Hiện cả 3 chợ đầu mối lớn nhất TP.HCM đã phải tạm đóng cửa để phòng chống dịch Covid -19. Với mục tiêu không để chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, TP.HCM đang tập trung kích hoạt các phương án tạo nguồn hàng thiết yếu và đảm bảo cân đối hàng hóa cung cầu cho người dân toàn Thành phố.
Cụ thể, khi hàng hóa từ các tỉnh về TP.HCM sẽ được chuyển trực tiếp đến các chợ truyền thống. Đây là phương án điều tiết nhằm đảm bảo hàng hóa từ các tỉnh vào Thành phố được thông suốt, không bị gián đoạn và ùn ứ. Trước mắt, các hệ thống bán lẻ của Satra, Bách Hóa Xanh, Saigon Co.op… sẽ đảm nhận việc tiêu thụ hàng tồn của tiểu thương các chợ đầu mối, đồng thời tăng cường nguồn thiết yếu. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp bình ổn và một số đơn vị của Thành phố đã dự trữ nguồn hàng gấp 3 lần so với điều kiện bình thường.
Bên cạnh việc duy trì nguồn cung ứng hàng hóa từ các tỉnh đến TP.HCM một cách an toàn, lưu thông và thông suốt các hệ thống phân phối lớn, các doanh nghiệp bình ổn thị trường chủ lực còn tổ chức các chương trình phân phối hàng hóa đến tận tay người dân ở các vùng cách ly, khu vực phong tỏa. Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM Lý Kim Chi cũng chia sẻ: “Một số doanh nghiệp còn tổ chức các xe bán hàng hóa thực phẩm lưu động ở gần các chợ đầu mối đã đóng cửa, cho nên những ngày qua vẫn đủ lượng hàng hóa cung cấp cho người dân”.
Theo bà Chi, khi cả ba chợ đầu mối nông sản gồm Hóc Môn, Bình Điền và Thủ Đức dừng hoạt động để phục vụ phòng chống dịch, điều này không có nghĩa là sẽ ngưng mọi hoạt động lưu thông hàng hóa trên thị trường. Vì thế người dân yên tâm và không nên có tâm lý tích trữ đi mua hàng quá đông gây mất an toàn mùa dịch.
Do buộc phải đóng cửa các chợ đầu mối để phòng dịch, TP.HCM hiện đã cho “kích hoạt” lại một số chợ dân sinh, siêu thị. Tuy nhiên, chợ dân sinh sẽ chỉ mở lại các quầy hàng thiết yếu, tiểu thương bán hàng có vách che, các siêu thị mở cửa trở lại cũng phải đảm bảo nguyên tắc phòng dịch.
Sở Công Thương TP.HCM đang kích hoạt các nguồn hàng thiết yếu cung ứng trong mùa dịch, bằng việc khuyến khích các đơn vị chuyển sang các hình thức mua bán online, qua điện thoại, bán hàng theo đơn đặt hàng giao tận nơi và các hình thức phù hợp khác nhằm giảm tiếp xúc trực tiếp. Trường hợp xảy ra biến động hàng hóa, Sở Công Thương sẽ có phương án điều tiết, đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa cho người dân.
Để đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm online cho khách hàng, siêu thị Co.op Hoàng Văn Thụ đã kịp thời bổ sung thêm khoảng 7.000 mặt hàng nhu yếu phẩm giúp khách hàng dễ dàng lựa chọn. Vì thế người dân sẽ yên tâm mua sắm hàng hóa mà không lo bị thiếu hàng, hết hàng. “Chúng tôi cũng chủ động mỗi ngày nhập từ 2 đến 3 lần nguồn hàng hóa để làm sao khi vào lúc cao điểm trong ngày thì khách hàng vẫn đủ hàng mua sắm trong những ngày dịch và giãn cách sắp tới”, chị Trần Thanh Trúc, quản lý siêu thị Co.op Hoàng Văn Thụ khẳng định.
“Thống kê cho thấy, mạng lưới chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM có 110 chợ hoạt động trên tổng số 234 chợ. Ngoài ra, hoạt động thương mại trên địa bàn Thành phố còn có 106 siêu thị; 2.468 siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi và 28.700 điểm bán có kinh doanh lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu..”, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM cho biết.