Hàng năm, cứ vào mùa lúa chín cũng là mùa hội xòe hoa lại bắt đầu. Bởi, “Không xòe cây lúa không trổ bông/ Không xòe cây ngô không ra bắp/ Không xòe trai gái không thành đôi/ Không xòe không vui…”.
Xòe đường phố |
Lễ hội xòe Mường Lò đã trở thành lễ hội truyền thống của người dân thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) mở đầu cho Tuần Văn hóa - du lịch Mường Lò hàng năm. Mùa du lịch năm nay bắt đầu từ ngày 12/10, với chủ đề “Mường Lò vui hội xòe hoa”, đã thu hút hàng ngàn khách du lịch từ mọi miền đất nước, trong đó có nhiều khách nước ngoài tới thăm đã hòa mình vào đêm hội xòe hoa.
Múa xòe là sinh hoạt cộng đồng của người Thái đen trên cánh đồng Mường Lò được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Đó là những giá trị văn hóa giàu chất nhân văn, mỗi điệu múa thể hiện một cách tinh tế cuộc sống lao động, sinh hoạt của người Thái gắn bó với ruộng đồng nơi đây.
Có 6 điệu xoè cổ: Khắm khăn mơi lẩu- Nâng khăn mời rượu: Người phụ nữ thay mặt gia chủ nâng khăn mời rượu. Chén rượu do những người phụ nữ chưng cất từ hạt gạo họ làm ra, men rượu hòa men tình để người kết nối tình thân giữa chủ và khách để tình anh em các dân tộc ngày càng bền chặt hơn.
Điệu xòe khắm khăn mơi lẩu |
Phá xí- Bốn phương: Người ở khắp bốn phương trời, mười phương đất đều về đây chung vui. Các dân tộc khắp bốn phương trời sống trên thế gian này đều là anh em một nhà. Khăn tung lên như mời gọi mọi người cùng về đây chung vui trong một mái nhà không phân biệt trẻ già, trai gái, dân tộc.
Nhôm khăn-Tung khăn: Người phụ nữ Thái xưa dệt vải, thêu khăn cho chồng cho con, điệu múa như khoe với mọi người về chiếc khăn mình thuê khéo léo biết chừng nào.
Đổn hôn-Tiến lùi: Trong cuộc sống khi tiến hay lùi, chân nọ có thể vấp ngã nhưng được chân kia đỡ nên không đau.
Khắm khăn ỏm nọm: Gái trai, nắm tay nhau cùng vào vòng xoè. Đây là điệu xoè thể hiện tình đoàn kết thân ái giữa người với người, giữa các dân tộc với nhau.
Tốp mư-Vỗ tay: Sau khi làm xong một việc lớn, hay sau mùa gặt người ta tổ chức cuộc vui, họ vỗ tay reo mừng sự thành công đó.
Tổ chức Guinness Việt Nam đã công nhận “Màn đại xoè cổ lớn nhất Việt Nam” được tổ chức năm 2013. Từ đó đến nay, mỗi mùa lễ hội thu hút hàng ngàn diễn viên quần chúng đến với vòng xòe khi lễ hội xòe mở ra.
Mở đầu cho mùa lễ hội là cuộc diễu diễn đường phố với sự tham gia của trên ngàn người, được tổ chức trên đường Điện Biên, bắt đầu từ Dốc Đỏ đến sân vận động thị xã. Đoàn múa xòe rộn ràng bước đi trong tiếng chiêng, tiếng trống vang động khắp cánh đồng như mời gọi mọi người bước vào vòng xòe trong lung linh ánh điện kỳ ảo.
Xe diễn hội đâm đuống |
Mường Lò nơi hội tụ những sắc màu văn hóa đặc sắc của người dân Tây Bắc, trong đó đậm đặc nhất là văn hóa Thái. Lễ hội tái hiện toàn bộ những sinh hoạt văn hóa của người dân Mường Lò từ ngàn đời xưa đến nay: Hạn khuống, ném còn, kéo co, đẩy gậy, thêu khăn dệt vải…Mùa lễ hội năm nay có thêm các hoạt động: Trình diễn xe ô tô vượt địa hình tại sân bay Phú Trạng, thi Người đẹp Mường Lò, lễ hội hoa ban trắng, lễ hội đâm đuống…
Đêm khai mạc Lễ hội Văn hóa- Du lịch Mường Lò du khách như lạc vào vườn hoa muôn màu, tiếng hát như mời gọi: “Vào đi anh/ Xòe đi anh/ Đêm không tàn/ Sương dâng mờ/ Mai xa rồi/ Trăng Mường Lò anh mang về xuôi…” Vòng xòe càng được mở rộng ra. Nào ta nắm chặt tay nhau đắm say trong vòng xòe. Xòe đi anh, xòe đi em, không xòe trai gái không thành đôi…
Xòe hoa |
Những vũ nữ trước khi vào vòng xòe |
Người đẹp Mường Lò |
Người dân tham gia lễ hội |
Người nước ngoài tham dự lễ hội xòe hoa |