| Hotline: 0983.970.780

Kiến nghị gỡ khó cho doanh nghiệp chế biến thực phẩm

Thứ Ba 23/11/2021 , 09:22 (GMT+7)

5 hiệp hội thực phẩm vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ tháo gỡ vướng mắc liên quan đến yêu cầu tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm.

5 hiệp hội kiến nghị Chính phủ gỡ khó cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm về việc bổ sung vi chất dinh dưỡng. Ảnh: Sơn Trang.

5 hiệp hội kiến nghị Chính phủ gỡ khó cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm về việc bổ sung vi chất dinh dưỡng. Ảnh: Sơn Trang.

Theo 5 hiệp hội (Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam, Hội Lương thực thực phẩm TP. HCM, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao và Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc), một nội dung tại Nghị định 09/2016/NĐ-09 ngày 28/1/2016 (sau đây gọi tắt là Nghị định 09) đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp chế biến thực phẩm.

Cụ thể về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 6 của Nghị định 09 nêu: “Muối…, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường I-ốt” (áp dụng từ ngày 15/3/2017) và Điểm b, Khoản 1, Điều 6 nêu: “Bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm” (có hiệu lực áp dụng từ ngày 15/3/2018).

Thời gian qua, các quy định này đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm tăng nhiều chi phí, tăng vấn nạn cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp nhưng không có hiệu quả, không phù hợp với nguyên tắc quản lý rủi ro và thông lệ quốc tế cũng như dẫn đến nguy cơ tổn hại sức khỏe cho một bộ phận người Việt. Vì vậy, ngay sau khi Nghị định 09 ban hành, các hiệp hội đã liên tục có nhiều kiến nghị lên Chính phủ, Bộ Y tế với mong muốn kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

Ngày 15/5/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 19); trong đó, tại Điểm b, Khoản 15, Mục III, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế “Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 09/2016/NĐ-CP ngày 28/1/2016 của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng trong thực phẩm theo hướng: Bãi bỏ quy định “muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường I-ốt” tại Điểm a (Khoản 1, Điều 6); bãi bỏ quy định “Bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm” tại Điểm b (Khoản 1, Điều 6). Thay vào đó, chỉ nên khuyến khích doanh nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng.

Tuy nhiên, đến nay các hiệp hội và doanh nghiệp vẫn chưa thấy Nghị định 09 được sửa đổi nội dung quan trọng trên.

Không những thế, mới đây, ngày 14/9/2021, Bộ Y tế lại ban hành văn bản số 7658/BYT-PC gửi các hiệp hội, các doanh nghiệp thực phẩm và tiếp tục yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghiêm Nghị định 09, thể hiện không thay đổi quan điểm về việc bắt buộc các doanh nghiệp chế biến thực phẩm phải bổ sung vi chất.

Gần đây nhất, Bộ Y tế lại đang tiến hành xây dựng và lấy ý kiến góp ý Dự thảo Kế hoạch tăng cường thực thi Nghị định 09. Điều này khiến các hiệp hội và doanh nghiệp chế biến thực phẩm băn khoăn, lo lắng, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp đang nỗ lực hồi phục sau đại dịch Covid-19.

5 hiệp hội khẳng định, các hiệp hội và doanh nghiệp chế biến thực phẩm hoàn toàn ủng hộ Chính phủ thực hiện các giải phảp để cải thiện sức khỏe và thể chất của người Việt Nam, đó cũng chính là nhiệm vụ, mục tiêu, lợi ích của các doanh nghiệp chế biến thực phẩm.

Tuy nhiên, việc bổ sung vi chất cần được thực hiện một cách phù hợp, trên nguyên tắc quản lý rủi ro, vừa đảm bảo sức khỏe cho người dân, giảm tỷ lệ bệnh và thể chất yếu do thừa hoặc thiếu vi chất, đồng thời không gây khó khăn cho các doanh nghiệp ngành chế biến thực phẩm nói riêng, kinh tế nói chung.

Trên tinh thần đó, các hiệp hội thực phẩm đề nghị Thủ tướng, Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi Nghị định 09 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 19/2018/NQ-CP đã ban hành. Chỉ bắt buộc muối dùng trong nấu ăn hàng ngày và các gia vị dạng rắn như hạt nêm, viên súp gia vị,…phải bổ sung I-ốt và khuyến khích doanh nghiệp chế biến thực phẩm bổ sung thêm vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm thay vì yêu cầu bắt buộc, theo đúng tinh thần Nghị quyết 19.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.