| Hotline: 0983.970.780

Kỉ luật Chủ tịch xã 'bớt xén' tiền bảo vệ rừng của người dân

Thứ Ba 24/08/2021 , 13:34 (GMT+7)

Chủ tịch cùng 2 cán bộ UBND xã Hồng Thuỷ, huyện A Lưới (Thừa Thiên- Huế) vừa bị kỉ luật do 'bớt xén' tiền chi trả phí bảo vệ rừng cho người dân.

Chủ tịch và 2 cán bộ UBND xã Hồng Thuỷ bị kỷ luật do 'bớt xén' tiền bảo vệ rừng của người dân. Ảnh: Tiến Thành.

Chủ tịch và 2 cán bộ UBND xã Hồng Thuỷ bị kỷ luật do "bớt xén" tiền bảo vệ rừng của người dân. Ảnh: Tiến Thành.

Ngày 23/8, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới (Thừa Thiên- Huế) cho biết, Hội đồng kỷ luật huyện vừa quyết định kỷ luật đối với 3 cán bộ UBND xã Hồng Thuỷ do sử dụng sai mục đích số tiền bảo vệ rừng theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, 3 cán bộ UBND xã Hồng Thuỷ bị kỷ luật cảnh cáo về mặt chính quyền gồm: ông A Kơ Tiến, Chủ tịch UBND xã; bà Hồ Thị Hanh, Kế toán UBND xã và ông Ái Quốc Pơ Lin, Cán bộ địa chính.

Trước đó, người dân, nhóm hộ cộng đồng xã Hồng Thuỷ phản ánh, việc không được nhận đầy đủ số tiền bảo vệ rừng theo quy định sau khi được UBND xã Hồng Thủy chi trả.

Ngay sau đó, UBND huyện A Lưới đã chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ. Theo Báo cáo số 222/BC-UBND của UBND huyện A Lưới: Số tiền mà UBND xã Hồng Thuỷ đã trích lại từ các nhóm hộ cộng đồng là 182.288.200 đồng.

Hội đồng kỷ luật của huyện A Lưới đã đưa ra hình thức kỷ luật với mức cảnh cáo về mặt chính quyền đối với các cá nhân sai phạm liên quan. Số tiền UBND xã Hồng Thuỷ đã trích lại từ các nhóm hộ cộng đồng sẽ được thu hồi và sử dụng vào đúng mục đích.

Phá rừng ở xã Hồng Thủy, huyện A Lưới. Ảnh: Tiến Thành.

Phá rừng ở xã Hồng Thủy, huyện A Lưới. Ảnh: Tiến Thành.

Được biết, khu vực rừng tại xã Hồng Thủy (huyện A Lưới) được giao khoán theo Nghị định 75 cho các nhóm cộng đồng bảo vệ. Năm 2020, xã Hồng Thuỷ có khoảng 5.000 hecta diện tích rừng được giao khoán cho 20 nhóm cộng đồng của bà con để bảo vệ. Mỗi nhóm có khoảng 10 - 15 thành viên, chủ yếu là người dân địa phương. Để phát huy hiệu quả công tác bảo vệ rừng này, hằng năm, vốn ngân sách gửi về UBND xã một số tiền để chi trả cho người dân. 

Xem thêm
Cơ quan chức năng của Hải Phòng ở đâu khi lưới bẫy chim giăng khắp nơi?

Hễ vào mùa chim di trú là lưới lại giăng khắp các vùng quê của TP Hải Phòng để rồi chim trở thành nguồn thực phẩm cung cấp cho các nhà hàng đặc sản.

Vụ chuyến bay giải cứu: Người nước mắt ăn năn, kẻ tự hào dù sai phạm

Sáng ngày 25/12, phiên tòa xét xử sơ thẩm giai đoạn 2 vụ án 'chuyến bay giải cứu' tiếp tục diễn ra tại Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội với phần tranh tụng.