| Hotline: 0983.970.780

Kiểm soát chất lượng sầu riêng xuất khẩu ngay từ đầu vào

Thứ Năm 14/11/2024 , 14:01 (GMT+7)

Nỗ lực sản xuất sầu riêng đạt chuẩn VietGAP, hướng hữu cơ, quyết tâm nâng cao chất lượng, tạo nền móng giúp sầu riêng Cần Thơ từng bước chinh phục các thị trường quốc tế.

Thời gian qua, Sở NN-PTNT TP Cần Thơ đã triển khai xây dựng nhiều mô hình sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc theo hướng hữu cơ. Trong đó, chú trọng việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả trên cây sầu riêng tại các vùng trồng trọng điểm như: Phong Điền, Thới Lai, Ô Môn.

Nhiều mô hình canh tác sầu riêng an toàn, bền vững đã và đang được TP Cần Thơ triển khai. Ảnh: Kim Anh.

Nhiều mô hình canh tác sầu riêng an toàn, bền vững đã và đang được TP Cần Thơ triển khai. Ảnh: Kim Anh.

Kết quả từ các mô hình cho thấy, khả năng sinh trưởng của cây sầu riêng vượt trội hơn về lá, hoa và tỷ lệ đậu trái… nhờ sử dụng phân hữu cơ. Đồng thời, kéo giảm 50% số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật so với tập quán canh tác trước đây, tăng lượng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học lên 30%.

Bà Trần Thị Kim Thúy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ đánh giá, hiệu quả kinh tế các mô hình mang lại rất khả quan.

Cụ thể, chi phí sản xuất thấp hơn 12,4 triệu đồng/ha, nhờ giảm đầu tư thuốc bảo vệ thực vật, phân bón. Cùng với đó, giá thành sản xuất vườn mô hình khoảng 28,6 triệu đồng/kg trái sầu riêng, lợi nhuận trung bình bà con nông dân thu được từ 200 - 300 triệu đồng/ha.

TP Cần Thơ đã xây dựng được 66 vùng trồng sầu riêng, diện tích gần 1.500ha phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: Kim Anh.

TP Cần Thơ đã xây dựng được 66 vùng trồng sầu riêng, diện tích gần 1.500ha phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: Kim Anh.

Nhìn ở khía cạnh môi trường, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón có nguồn gốc hữu cơ sinh học đã giúp cải thiện độ phì của đất, hạn chế suy thoái, nhất là ở những vùng đất trồng cây ăn trái lâu năm.

Đáng phấn khởi, cây sầu riêng tăng được khả năng kháng bệnh, đảm bảo sản xuất ra sản phẩm an toàn, bảo vệ môi trường. Đây là nền tảng để sầu riêng Cần Thơ hướng đến sự phát triển bền vững, phù hợp với chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn TP Cần Thơ.

Về mặt xã hội, bà Thúy phân tích, với diện tích trồng sầu riêng khoảng 5.000ha, trong đó trên 3.000ha đang cho trái, khi bà con nông dân áp dụng phân bón hữu cơ, mỗi năm sẽ giảm được khoảng 279 tấn phân đạm. Đây là chi phí không nhỏ, vừa giúp nhà vườn duy trì được năng suất ổn định, vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm, giá trị xuất khẩu cao, tăng hiệu quả trong sản xuất.

Do đó, thời gian tới, định hướng của ngành nông nghiệp TP Cần Thơ là giảm thiểu tình trạng phát triển tự phát đối với cây sầu riêng. Đặc biệt là tại các vùng có điều kiện khí hậu, đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp.

Việc duy trì, tăng cường độ phì của đất tự nhiên sẽ được ngành nông nghiệp quan tâm, chú trọng hơn nữa để đảm bảo sự ổn định độ tơi xốp của đất; chống xói mòn, giúp cây hấp thu dinh dưỡng thông qua hệ sinh thái đất.

Chiến lược phát triển sầu riêng Cần Thơ là bảo vệ đất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu. Ảnh: Kim Anh.

Chiến lược phát triển sầu riêng Cần Thơ là bảo vệ đất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu. Ảnh: Kim Anh.

Một số biện pháp duy trì “sức khỏe” cho cây sầu riêng có thể kể đến như: lựa chọn loài và giống cây trồng kháng sâu bệnh phù hợp; sử dụng biện pháp luân canh, phương pháp cơ học và vật lý thích hợp; bảo vệ thiên địch của sinh vật gây hại.

Bên cạnh đó, ngành chuyên môn sẽ tăng cường hướng dẫn bà con nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả. Song song đó là tập huấn, hướng dẫn nhà vườn, hợp tác xã và doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sầu riêng nắm được các quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu. Hướng dẫn đăng ký chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu sầu riêng Cần Thơ tại các thị trường trọng điểm như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...

TP Cần Thơ hiện có 213 vùng trồng, với diện tích gần 2.900ha trên các đối tượng cây trồng chủ lực như: xoài, vú sữa, nhãn, sầu riêng... Trong đó, sầu riêng có 66 vùng trồng, diện tích gần 1.500ha phục vụ xuất sang thị trường Trung Quốc.

Đồng thời, toàn thành phố có 17 mã số cơ sở đóng gói, với 9 doanh nghiệp tham gia. Đây là lợi thế cho việc thu mua các loại trái cây không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu quả tươi.

Nhằm kiểm soát chất lượng sầu riêng xuất khẩu ngay từ khâu đầu vào, Sở NN-PTNT TP Cần Thơ đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát các vùng trồng. Từ đó, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm, gian lận trong sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu. Thường xuyên kiểm tra giám sát các cơ sở đóng gói, để kiểm soát chất lượng sầu riêng tươi và đông lạnh đảm bảo yêu cầu xuất khẩu.

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm

KHÁNH HÒA Lực lượng thú y sẽ tăng cường kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm, nhất là cao điểm tết nhằm đảm bảo nguồn cung thịt sạch cho người dân.

Phê duyệt Đề án công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Ngày 24/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1639/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đến năm 2030.