Chuyển cơ quan điều tra nếu chủ cơ sở tiếp tục tái phạm
UBND huyện Như Xuân (Thanh Hóa) vừa ban hành hàng loạt Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với các chủ cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tự phát trên địa bàn huyện.
Theo đó, tại Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai số 2103/QĐ-XPHC, ngày 13/10/2023, UBND huyện Như Xuân nêu rõ: Ông Trần Văn Xuân (thôn 10, xã Bãi Trành, huyện Như Xuân, Thanh Hóa) đã có hành vi sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Cụ thể, ông Xuân đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng 1600 m2 đất nông nghiệp để xây nhà ở, xưởng sản xuất gỗ bóc, khu tập kết nguyên liệu, khu nhà kho thành phẩm, khu nhà xưởng băm dăm. Với hành vi trên, ông Xuân bị xử phạt số tiền 22,5 triệu đồng.
Ngoài trường hợp ông Xuân, UBND huyện Như Xuân còn ban hành hai quyết định xử phạt vi phạm hành chính khác đối với ông Trần Văn Hà (thôn Cầu, xã Bãi Trành); Trần Viết Huệ (thôn 1, xã Bãi Trành, huyện Như Xuân). Hai cá nhân trên bị xử phạt tổng số tiền 45 triệu đồng về hành vi tương tự. UBND huyện Như Xuân buộc các cá nhân có tên nêu trên trả lại hiện trạng ban đầu của đất.
Trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Phạm Văn Tuấn, Trưởng phòng TN&MT huyện Như Xuân cho biết, trường hợp không khắc phục vi phạm về đất đai UBND huyện Như Xuân sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, đề nghị làm rõ.
Ông Đinh Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) cho biết, sau khi Báo Nông nghiệp Việt Nam phản ánh về hoạt động của các điểm thu mua, chế biến gỗ keo tự phát, có dấu hiệu vi phạm mục đích sử dụng đất, lãnh đạo UBND huyện đã chỉ đạo phòng TN&MT huyện phối hợp với các xã, trực tiếp kiểm tra rà soát và báo cáo phương án xử lý.
Trong khi đó, tại huyện Như Thanh, sau hơn 1 tháng kể từ thời điểm UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản chỉ đạo UBND huyện rà soát các điểm thu mua, chế biến gỗ keo tự phát theo phản ánh của Báo Nông nghiệp Việt Nam, địa phương này vẫn chưa có báo cáo và đề xuất phương án xử lý bằng văn bản. Nhiều điểm thu mua, chế biến gỗ keo tự phát trên địa bàn huyện vẫn ngang nhiên hoạt động như chưa hề có sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương.
Tại huyện Thạch Thành có hàng loạt cơ sở thu mua chế biến gỗ keo tự phát. Điển hình phải kể đến cơ sở chế biến gỗ keo Đại Sứ; cơ sở chế biến gỗ keo (thôn Liên Sơn, xã Thạch Sơn); cơ sở chế biến gỗ keo Năm Hương (thôn 3, xã Thành Tâm (huyện Thạch Thành); cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo Tài Lệ (thôn Trung Tâm, xã Thạch Quảng); cơ sở thu mua keo thu mua, chế biến gỗ keo tại đội 2, Nông trường Thạch Quảng. Các điểm thu mua, chế biến gỗ keo nêu trên đều sử dụng đất sai mục đích...
Phát hiện nhiều cơ sở thu mua, chế biến keo tự phát tại huyện Triệu Sơn
Trong quá trình thực hiện tuyến bài “Nội chiến vùng keo nguyên liệu”, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phát hiện hàng loạt các điểm thu mua, chế biến gỗ keo tự phát tại huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Cụ thể, tại khu phố 6, thị trấn Nưa (huyện Triệu Sơn) xuất hiện cơ sở chế biến gỗ keo của ông Lê Đình Đức. Trên khu đất rộng hàng trăm m2, chủ cơ sở này đã tận dụng làm nơi tập kết nguyên liệu, nhà xưởng, máy móc thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh gỗ keo.
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Văn Chung, Chủ tịch UBND thị trấn Nưa cho hay, vị trí đất ông Đức sử dụng làm bãi tập kết, xưởng chế biến gỗ keo được quy hoạch là đất khoáng sản (sử dụng đất sai mục đích).
Tại thôn Thái Nguyên, xã Thái Hòa xuất hiện điểm tập kết, chế biến gỗ của ông Lê Đình Bình, diện tích khoảng 1.400m2. Mặc diện tích đất nói trên được quy hoạch là đất ở, thế nhưng vài tháng nay, khu đất này trở thành nơi tập kết nguyên liệu, dây truyền băm dăm, và nhà xưởng. Tại hiện trường, khối lượng gỗ, dăm được tập kết tại hiện trường ước tính lên tới cả chục tấn.
Mặc dù các cơ sở chế biến gỗ keo nêu trên đã hoạt động tự phát trong thời gian dài, nhưng UBND huyện Triệu Sơn vẫn chưa có phương án xử lý. Chính quyền cấp xã thì cho rằng, khó xử lý vì cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo hoạt động theo kiểu mùa vụ.
Trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Lê Phú Quốc, Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn cho hay, lãnh đạo huyện sẽ chỉ đạo kiểm tra, xử lý các cơ sở chế gỗ keo theo phản ánh của phóng viên.
Không riêng tại huyện Triệu Sơn, tình trạng các điểm thu mua, chế biến gỗ keo không phù hợp quy hoạch, không chuyển đổi mục đích sử dụng đất... tại các huyện Như Thanh, Thạch Thành, Như Xuân... trở thành điểm nóng về quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Theo quy định hiện hành, pháp luật không cấm tổ chức kinh doanh, cá nhân thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó có ngành nghề thu mua, chế biến gỗ keo. Tuy nhiên, việc các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tự phát đã gây không ít khó khăn cho công tác quản lý nhà nước tại các địa phương. Đặc biệt thiếu công bằng với các doanh nghiệp có đăng ký hoạt động đúng quy định pháp luật. Sự cạnh tranh không sòng phẳng, không lành mạnh trong hoạt động thu mua, chế biến gỗ keo trên địa bàn tỉnh thời gian qua, tiềm ẩn xung đột về lợi ích giữa các bên nếu không được xử lý triệt để.