| Hotline: 0983.970.780

Kè sinh thái giải pháp bảo vệ hiệu quả công trình giao thông, thủy lợi

Thứ Sáu 21/10/2022 , 05:44 (GMT+7)

Hậu Giang Kè sinh thái bằng cây xanh có chi phí thấp, dễ làm, là giải pháp bảo vệ hiệu quả công trình giao thông, thủy lợi mang lại lợi ích cả kinh tế và môi trường.

Kè sinh thái dễ thực hiện

Hậu Giang nằm ở trung tâm của vùng Tây sông Hậu, địa hình trũng thấp, lòng chảo, có hệ thống sông, kênh, rạch chằng chịt với tổng chiều dài gần 3.500 km. Trong những năm qua, tình hình sạt lở bờ sông ở Hậu Giang diễn ra ngày càng khốc liệt, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân. Trước tình hình đó, mô hình kè sinh thái đã được Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang nghiên cứu, thực hiện thí điểm chống sạt lở một số tuyến kênh cấp 1, cấp 2, có biên độ triều dưới 2m.

Ông Trần Chí Hùng (bên phải), Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang tham gia trồng cây tạo kè sinh thái chống sạt lở bờ sông, hưởng ứng tuần lễ quốc gia phòng chống thiên tai năm 2022. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Trần Chí Hùng (bên phải), Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang tham gia trồng cây tạo kè sinh thái chống sạt lở bờ sông, hưởng ứng tuần lễ quốc gia phòng chống thiên tai năm 2022. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang cho biết, ban đầu đơn vị triển khai 3 mô hình kè sinh thái chống sạt lở tại các tuyến sông, kênh ở huyện Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy, với chiều dài 380 m, kinh phí 350 triệu từ nguồn xã hội hóa. Qua thực tế cho thấy, mô hình kè sinh thái là một giải pháp có chi phí rẻ, dễ thực hiện, phòng sạt lở đất bờ sông hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Giải pháp kè sinh thái có kinh phí rất thấp, huy động được sức dân và có sự tham gia của nhiều hộ dân, có tính xã hội hóa rất cao. Ngân sách chỉ mang tính kích thích định hướng cho việc triển khai mô hình.

Từ đó, kè sinh thái đã được UBND tỉnh Hậu Giang thống nhất cho chủ trương triển khai trên địa bàn toàn tỉnh trong chiến dịch giao thông nông thôn, thủy lợi và trồng cây hàng năm.

Tại thị trấn Búng Tàu (huyện Phụng Hiệp) đã có hàng trăm hộ dân hưởng ứng thực hiện mô hình kè sinh thái, chủ yếu ở 2 tuyến kênh lớn là Búng Tàu và Kênh Ngang. Là hộ dân tham gia mô hình từ sớm, ông Nguyễn Trường Sanh đánh giá: “Kè sinh thái dễ thực hiện, có chi phí đầu tư thấp, nhưng mang lại nhiều hiệu quả tích cực”.

Ông Nguyễn Trường Sanh chia sẻ, ban đầu tôi có làm mô hình này khoảng 10m, chi phí khoảng 1 triệu đồng tiền múc đất, còn cây tràm được nhà nước hỗ trợ. Thấy hiệu quả nên tôi triển khai tiếp để bảo vệ đất bờ sông. Nếu dọc theo tuyến sông này nhà nào cũng làm kè sinh thái thì quá tốt, vừa chống sạt lở vừa có cây xanh tạo bóng mát rất đẹp mắt.

Giải pháp kè sinh thái có kinh phí rất thấp, dễ thực hiện, không chỉ chống sạt lở bờ sông hiệu quả mà còn tạo cảnh quan môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Trung Chánh.

Giải pháp kè sinh thái có kinh phí rất thấp, dễ thực hiện, không chỉ chống sạt lở bờ sông hiệu quả mà còn tạo cảnh quan môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Trung Chánh.

Theo Chi cục Thủy lợi Hậu Giang, kỹ thuật để làm kè sinh thái chống sạt lở khá đơn giản, hộ dân đều có thể tự làm. Trước tiên cần gia cố một lớp hàng rào bằng cừ tràm, cây tre… khoảng 5 cây/m cách bờ kênh từ 2 - 3 m. Sau đó tấn mê bồ, vải địa kỹ thuật, lưới cước và vét đất dưới kênh đắp đổ vào phía trong, cao trình mặt đất đắp thấp hơn cao trình đỉnh triều đầu mùa khô 0,1 - 0,2 m. Trồng cây tràm tại nơi tạo lớp đất đắp. Trồng tiếp hàng bần cách hàng cừ gia cố khoảng 1 m và trồng hàng cây có giá trị kinh tế như: Cà na, dừa… phía trong bờ. Sau thời gian 2 – 3 năm thu hoạch tràm, lúc này cây bần, cà na, dừa đã phát triển, đủ sức bảo vệ mái kênh và chống sạt lở tốt hơn.

Mô hình đa lợi ích

Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang đánh giá, mô hình kè sinh thái bằng vật liệu địa phương chống sạt lở là giải pháp đúng và sáng tạo phù hợp nhất cho tỉnh Hậu Giang, có thể nhân rộng ra các địa bàn có điều kiện tương tự ở ĐBSCL. Không chỉ dễ làm, chi phí thấp mà kè sinh thái còn mang lại những lợi ích rất thiết thực.

Kè sinh thái chống sạt lở hiệu quả, đặc biệt là các tuyến sông, kênh, rạch có trục giao thông chính, làm góp phần giảm kinh phí duy tu bảo vệ đường, xử lý các điểm đã sạt lở, về lâu dài không tốn kinh phí dời đê, lộ nông thôn. Bảo đảm giao thông đường thủy, đường bộ được thuận tiện góp phần xây dựng nông thôn mới. Ổn định dân cư tại chỗ, ổn định thị trường cung ứng vật tư xây dựng.

Tham gia làm kè sinh thái, chống sạt lở, người dân còn tạo ra quỹ đất trồng cây xanh, sau khoảng 3 năm giá trị cây trồng mang lại cao gấp 2-3 lần so với chi phí đầu tư ban đầu, tạo thêm thu nhập ở nông thôn. Ảnh: Trung Chánh.

Tham gia làm kè sinh thái, chống sạt lở, người dân còn tạo ra quỹ đất trồng cây xanh, sau khoảng 3 năm giá trị cây trồng mang lại cao gấp 2-3 lần so với chi phí đầu tư ban đầu, tạo thêm thu nhập ở nông thôn. Ảnh: Trung Chánh.

Tăng thu nhập người dân khi tham gia mô hình, chống lãng phí nguồn tài nguyên đất. Kinh phí đầu tư ban đầu chỉ khoảng 300.000 đồng/1m, nhưng sau 2 - 3 năm giá trị cây trồng mang lại khoảng 900.000 - 1.000.000 đồng/1m. Cây tràm được sử dụng để làm hàng rào gia cố, đọt tràm được sử dụng làm chà gia cố mái kênh cấp 2, cấp 3, còn bông tràm được gieo trồng thành cây giống trồng tại nơi sạt lở.

Môi trường được bảo vệ do diện tích trồng cây xanh tăng lên, bảo vệ môi trường nước… Về lâu dài tạo mặt bằng gia cố mái kênh, thuận tiện trong việc nạo vét lòng kênh, vì đa số các tuyến kênh đã bồi lắng nhưng không có mặt bằng thi công.

Qua thực tế triển khai từ năm 2018 cho đến nay, đã có hàng trăm km kè sinh thái được hiện hiện tại các tuyến sông, kênh, rạch trên địa bản tỉnh Hậu Giang. Mô hình kè sinh thái được đánh giá không chỉ chống sạt lở bờ sông hiệu quả, mà còn tạo cảnh quan môi trường, tăng độ che phủ của cây xanh, rất phù hợp với tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.