| Hotline: 0983.970.780

Khuyến nông 'hâm nóng' tái cơ cấu ngành

Thứ Tư 06/01/2016 , 08:15 (GMT+7)

“Tôi đi đến bất kỳ chỗ nào mà đời sống nhân dân ấm no, thì người dân đều nói rằng, đó là nhờ có cán bộ khuyến nông chuyển giao kỹ thuật để phát triển sản xuất…" - GS.TS Ngô Thế Dân, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT chia sẻ.

12-53-11__dsc0401
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội nghị

“Tôi đi đến bất kỳ chỗ nào mà đời sống nhân dân ấm no, thì người dân đều nói rằng, đó là nhờ có cán bộ khuyến nông chuyển giao kỹ thuật để phát triển sản xuất… Nó cho thấy, cán bộ khuyến nông là những người rất gần dân, luôn đau đáu với mảnh đất, thửa ruộng của bà con”.

GS.TS Ngô Thế Dân, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đã chia sẻ như vậy tại Hội nghị tổng kết công tác Khuyến nông năm 2015 vừa diễn ra tại Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh.

Bám sát thực tiễn

Năm 2015, mặc dù thời tiết diễn biến bất thuận (vụ ĐX miền Bắc ấm bất thường, Tây Nguyên và miền Trung hạn khốc liệt); dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp; giá nhiều nông sản xuống thấp kỷ lục, tiêu thụ khó khăn dẫn đến thu nhập của người nông dân thấp, hạn chế đầu tư áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Bên cạnh đó, cơ chế chính sách khuyến nông còn nhiều bất cập nhưng chậm được điều chỉnh, sửa đổi. Nguồn thu ngân sách Nhà nước và sản xuất, kinh doanh khó khăn, nguồn kinh phí khuyến nông từ ngân sách và nguồn đầu tư cho khuyến nông xã hội giảm. Tuy nhiên, hoạt động khuyến nông vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực.

Hoạt động thông tin, tuyên truyền tiếp tục được cải tiến, đa dạng về nội dung và hình thức, nâng cao khả năng tiếp cận với đông đảo nhân dân thông qua việc biên soạn và phát hành tài liệu khuyến nông sát nhu cầu, phù hợp với đối tượng sử dụng, hỗ trợ thí điểm xây dựng “Tủ sách khuyến nông” của các xã nông thôn mới. Bên cạnh đó, truyền thông về khuyến nông ngày càng có định hướng theo đối tượng sản xuất, mùa vụ của từng vùng miền; giảm chuyên mục, gia tăng thời lượng, tăng tư vấn, mở rộng trên các phương tiện thông tin tại các khu vực... kết hợp với tổ chức các diễn đàn, hội thi, hội thảo. Song song với đó, đào tạo, tập huấn cũng là nội dung được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia quan tâm hàng đầu. Từ đó, hàng chục ngàn người đã được bồi dưỡng phương pháp khuyến nông và kỹ thuật chuyên ngành.

Theo TS Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm KNQG, chỉ riêng năm 2015, Trung tâm đã chủ trì 24 dự án với 310 mô hình trình diễn (gồm cả lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản…), hơn 16.000 hộ tham gia. Trung tâm quản lý 11 dự án với 49 mô hình trình diễn, 1.665 hộ tham gia.

Phương pháp triển khai dự án khuyến nông đã được cải tiến theo hướng chú trọng khâu chọn điểm, chọn hộ thực hiện, theo dõi, tổng kết các nội dung tiến bộ kỹ thuật, công nghệ và công tác quản lý, tổ chức thực hiện. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết dự án theo vùng để phân tích đánh, đúc rút kinh nghiệm, xác định giải pháp và thông tin kết quả để nhân rộng mô hình của dự án. Đồng thời, khuyến nông tích cực triển khai các nhiệm vụ “nóng” của ngành như phòng chống và khắc phục thiên tai và tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh, nâng cao chất lượng vệ sinh ATTP, liên kết sản xuất để tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản xuất, xúc tiến tiêu thụ và nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế.

-dsc0399131506299
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho PGS.TS Phan Huy Thông

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhận xét, về góc độ chăn nuôi, các tiến bộ khoa học kỹ thuật khi thông qua Trung tâm KNQG đều được chuyển giao và nhân rộng vào sản xuất, mang lại hiệu quả cao. Năm 2015, kết quả của ngành chăn nuôi được duy trì và phát triển có sự đóng góp rất lớn của Trung tâm KNQG.

“Đặc biệt, chúng tôi đánh giá rất cao dự án sản xuất giống tại chỗ cho các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc bởi đây là những khu vực rất khan hiếm giống vật nuôi. Bà con vùng giáp biên thường nhập lậu giống kém chất lượng từ nước ngoài vào. Nếu không kiểm soát tốt, dịch bệnh có thể lây lan, đe dọa sự tồn vong của ngành chăn nuôi nước nhà”, ông Trọng nói.

GS.TS Ngô Thế Dân, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, người luôn tâm huyết với công tác khuyến nông, chia sẻ: “Tôi đi đến bất kỳ chỗ nào mà đời sống nhân dân ấm no, thì người dân đều nói rằng, đó là nhờ có cán bộ khuyến nông chuyển giao kỹ thuật để phát triển sản xuất. Tất nhiên, thành quả đó không phải chỉ riêng nỗ lực của công tác khuyến nông. Nhưng nó cho thấy, cán bộ khuyến nông là những người rất gần dân, luôn đau đáu với mảnh đất, thửa ruộng của bà con”.

Trong dịp này, Trung tâm KNQG vinh dự được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT công nhận danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc năm 2014. PGS.TS Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm KNQG được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì.

Cũng theo GS.TS Ngô Thế Dân, trong những năm qua hệ thống khuyến nông đã làm tốt khâu chuyển giao khoa học kỹ thuật, phát triển sản xuất về tất cả các lĩnh vực. Nhưng thời gian tới, khuyến nông cần chuyển sang hướng hỗ trợ nông dân xây dựng, phát triển chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ.

Thắp sáng hơn đổ đầy

Tuy kết quả đạt được là rất tích cực, song người đứng đầu Trung tâm KNQG cũng chỉ ra 5 điểm yếu của công tác khuyến nông hiện nay. Thứ nhất, năng lực của lực lượng khuyến nông trẻ, đặc biệt là kiến thức thực tiễn, kỹ năng kinh nghiệm còn nhiều bất ập, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và hiệu quả của hoạt động khuyến nông.

Thứ hai, phần lớn cán bộ khuyến nông quen với cách làm cũ, chưa mạnh dạn đổi mới phương pháp. Đặc biệt là chỉ chú trọng đến hoạt động mang tính hành chính mà chưa chú trọng coi trọng theo dõi, đánh giá các nội dung kỹ thuật, công nghệ mới để tổng kết, nhân rộng.

Ngoài ra, cơ chế quản lý khuyến nông hiện nay vừa chồng chéo, vừa phân tán. Sự phối hợp hoạt động giữa Trung ương và địa phương, giữa các đơn vị trong và ngoài Bộ, giữa khuyến nông Nhà nước và khuyến nông ngoài Nhà nước chưa chặt chẽ. Nhiều đơn vị ngoài hệ thống chưa coi trọng công tác công khai thông tin hoạt động khuyến nông đến người dân, cá biệt còn có những các nhân, đơn vị thực hiện dự án nhánh đã vi phạm quy định về công khai, minh bạch các cơ chế, chính sách khuyến nông khi xây dựng mô hình trình diễn.

16-07-23-41131513462
Tham quan trang trại bò của ông Nguyễn Khắc Vân ở thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên, Yên Bái. Ảnh: Thái Sinh

Và điểm yếu cuối cùng là công tác kiểm tra, giám sát hoạt động khuyến nông chưa thường xuyên, cách thức kiểm tra chưa sâu sát, chưa có sự phối hợp tốt giữa Trung ương và địa phương.

Để khắc phục những điểm yếu trên và nâng cao hiệu quả của công tác khuyến nông, phục vụ tái cơ cấu ngành và xây dựng NTM, theo TS Phan Huy Thông, trong thời gian tới, công tác khuyến nông cần được đổi mới phương pháp tiếp cận. Ngày nay, nông dân phải được coi là khách hàng. Khuyến nông phải xuất phát từ nhu cầu của nông dân, của sản xuất. Cần thực hiện phương châm “thắp sáng hơn đổ đầy”, nghĩa là lựa chọn những tiến bộ KHKT, mô hình sản xuất hiệu quả nhất, nổi bật, có sức thuyết phục cao và có khả năng lan tỏa để chuyển giao. Đồng thời, chất lượng quan trọng hàng đầu. Bởi khi đẩy mạnh xã hội hóa công tác khuyến nông, nông dân có quyền lựa chọn nhà cung ứng dịch vụ khuyến nông có chất lượng tốt nhất.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh biểu dương hệ thống khuyến nông đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác trong năm qua. Về những công việc trọng tâm trong năm 2016, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nêu rõ: Vấn đề lúc này là quyết tâm và chủ động thực hiện các mục tiêu, kế hoạch đã được hội nghị thống nhất. Hoạt động khuyến nông cần tập trung vào các sản phẩm chủ lực, có tiềm năng, lợi thế, khả năng cạnh tranh.

Từ đó hình thành nên các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tập trung chuyên canh, vùng nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu. Các kỹ thuật, công nghệ chuyển giao phải là các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, bứt phá và có sức lan tỏa mạnh.

Xem thêm
Heo hơi tăng giá, người nuôi lãi 2 triệu đồng/tạ

BẾN TRE Heo hơi xuất bán tại chuồng ở huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre đang có giá từ 64 - 67 nghìn đồng/kg, tăng 4 - 7 nghìn đồng/kg so với cách đây 1 tháng.

Xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật rộng đường

TÂY NINH Ngày 18/5, Bộ NN-PTNT phối hợp UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị thúc đẩy xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị.

Tập huấn giúp nông dân bớt mông lung về canh tác lúa giảm phát thải

CẦN THƠ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai tập huấn cho nông dân tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao về giải pháp kỹ thuật canh tác lúa giảm phát thải.

Tiền Giang tôn vinh nhiều trí thức tiêu biểu lĩnh vực khoa học và công nghệ

Năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ đã nghiệm thu, kết thúc và trình ban hành quyết định công nhận 20 nhiệm vụ, trong đó lĩnh vực nông nghiệp có 10 nhiệm vụ.