Ông Vũ Duy Hải, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vinacam cho biết, không phủ nhận giá phân bón trong nước tăng theo đà tăng của phân bón thế giới, đặc biệt đối với những chủng loại trong nước chưa sản xuất được và phải nhập khẩu 100%.
Tuy nhiên, ông Vũ Duy Hải cho rằng, phản ứng chậm và thiếu quyết liệt trong việc tạm ngừng hoặc áp thuế xuất khẩu đối với Urea và DAP cũng góp phần khiến giá phân bón tăng mạnh.
Từ đó, ông Vũ Duy Hải nhấn mạnh, cần phải nhanh chóng có biện pháp ngặn chặn và hạn chế xuất khẩu phân bón ở thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, cần phải thanh tra để minh bạch số liệu hàng sản xuất, số hàng xuất khẩu (so sánh với giá bán trong nước cùng kỳ), lượng bán ra và lượng tồn kho từng thời điểm để biết được lý do thực tế góp phần làm tăng giá bán phân bón trong nước của các nhà sản xuất DAP và Urea hiện nay.
TS Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, đồng tình việc Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương nên sớm thống nhất kiến nghị Chính phủ ban hành chính sách, tăng thuế xuất khẩu phân bón nhằm ưu tiên tối đa phục vụ thị trường trong nước.
Theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa, ngay lúc này phải cần có một số giải pháp khả thi và cấp bách giúp nông dân tiếp tục sản xuất và duy trì được thu nhập như nhũng vụ màu trước.
Các giải pháp cấp bách giúp nông dân tiếp tục sản xuất trong 6 tháng cuối năm 2021 và những năm tới theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa, đó Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương cần bàn thảo thống nhất về phương án chỉ đạo, theo dõi diễn biến thị trường phân bón và có các giải pháp kiểm soát, bình ổn thị trường cho phù hợp với khó khăn và bức xúc của nông dân hiện nay.
Yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất tăng tối đa công suất phân bón trong nước là Urea, lân và DAP nội địa, các loại NPK cung ứng trong nước với giá bán hợp lý nhất. Tăng cường việc sản xuất các loại phân bón hữu cơ chất lượng cao, các loại phân hữu cơ khoáng, hữu cơ lỏng, phân bón lá chuyên dùng cho cây để hỗ trợ và giảm áp lực của việc tăng giá phân hóa học khi mùa vụ tới.
Để tránh tình trạng sốt giá, găm hàng và đầu cơ nguyên liệu, các doanh nghiệp phải công khai, minh bạch thông tin nguồn hàng, lượng hàng đã có để các cơ quan ban ngành, người dân biết, yên tâm sản xuất. Bởi khi doanh nghiệp trong nước sản xuất tự chủ, chất lượng đảm bảo, giá thành cạnh tranh và có ý thức vì lợi ích chung sẽ góp phần đảm bảo nguồn cung, kìm hãm mức tăng giá của phân bón tại Việt Nam.
Hiệp Hội phân bón Việt Nam cần xem xét kỹ các nguyên nhân chủ quan và khách quan làm tăng giá phân bón, từ đó góp ý với các doanh nghiệp trong Hiệp Hội để chung sức hạ nhiệt phân bón trong nước với phương châm cùng chia sẽ quyền lợi chính đáng giữa nông dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, TS Nguyễn Đăng Nghĩa chia sẻ thêm, trong lúc này, nông dân cần nâng cao ý thức hơn nữa việc sử dụng phân bón hợp lý thông qua các chương trình đã có như chương trình: 3 tăng 3 giảm, 1 phải 5 giảm, canh tác thông minh, bón phân cân đối, hợp lý… nhằm sử dụng tiết kiệm phân bón và giảm bớt chi phí đầu vào trong sản xuất nông sản.
Trao đổi về việc các doanh nghiệp, chuyên gia kiến nghị tạm dừng xuất khẩu mặt hàng phân bón, ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam khẳng định, hiện không có luật nào cấm xuất khẩu phân bón. Việc xuất khẩu phân bón hoàn toàn theo cơ chế thị trường, nếu trong nước tiêu thụ khó khăn, hiệu quả kém doanh nghiệp họ sẽ chọn giải pháp xuất khẩu và ngược lại.
Theo ông Phùng Hà, để hạn chế xuất khẩu phân bón, bình ổn thị trường trong nước, Chính phủ nên áp dụng các chính sách như tăng thuế, phí xuất khẩu, tuy nhiên việc áp thuế này cũng phải xem xét trên cơ sở các quan hệ thương mại đa phương, song phương, WTO Việt Nam đã ký để không vi phạm các cam kết về thuế quan.