| Hotline: 0983.970.780

Kiên Giang: Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Thứ Sáu 22/11/2019 , 08:36 (GMT+7)

Chiều 21/11, Sở NN-PTNT Kiên Giang tổ chức hội nghị tổng kết chuyên đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn tới dự và chỉ đạo hội nghị.
 

Nâng cao giá trị sản xuất

Ông nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, UBND tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành, địa phương, tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội tăng cường công tác thông tin tuyên truyền.

17-34-20_4_pho_chu_tich_ubnd_tinh_kien_ging_mi_nh_nhin_toi_du_v_chi_do_hoi_nghi
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn tới dự và chỉ đạo hội nghị.

Qua đó, nhận thức về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân đã có sự chuyển biến tích cực, tạo được sự đồng thuận cao trong quá trình triển khai thực hiện.

Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản của tỉnh giai đoạn 2016-2018 đạt 3,37%. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp hiện ước đạt gần 77 triệu đồng/năm.

Về trồng trọt, nổi bật là sản xuất lúa chất lượng cao, xây dựng cánh đồng lớn, năm 2019, toàn tỉnh thực hiện được 520 ngàn ha, chiếm 72% tổng diện tích gieo trồng. Sản lượng lúa cả năm 2019 của tỉnh ước đạt 4,3 triệu tấn. Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ngày càng hàn thiện, như các khâu như làm đất, bơm tưới, thu hoạch, vận chuyển…

Tỉnh đã tập trung chuyển đổi từ cơ cấu đất 2 vụ lúa/năm sang 3 vụ/năm, ở những diện tích có đê bao có kiểm soát lũ, thuộc vùng Tây sông Hậu và Tứ giác Long Xuyên. Khu vực ven biển vùng U Minh Thượng và Tứ giác Long Xuyên chuyển đổi sang phát triển mô hình tôm – lúa cho hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, còn chuyển đổi đất từ 2 vụ lúa sang phát triển mô hình lúa – rau màu ở các huyện Giang Thành, Hòn Đất, Vĩnh Thuận và Giồng Riềng.

Công tác khuyến nông, xây dựng thương hiệu hàng hóa nông sản, với các phương thức sản xuất mới, tiến bộ kỹ thuật mới được chuyển giao, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng. Các sản phẩm đạt chứng nhận theo tiêu chuẩn của Việt Nam, quốc tế đều có giá bán cao hơn sản phẩm thông thường và dễ tiêu thụ.

17-34-20_2_nuoi_tom_cong_nghe_co_ti_huyen_kien_luong_gop_phn_tng_thu_nhp_binh_qun_du_nguoi_khu_vuc_nong_thon
Nuôi tôm công nghệ cao tại huyện Kiên Lương, góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn.

Giá trị nuôi trồng thủy sản trên 1 ha đất mặt nước ước đạt khoảng 130 triệu đồng/năm. Sản lượng nuôi trồng thủy sản hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch, năm sau luôn tăng cao hơn năm trước. Phát triển nhanh hình thức nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh công nghiệp, nuôi cá lồng bè để giảm dần lệ thuộc vào khai thác tự nhiên. Tổng sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng ước đạt 692 ngàn tấn, trong đó thủy sản nuôi trồng là 267 ngàn tấn, riêng tôm nuôi đạt 82 ngàn tấn.
 

Phát triển kinh tế hợp tác

Các mô hình tổ chức sản xuất tiếp tục được củng cố và kiện toàn, nhiều địa phương có tổ hợp tác hoạt động hiệu quả là huyện Vĩnh Thuận, Tân Hiệp, Hòn Đất, Giồng Riềng, Gò Quao… Đây là tiền đề tốt để các tổ hợp tác dần phát triển lên thành hợp tác xã.

Trong sản xuất, các hợp tác xã đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp các xã viên giảm lượng giống gieo trồng, giảm nước, phân bón, thuốc BVTV, giảm công lao động, tăng lợi nhuận. Ngoài việc giúp giảm chi phí, hạ giá thành, hợp tác xã còn giúp liên kết, ký kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho xã viên, yên tâm về đầu ra.

Đến nay, toàn tỉnh Kiên Giang đang có hơn 1 ngàn trang trại, tăng trên 400 trang trại so với năm 2016. Trong đó, đã có 65 trang trại được cấp chứng nhận kinh tế trang trại theo Thông tư 27/2011/TT-BNNPTNT của Bộ NN-PTNT. Thu nhập bình quân 1 trang trại đạt khoảng 1,4 tỷ đồng/năm.

17-34-20_1_co_gioi_ho_trong_sn_xut_nong_nghiep_cu_kien_ging_ngy_cng_hon_thien_giup_h_gi_thnh_v_nng_co_cht_luong_sn_phm_2
Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp của Kiên Giang ngày càng hoàn thiện, giúp hạ giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Trong 3 năm thực hiện tái cơ cấu, đã có 290 doanh nghiệp được cấp đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, với tổng vốn đăng ký gần 2.500 tỷ đồng. Đặc biệt đã thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Điển hình như lĩnh vực nuôi trồng và chế biến thủy sản (Cty Trung Sơn), liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo (Cty Trung An), liên kết sản xuất và tiêu thụ rau sạch (Cty Ecofarm)…
 

Xây dựng nông thôn mới

Thành quả của đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng NTM. Việc thực hiện lồng ghép các nội dung của cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng NTM đã được nhiều huyện làm khá tốt, nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân.

Hệ thống dịch vụ ở nông thôn có bước phát triển mạnh, nhất là dịch vụ cơ giới hóa trong nông nghiệp, thú y, bảo vệ thực vật và thương mại cung ứng vật tư, nước sạch nông thôn, xử lý rác thải sinh hoạt…

Việc phát triển sản xuất tạo sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn có chuyển biến tích cực theo hướng cơ cấu lại sản xuất. Nhiều mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao năng suất, chất lượng, mô hình nông nghiệp công nghệ cao dần được hình thành, sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn hiện ước đạt 46,2 triệu đồng/người/năm, tăng 1,57 lần so với năm 2015. Thu nhập cao nhất là huyện Kiên Lương, hiện đạt 57 triệu đồng/người/năm.

17-34-20_3_ung_dung_cong_nghe_co_trong_lien_ket_sn_xut_v_tieu_thu_lu_go_ti_cty_trung_n_huyen_hon_dt
Ứng dụng công nghệ cao trong liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo tại Cty Trung An, huyện Hòn Đất.

Công tác bảo vệ môi trường nông thôn có bước đột phá lớn, nhất là vấn đề xử lý rác thải ở khu dân cư và tạo cảnh quan môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp. Đến tháng 8/2019, toàn tỉnh Kiên Giang có 64/117 xã đạt chuẩn NTM. Dự kiến hết năm 2020 sẽ có 75 xã đạt chuẩn NTM. Các chỉ tiêu NTM bình quân toàn tỉnh đạt 16,6 tiêu chí/xã, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 50 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ đường liên ấp được nhựa hóa, bê tông hóa đạt 80%, 99% hộ sử dụng điện an toàn, giải quyết việc làm từ 35-40 ngàn lao động/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67%, dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 85%, hộ sử dụng nước hợp vệ sinh trên 95%.

Về xây dựng huyện NTM, Tân Hiệp là huyện đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn năm 2015. Hiện có 4 địa phương phấn đấu đạt huyện NTM trong năm 2020 là: Gò Quao, Giồng Riềng, Vĩnh Thuận và Kiên Lương. Ông Lê Hữu Toàn, Trưởng phòng NN-PTNT Gò Quao cho biết, hiện huyện đã có 8/10 xã đạt chuẩn NTM, phấn đấu đến đầu năm 2020 sẽ hoàn thành 100% xã NTM. Về xây dựng huyện NTM, Gò Quao hiện đã đạt 7/9 tiêu chí, phấn đấu trong năm 2020 sẽ thành huyện NTM.
 

Huy động nguồn lực đầu tư

Trong những năm qua, tỉnh đã chủ động chỉ đạo thực hiện nâng cao hiệu quả đầu tư công, đồng thời lồng ghép các nguồn vốn đầu tư, như: chương trình 30a, chương trình 135, chương trình NTM… để đầu tư trọng điểm cho các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Tổng nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn từ năm 2015 cho đế nay được trên 26 ngàn tỷ đồng. Dự kiến, nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025 khoảng trên 80 ngàn tỷ đồng, trong đó cho phát triển nông nghiệp khoảng 37 ngàn tỷ đồng, thủy sản 43 ngàn tỷ đồng, lâm nghiệ, 300 tỷ đồng. Riêng nguồn vốn đầu tư cho xây dựng thủy lợi, giao thông nông thôn, điện, xây dựng NTM, công nghiệp chế biến… lồng ghép thực hiện theo các chương trình, dự án cụ thể.

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Kiên Giang phấn đấu nâng giá trị sản lượng trên 1 ha đất nông nghiệp đạt từ 130-170 triệu đồng/năm, trong đó bình quân đất trồng trọt đạt 100-110 triệu đồng/ha. Tiếp tục hoàn thiện các xã nông, huyện đã đạt tiêu chí NTM, tăng tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM lên 60-70% và khoảng 7-9 huyện đạt tiêu chí NTM. Các xã còn lại đạt từ 15 tiêu chí trở lên.

Ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đánh giá, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từ tỉnh đến các sở, ngành, địa phương đã có chương trình kế hoạch, chỉ đạo quyết liệt, công tác tuyên tuyền được đẩy mạnh và triển khai ra dân đạt hiệu quả.

17-34-20_1_co_gioi_ho_trong_sn_xut_nong_nghiep_cu_kien_ging_ngy_cng_hon_thien_giup_h_gi_thnh_v_nng_co_cht_luong_sn_phm
Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp của Kiên Giang.

Qua đó, đã góp phần chuyển đổi cây trồng vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường, thích ứng được với biến đổi khí hậu và có giá trị gia tăng cao hơn. Tập trung phát triển được các sản phẩm chủ lực của tỉnh, sản phẩm làm ra an toàn hơn với giá thành sản xuất thấp hơn. Nhiều mặt hàng đã xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, có được chỗ đứng trên thị trường. Thành quả bước đầu của đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đã giúp chuyển biến rõ nét bộ măt nông thôn, nâng cao thu nhập, tạo ra nguồn lực để đẩy nhanh quá trình xây dựng NTM.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.