 - 30 năm. Đây là 2 con sông chính ở ĐBSCL. Khi mà đáy sông chính sâu nó sẽ rút đáy của sông nhánh ra.
Các con sông nhánh lại tiếp tục rút đáy các nhánh của nó. Từ đó, sạt lở lan tỏa khắp nơi. Kết luận, không phải khai thác cát ở nơi nào thì sạt lở ở nơi đó mà khai thác cát làm ảnh hưởng cả một hệ thống sông.
Nói về giải pháp ứng phó, ông Thiện cho rằng, xây kè chống sạt lở là biện pháp bất đắc dĩ phải làm ở những nơi xung yếu, không thể nào không bảo vệ. Tuy nhiên, không nên làm kè tràn lan. Biện pháp kè không đảm bảo an toàn tuyệt đối và rất là tốn kém.
Chỉ có những nơi nào buộc phải bảo vệ thì mới nên làm kè bảo vệ nhưng chúng ta không nên làm một cách tràn lan. Bởi, thứ nhất kè có tuổi thọ, thứ hai làm kè sẽ chống lại tự nhiên, thứ ba khi làm kè sẽ làm sạt lở ở nơi khác.
“Chúng ta nên sử dụng tiền làm kè để thực hiện tái định cư và thiết lập, hỗ trợ sinh kế cho người dân. Ngày nay, với máy móc thiết bị hiện đại, cơ quan chức năng có thể dễ dàng siêu âm lòng sông để đưa ra các cảnh báo sớm và di dời người dân khi phát hiện nguy cơ sạt lở”, ông Thiện đề xuất.
Cần sử dụng cát nhân tạo
PGS.TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu ĐBSCL cho biết, thời gian qua Chính phủ có ban hành Quyết định 957/QĐ-TTg ngày 6/7/2020 về phê duyệt “Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030”.
Quyết định phê duyệt Đề án này mang tầm quốc gia với 6 giải pháp chính: Rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Tổ chức điều tra cơ bản, xây dựng cơ sở dữ liệu, thiết kế quy hoạch. Triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách trước mắt, giải pháp căn cơ lâu dài, các công trình, phi công trình để phòng, chống sạt lở. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ phòng, chống sạt lở. Hợp tác quốc tế và huy động nguồn lực.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, các giải pháp này khó có thể ngăn chặn hoàn toàn nguy cơ sạt lở, cốt yếu là giảm thiểu và hạn chế thiệt hại, vì nguyên nhân lớn nhất là nguồn cát và các chất trầm tích suy giảm từ thượng nguồn không thể kiểm soát và khống chế.
Hiện nay, các công trình lớn như cầu đường, khu phức hợp các tòa nhà lớn, đê sông… có nhu cầu cát xây dựng và san lấp rất lớn, trong khi giá cát vẫn đều đặn tăng vì nguồn cung khan hiếm. Nhiều nơi san lấp phải sử dụng vật liệu rất yếu so với cát như đất bùn cát nạo vét, xỉ than, rác thải… Điều này làm công trình mau sụt lún và xuống cấp.
Việc nhập cát từ các nơi khác và sử dụng cát nhân tạo (đá núi, bê tông tháo dỡ công trình xay nhỏ...) thay thế cát cần phải tính đến cho dù chi phí cao hơn. Ngoài ra, trong công nghệ vật liệu xây dựng, phải tính đến giảm khối lượng sử dụng cát và xi măng như làm các tòa nhà, cầu bằng thép chịu lực, sử dụng vách nhôm, kính, nhựa tổng hợp… Kiên quyết không phê duyệt các dự án sân goft dùng cát san lấp (trung bình khoảng 1 - 1,5 triệu m3 cát cho một sân goft 18 lỗ), vừa lãng phí cát vừa gây nguy cơ ô nhiễm hóa chất.
Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, các địa phương phải có bản đồ nguy cơ sạt lở. Việc quản lý sông rạch phải chặt chẽ hơn, không bố trí khu định cư mới gần bờ sông, từng bước giải tỏa các công trình và nhà cửa ven sông để hạn chế sạt lở.
Các vùng có nguy cơ sạt lở phải hạn chế tốc độ tàu thuyền và cắm biển cảnh báo. Nan giải nhất là hiện nay chưa có giải pháp và thương thảo kinh tế hữu hiệu để ngăn việc phát triển các công trình thủy điện ở thượng nguồn. Việc phối hợp với Ủy ban sông Mekong chỉ dừng lại ở mức theo dõi và thống kê khối lượng bùn cát. Bài toán khó này, cho đến nay, vẫn chưa có lời giải đáp ổn thỏa.