| Hotline: 0983.970.780

Khu rừng hương đẹp nhất Gia Lai

Thứ Năm 27/04/2017 , 14:05 (GMT+7)

Từ mấy chục năm nay, hàng ngàn cây gỗ hương được sống trong yên bình, không bị bất cứ sự xâm hại nào, dù nhỏ. Khu rừng ấy ở xã K’riêng, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai.

Có khu rừng được đánh giá đẹp nhất Gia Lai này là do 2 người đàn ông bất chấp mọi khó khăn, nguy hiểm, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ. Đó là ông Nguyễn Hữu Mạnh, 65 tuổi và Rơ Mah Kem, 61 tuổi, cùng ở xã Kriêng, huyện Đức Cơ.
 

Khu rừng vô giá

Theo chân anh Trịnh Xuân Hữu, kiểm lâm viên, Hạt Kiểm lâm Đức Cơ phụ trách địa bàn xã Kriêng, chúng tôi vào khu rừng hương ở làng Grôn, gặp 2 người đàn ông được mệnh danh là “sát thủ” của lâm tặc.

13-27-39_nh-1
Một góc khu rừng hương quý ở Đức Cơ do 2 ông Mạnh và Rơ Mah Kem bảo vệ

Nhà của 2 ông là căn chòi nhỏ nằm dưới gốc một cây hương to, cách bìa rừng chừng hơn trăm mét. Bên trong chòi, “tài sản” quí nhất là mấy can nước, một chiếc giường được ghép bằng mấy tấm ván gỗ ọp ẹp, mấy thùng mì tôm dự trữ. Do đã hẹn trước nên khi chúng tôi đến, 2 ông đều có mặt. Nghe tôi hỏi chuyện giữ rừng, ông Rơ Mah Kem, người nổi tiếng “dữ dằn” khi đối đầu với kẻ xấu, nở nụ cười hiền, giọng nhỏ nhẹ: “Tôi có làm được gì đâu, theo ông Mạnh thôi mà”.

Dõi mắt nhìn vào rừng cây trước mặt, anh Hữu cho biết: “Khu rừng có diện tích gần 4ha, có 2.000 cây hương thuộc loại lớn. Đường kính trên dưới 70cm, nhiều cây to 2 - 3 người ôm. Đây được coi là khu rừng hương đẹp nhất Gia Lai. Công đầu là của ông Mạnh và ông Rơ Mah Kem”.

Quả thật, tôi từng đi nhiều khu rừng ở nhiều vùng, nhưng chưa thấy nơi nào có một quần thể rừng hương bạt ngàn, đẹp như thế. Cây lớn, cây nhỏ đan xen, xuyên ngọn qua những đám dây leo, cây dại chằng chịt bên dưới, vươn thẳng lên trời. Trên thân mỗi cây đều có đánh dấu thứ tự, vị trí để kiểm tra.

Ông Mạnh quê ở Quảng Trạch, Quảng Bình, năm 1994, ông dắt vợ con vào Gia Lai lập nghiệp. Vào đây, thấy khu rừng hương, biết trước “tương lai” của nó sẽ rất đen tối nếu không được bảo vệ nghiêm ngặt, ông xin chính quyền giao cho mình vào trông nom, bảo vệ. Ông hứa sẽ giữ rừng không mất một cành cây! Thấm thoắt, ông “ăn ngủ” với rừng đã ngót 20 năm.

13-27-39_nh-2
Nhiều cây hương 2 - 3 người ôm

Ông Mạnh kể: “Hồi mới vào, cực lắm. “Rừng thiêng nước độc”, mưa gió, sấm chớp, rắn rết, sốt rét… thôi đủ cả. Nếu tôi chưa từng giữ rừng, vào đây chắc không chịu nổi. Ban đầu vợ tôi phản đối dữ lắm, bảo sao không đi phát rẫy làm cỏ trồng lúa trồng cây trái, trồng cà phê còn có cái mà đút miệng, giữ rừng có được mấy đồng. Mà coi chừng bọn nghiện ngập, lâm tặc vô phá, chúng nó đâm chết đấy.

Tôi bảo, tôi đã quyết rồi, đến đâu thì đến, phải giữ cho bằng được. Đây là “tài sản” của con cháu mình sau này, là tài sản của nhà nước. Ai cũng nói không phải của mình, ai cũng bảo không có quyền lợi gì, rồi bỏ, tụi nó vào phá sạch thì mai mốt đất cũng trôi tuột hết, không có mà cạp đâu.

Không chỉ có vợ tôi, ban bè, người thân ai cũng can vì sợ gia đình tôi không an toàn. Cũng đúng thôi, bây giờ 1m3 gỗ hương giá cả trăm triệu đồng, một cây có khi được hơn 2 chục khối, chỉ cần cắt trộm được một cây là “ăn đủ” rồi. Nên mọi người lo lắng cũng phải".

Quả nhiên, trong suốt nhiều năm nhận giữ rừng, ông Mạnh liên tục bị người lạ “làm phiền”, đủ trò, đủ cách. “Ban đầu tụi nó giả làm người đi hái củi khô, hái rau rừng, vào đây làm quen, dò la. Tôi nhìn là biết “thành phần” này thuộc loại “bất hảo”, không đội trời chung với rừng nên đề phòng. Đúng như dự đoán, sau đó tụi nó ban đêm rủ nhau vào khu vực xa, chặt trộm chứ không dám cưa, tôi đã phòng trước nên huy động dân làng kéo vào.

Cũng chỉ hò hét, đánh động tụi nó thôi chứ không dám đối đầu, sợ ảnh hưởng đến bà con. Sau khi trộm không được, tụi nó lại tìm cách mua chuộc… Nhưng lần nào cũng vậy, tôi nói rõ quan điểm với chúng: Rừng của nhà nước chứ không phải của tôi, đụng vô là đi tù đó. Còn tui, giá nào cũng giữ, chết cũng không sợ. Cũng may, khu rừng có làng Grôn bao quanh, muốn ra, vào rừng đều phải qua làng”, ông Mạnh kể.
 

Khi chết, tôi muốn chôn ở rừng

Thấy quyết tâm và tấm lòng của ông Mạnh, ông Rơ Mah Kem, trưởng thôn Grôn, người J'rai, đã tình nguyện sát cánh cùng ông Mạnh giữ rừng. Những năm tháng luồn lách giữa rừng hương, tính hoang dã như ngấm vào Rơ Mah Kem.

13-27-39_nh-3
Niềm vui của Rơ Mah Kem (trái) trước thành quả mấy chục năm giữ rừng

Da đỏ như đồng, thân thể vạm vỡ như con gấu, tiếng hét của ông vang vọng mấy cánh rừng, đến hổ còn giật mình. Chính vì thế, những người có “tà ý” với rừng, đều ngần ngại khi nghĩ đến Rơ Mah Kem. Ông thuộc từng gốc cây, ngọn lá, cây nào bệnh, cây nào không. Thậm chí, 2 ông khẳng định, chỉ cần nghe cành khô gãy là đoán của cây nào!

Ban ngày, cầm rựa phát quang chống cháy, dọn thực bì, đóng biển "rừng cấm", đêm ngủ cũng căng tai lên, nghe tiếng động lạ là 2 ông bật dậy, cầm đèn pin đi kiểm tra, nhiều đêm đến sáng mới về đến chòi. Những lúc không đi tuần, hai ông cần mẫn nhặt từng quả hương già, nhân giống chờ đâm chồi. Sống ít, chết nhiều nhưng vẫn cặm cụi với ước nguyện "có cây, rừng sẽ mở rộng diện tích".

Tuy nhiên, còn một “nhân vật” khác, rất quan trọng trong việc bảo vệ khu rừng quý này, đó là ông Rơ Mah Le, Phó Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND xã Kriêng. Ông chính là người đầu tiên đề xuất phải giữ bằng mọi giá. Rơ Mah Le xem rừng như nhà mình, một tuần không vào thăm rừng 2 - 3 lần, là không ngủ được.

Chiều chiều, hết giờ làm việc, ông lại lững thững vào rừng đi dạo, nghe tiếng chim hót. Ông bảo, đó là hạnh phúc không gì thay thế được. Ông xin chính quyền và căn dặn con cháu, khi nào ông chết, ông muốn được chôn trong rừng.

Thấy 2 ông bảo vệ rừng quá tốt, chính quyền huyện Đức Cơ trích ngân sách xây hẳn cho hai ông một… căn chòi bằng xi măng, lợp tôn. Không điện, nước. "Vũ khí" duy nhất phòng thân là hai cây rựa phát rẫy.

13-27-39_nh-5
“Ngôi nhà” giữa rừng của 2 ông “người rừng” Nguyễn Hữu Mạnh, Rơ Mah Kem do địa phương xây cho

“Tụi phá rừng nó đâu có sợ giáo mác gậy gộc, thậm chí súng, nên tôi thấy cũng không cần”. “Vậy theo chú, tụi nó sợ cái gì?”, tôi hỏi. “Như chú thấy, ở đây chẳng có vũ khí gì, vẫn giữ được. Tôi thấy, giữ được là nhờ có tình yêu, trách nhiệm với rừng, là sự đoàn kết của bà con. Khi cần, thêm chút “máu giang hồ” nữa”, ông cười, đáp.

Nói về khu rừng hương, ông Bùi Quang Thịnh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đức Cơ cho rằng: "Giữ rừng có nhiều biện pháp, nhưng tối ưu vẫn là tuyên truyền. Huyện Đức Cơ trong mỗi cuộc họp thôn, bản đều cùng hai ông tuyên truyền lợi ích của rừng. Nhiều lúc phải đến tận từng nhà, gặp trực tiếp khuyên nhủ, răn đe. Thậm chí, trang bị miễn phí điện thoại cho những hộ có nương rẫy sát bìa rừng, hễ thấy ai tiến vào rừng, là gọi điện báo tin. Rừng hương giờ được làng Grôn coi là "khu rừng thiêng", một nhánh củi khô cũng không ai bẻ".

"Tôi thấy những khu rừng được bảo vệ hiệu quả đều là rừng giao cho cộng đồng. Điều tôi trăn trở là, trong khi những nơi rừng bị phá, tỉnh đều có hình thức xử lý. Vậy tại sao khi người ta giữ rừng tốt, thậm chí người nguyện chết vì rừng lại không được khen thưởng để khích lệ họ? Bên tỉnh bạn phải đầu tư đến 27 tỉ đồng xây tường rào xi măng bao quanh bảo vệ một khu rừng trắc, nhưng vẫn bị phá. Trong khi, rừng hương Đức Cơ chẳng tốn đồng nào vẫn giữ được. Đó là một kỳ tích, cần phải tưởng thưởng xứng đáng cho những người có công”, ông Nguyễn Nhĩ, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Gia Lai.

 

Xem thêm
Xuất khẩu chè của Việt Nam 10 tháng tăng cả về khối lượng và giá trị

Tính chung 10 tháng năm 2024, xuất khẩu chè của Việt Nam đạt hơn 120 nghìn tấn, trị giá gần 212 triệu USD.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

10 năm Quỹ Vì tầm vóc Việt: Từ sự thấu hiểu, tạo sự thay đổi

Một thập kỷ qua, Quỹ Vì tầm vóc Việt đã kết nối và huy động sức mạnh cộng đồng để tạo nên những thay đổi tích cực, bền vững cho xã hội.

Độ nóng bất ngờ của căn phòng 3 ngủ tại Hanoi Melody Residences

Căn hộ 3 phòng ngủ (có diện tích từ 95-145m2) tại Hanoi Melody Residences đang được khách hàng rất quan tâm xuống tiền ngay giữa bối cảnh giá thị trường chung không ngừng gia tăng.