Bạc Liêu là tỉnh ven biển có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản và được phân chia thành 3 vùng mặn - ngọt - lợ.
Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh hơn 140.000ha, bao gồm các mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ thâm canh và bán thâm canh, tôm quảng canh cải tiến, tôm - lúa, cá kèo.
Trong đó, mô hình tôm - lúa với diện tích hơn 41.500ha được đánh giá hiệu quả, bền vững và được bà con nông dân vùng phía bắc QL1A thực hiện khá phổ biến. Tuy nhiên, những năm gần đây mô hình này đứng trước những khó khăn như dịch bệnh, môi trường nước ô nhiễm, giá tôm giảm.
Năm 2024, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng mô hình nuôi cá kết hợp lúa tại huyện Phước Long và thị xã Giá Rai với diện tích 10ha/8 hộ.
Mô hình hỗ trợ 50% cá kèo giống, lúa giống ST24 và một số vật tư, chế phẩm vi sinh, thức ăn, phân bón sinh học. Mô hình nhằm tăng hiệu quả kinh tế, tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên trong ruộng lúa, tìm ra đối tượng nuôi mới phù hợp.
Kết quả thực hiện mô hình tại xã Phong Thạnh A, thị xã Giá Rai năng suất cá kèo đạt 60 - 150kg/ha, cỡ thu hoạch 30 - 40 con/kg, giá bán 130.000 - 160.000 đồng/kg. Năng suất lúa đạt 4 - 5 tấn/ha, giá bán 11.000 đồng/kg. Lợi nhuận từ mô hình đạt 40 - 50 triệu đồng/ha.
Điểm trình diễn tại thị trấn Phước Long, huyện Phước Long năng suất cá kèo đạt 120 - 170kg/ha, cỡ thu hoạch 30 - 40 con/kg, giá bán 130.000 - 160.000 đồng/kg. Năng suất lúa đạt từ 6 - 6,5 tấn/ha, giá bán 11.000 đồng/kg. Lợi nhuận từ mô hình đạt 60 - 70 triệu đồng/ha.
Bà Thái Thị Loan, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phước Long đánh giá, mô hình trình diễn nuôi cá kết hợp lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với địa phương. Mô hình áp dụng có hiệu quả bằng việc thả cá kèo kết hợp với trồng lúa để tận dụng thức ăn tự nhiên. Cá phát triển tốt, giống lúa ST24 sử dụng phân bón hữu cơ, phân sinh học ít ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Ông Nguyễn Hoàng Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu cho rằng, chính quyền địa phương cần quan tâm, nhân rộng mô hình.