“Cơ giới hóa đồng bộ và liên kết dịch vụ trong sản xuất lúa” góp phần giải phóng sức lao động cho nông dân
Sản xuất nông nghiệp (SXNN) Hà Nội vẫn còn manh mún, việc áp dụng KHKT vào sản xuất còn hạn chế. Đây chính là nguyên nhân khiến tiêu chí nâng cao thu nhập cho nông dân trong 19 tiêu chí của chương trình xây dựng NTM triển khai tại các huyện gặp khó khăn.
Muốn khắc phục hạn chế đó, cần nâng cao hiệu quả kinh tế trên 1ha canh tác; giúp nông dân - chủ thể NTM tự làm mới mình với quy mô SX tiến bộ, hình thành thương hiệu, mạng lưới tiêu thụ cho nông sản,…
Cần thay đổi phương thức SX
Theo ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (TTKN), để nâng cao thu nhập cho nông dân, giảm số lao động nông thôn, hoàn thành việc dạy nghề cho nông dân, các địa phương cần thay đổi phương thức SX. Đối với Hà Nội, diện tích lúa chiếm trên 50% trong tổng diện tích trồng cây nông nghiệp. Vì vậy, muốn thay đổi phương thức SX phải bắt đầu từ cây lúa.
Hiện SX lúa của Hà Nội vẫn nặng thủ công, chưa áp dụng được cơ giới hóa nên năng suất vẫn chưa cao, chi phí còn lớn. Do đó, việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật được TTKN đặc biệt chú ý, điển hình như mô hình hỗ trợ gieo thẳng lúa theo hàng bằng giàn sạ. Năm 2011 kế hoạch toàn Thành phố thực hiện 4.250 ha lúa gieo sạ, trong đó vụ xuân đã thực hiện được là 2.150 ha, đạt 100% kế hoạch, triển khai trên 14 huyện, thị xã.
Ông Nguyễn Văn Chí cho biết, vụ xuân năng suất lúa gieo sạ khoảng 64 tạ/ha, tăng 10% so với cấy lúa, người nông dân giảm khoảng 6 triệu đồng chi phí công cho 1ha. Nếu cấy thì lượng giống cần cho 1 ha đối với lúa thuần là 60kg/ha, lúa lai là 30kg/ha song nếu gieo sạ thì giống lúa thuần cần 30kg/ha, lúa lai 20kg/ha nên lượng giống giảm được 1/3 đến một nửa.
Bên cạnh đó, mô hình cơ giới hoá đồng bộ, dịch vụ và liên kết trong SX lúa cũng mang lại hiệu quả kinh tế. Năm 2011, TTKN triển khai mô hình với quy mô gần 400 ha với tổng số 2.385 hộ dân tham gia. Cơ bản các điểm đã tiến hành thành lập các tổ công tác: tổ kỹ thuật, tổ dịch vụ, tổ vận hành máy móc... hoạt động có hiệu quả; các khâu làm đất, ngâm ủ giống, gieo sạ, chăm sóc bón phân, phun thuốc trừ cỏ và phòng trừ sâu bệnh tập trung.... đã giảm chi phí, sức lao động.
Song song với hai mô hình trên, TTKN còn triển khai nhiều mô hình hiệu quả, nâng cao thu nhập cho nông dân. Mô hình trồng thâm canh thanh long ruột đỏ tập trung theo GAP (năm thứ hai) cho thấy cây thanh long ruột đỏ hoàn toàn có thể trồng, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao tại các vùng đồi gò của Hà Nội nói riêng và của miền Bắc nói chung.
Năm 2011, Trung tâm tiếp tục triển khai công tác chăm sóc Mô hình trồng thâm canh thanh long ruột đỏ tập trung theo GAP tại xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội. Đây là mô hình điểm và là tiền đề để mở rộng diện tích xây dựng vùng trồng thanh long ruột đỏ tập trung trên các vùng đồi gò, phù hợp với chủ trương quy hoạch các vùng cây ăn quả đặc sản tập trung của TP. Mô hình đã từng bước xây dựng thương hiệu cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho người lao động; sử dụng hiệu quả nguồn đất đai đồi gò kém dinh dưỡng, góp phần xoá đói giảm nghèo.
"Vật chất quyết định ý thức, muốn nông dân xây dựng NTM phải thay đổi “chất” trong họ để họ tự điều chỉnh ý thức, có như vậy chương trình NTM mới thành công cả về chất lẫn lượng", ông Nguyễn Văn Chí nhấn mạnh. |
Đẩy mạnh công tác khuyến nông
Thứ trưởng Bộ NN - PTNT Hồ Xuân Hùng cho rằng, mấu chốt để tăng thu nhập cho dân là từng địa phương phải tìm ra được lợi thế của mình để từ đó phát huy. Ví dụ như: xã Hải Đường (Nam Định) phát triển VAC gắn với ngành nghề nông thôn; xã Thụy Hương (Hà Nội) trồng rau, hoa phục vụ cho đô thị là đúng hướng. Các địa phương cần tổ chức SX theo hướng chất lượng cao. Đào tạo nghề làm nông nghiệp theo hướng công nghệ cao hoặc thông qua doanh nghiệp đào tạo trực tiếp theo nhu cầu được hiệu quả lâu dài.
Muốn vậy, các địa phương phải rà soát lại, xác định rõ sản phẩm hàng hóa chủ lực về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản để quy hoạch SX phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội chung của huyện, của tỉnh. Quy hoạch SX gắn với dồn điền đổi thửa và quy hoạch hạ tầng kỹ thuật; tập trung đào tạo kỹ thuật SX, kiến thức thị trường cho người lao động theo cây, con đã lựa chọn. Muốn vậy, công tác khuyến nông phải được được biệt chú trọng. Đây là cầu nối để nông dân tiếp cận với những phương thức SX có tính hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.
Trong hội thảo gần đây về vai trò của khuyến nông đối với phát triển kinh tế nông nghiệp tại khu vực Châu Á, đại diện các nước và chuyên gia kinh tế thế giới đều nhận định, một trong xu thế thích nghi với toàn cầu hóa đối với các nước nông nghiệp là tập trung cải thiện SX kết hợp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Cần cải cách cấu trúc nông nghiệp và nông thôn bằng các chương trình củng cố các trang trại, đẩy mạnh cơ giới hóa và xây dựng nông thôn điện tử nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của nông dân.
Trong quá trình thay đổi cấu trúc nông nghiệp, khuyến nông trở thành một kênh chuyển giao kỹ thuật hữu ích với nông dân. Để làm được điều này, TTKN Hà Nội đang tập trung mở các lớp đào tạo cán bộ khuyến nông có trình độ, năng lực tham gia học các chương trình để có thể lấy chứng chỉ tham gia dạy nghề cho nông dân.
Hiện, TTKN đang kết hợp chặt chẽ hơn nữa với các Viện, Trường đại học, các doanh nghiệp, các cơ quan thông tin đại chúng, các ban, ngành, đoàn thể các cấp, các tổ chức khoa học phi Chính phủ của nước ngoài (thông qua các Viện, Trường). Đẩy mạnh tuyên truyền nhân rộng các chương trình SX nông thủy sản theo GAP hay VietGAP.