Vào điểm nóng "cát tặc"
Giữa tháng 2, từ thông tin phản ánh của người dân, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đã đến khu vực suối Đạ K’Nàng, đoạn thuộc địa phận thôn R’Hang Trụ (xã Phúc Thọ) để ghi nhận thực tế. Tại đây, có đến 6 điểm “cát tặc” đặt máy múc, máy hút lớn nhỏ thi nhau khai thác cát. Các xe tải ra vào các bến bãi thường xuyên để vận chuyển cát mang đi nơi khác tiêu thụ khiến cuộc sống làng quê bị xáo trộn, cát từ các xe lớn nhỏ đổ xuống đường DT726 tạo thành lớp và kéo dài đe doạ an toàn giao thông.
“Cát tặc” đua nhau cát cứ, lập bãi khai thác ở khu vực từ cầu thôn 5 xã Phúc Thọ đến chân thác Nếp (xã Phúc Thọ) với chiều dài gần 5km. Tại đây, nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhiều vị trí ven suối bị sạt lở, ăn vào đất sản xuất của người dân địa phương.
Tàu khai thác cát tiến sát mố cầu dân sinh thôn 5 khiến móng trụ bị sụt lún, người dân phải gom tiền ra sửa chữa. Ở bãi bồi ven suối xuất hiện hàng loạt hố khai thác cát với đường kính từ hàng chục đến hàng trăm mét. Theo người dân, tình trạng khai thác cát trái phép tại khu vực diễn ra suốt cả chục năm nên vùng đất trong lành ngày xưa đã bị huỷ hoại, trở nên hoang tàn như bãi chiến trường.
Ngày 18/2, khi phóng viên đến ghi nhận tại điểm khai thác cạnh chân cầu Làng Hai thì một thanh niên “hổ báo” từ khu chòi gần đó lao ra chửi bới, đe doạ. Người này yêu cầu phóng viên ra khỏi khu vực và cấm quay phim chụp hình với lời lẽ thô tục. Người này sau đó đòi xông tới tấn công phóng viên nhưng một thanh niên khác đã chạy lại ngăn cản.
Tuy vậy, thanh niên “hổ báo” vẫn hướng về phía phóng viên và chửi bới, đe doạ. Theo người dân, thanh niên “hổ báo” đe doạ phóng viên là Giao “Tự”. Người này thuộc thành phần “bất hảo” tại địa phương, chuyên đi đe doạ, lấn chiếm vườn ven suối của người dân để khai thác cát trái phép.
Dân tố "đầu nậu" khai thác cát lấn chiếm đất
Ông Hoàng Văn Đạt (ngụ xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) phản ánh, gia đình nhận chuyển nhượng khu vườn ven suối Đạ K’Nàng tại thôn R’Hang Trụ để trồng cà phê. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, một chủ đầu nậu khai thác cát đưa máy móc đến lập bãi, tổ chức khai thác cát. Theo ông Đạt, khoảng 1.500m2 vườn của gia đình ông đã bị lấn chiếm. Ông đã trình đơn tố cáo lên UBND xã Phúc Thọ nhưng đến nay vẫn không được giải quyết.
Chính quyền bó tay?
Theo người dân, tình trạng khai thác cát trái phép ở địa phương diễn ra ngày này qua tháng khác, năm này qua năm khác. Người dân báo lên chính quyền phản ánh thì ít phút sau sẽ có đầu nậu khai thác cát gọi điện đe doạ. “Nhiều lần vừa gọi điện cho cán bộ xã xong thì dưới này các ‘đầu nậu’ ngưng hoạt động, thu xếp máy móc. Cán bộ xuống kiểm tra xong, đi về thì họ lại khai thác trở lại”, một người dân phản ánh.
Về tình trạng khai thác cát tại khu vực thôn R’Hang Trụ nói trên, ông Nguyễn Văn Danh, Chủ tịch UBND xã Phúc Thọ (huyện Lâm Hà) xác nhận cơ quan chức năng chỉ cấp phép cho một đơn vị có tên là Lê Chương Đà Lạt nạo vét lòng hồ, thu hồi cát sỏi trên phạm vi 2ha. Còn lại, những điểm khai thác mà người dân phản ánh, báo chí ghi nhận đều nằm ngoài phạm vi cấp phép. Ông Nguyễn Văn Danh nói: “Chúng tôi truy quét quyết liệt, nhưng nhiều trường hợp lén lút hút cát vào ban đêm, nhiều chỗ chưa xử lý triệt để. Khu vực này khá phức tạp vì giáp ranh giữa xã Phúc Thọ và xã Đạ K’Nnàng (huyện Đam Rông)”. Cũng theo ông Danh, những người khai thác cát trái phép cho người đến các quán cà phê cạnh UBND xã Phúc Thọ để cảnh giới cán bộ, khi cán bộ xã đi kiểm tra thì lập tức báo vào bãi để né tránh.
Về phương án xử lý triệt để vấn nạn “cát tặc”, ông Nguyễn Văn Danh, Chủ tịch UBND xã Phúc Thọ cho rằng đây là vấn đề rất khó.
Ông Tạ Xuân Thành, Phó trưởng Phòng TN-MT huyện Lâm Hà xác nhận, toàn bộ điểm khai thác cát ở thôn R’Hang Trụ nằm ngoài phạm vi của công ty Lê Chương Đà Lạt đều hoạt động trái phép. Thời gian qua, UBND huyện Lâm Hà đã phối hợp với Công an huyện Lâm Hà và chính quyền xã Phúc Thọ tổ chức các đợt truy quét nhưng vẫn không thể xử lý triệt để. “Huyện đã lắp đặt camera thông minh ở khu vực và cắt cử người trực camera để nắm bắt tình hình nhưng không phát hiện kịp thời nên chưa kịp xử lý”, ông Tạ Xuân Thành nói.
Khu vực đất xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép đa phần nằm trong vùng đất UBND tỉnh Lâm Đồng từng thu hồi để doanh nghiệp làm dự án thuỷ điện. Theo đó, Năm 2006, UBND tỉnh Lâm Đồng thu hồi 295,65ha đất và giao cho Công ty lắp máy và xây dựng 45.1 (Công ty CP Lilama 45.1) xây dựng các hạng mục công trình thuỷ điện Sardeung tại xã Đạ Đờn, xã Phúc Thọ (huyện Lâm Hà) và xã Đạ K’Nàng (huyện Đam Rông). Năm 2011, UBND tỉnh Lâm Đồng thu hồi dự án thuỷ điện Sardeung và đến 2016 giao lại cho UBND huyện Lâm Hà và UBND huyện Đam Rông quản lý.