| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp thay đổi nhận thức về sản xuất, chế biến

Thứ Hai 08/11/2021 , 08:35 (GMT+7)

Ủng hộ chủ trương kiểm soát chặt chẽ an toàn thực phẩm của Trung Quốc, nhưng phía doanh nghiệp xuất khẩu đề nghị được hướng dẫn cụ thể, chi tiết từng yêu cầu.

Ông Thân Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA). Ảnh: Bá Thắng.

Ông Thân Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA). Ảnh: Bá Thắng.

Ông Thân Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) cho biết, qua Diễn đàn kết nối nông sản 970 phiên thứ 10, với chủ đề "Chia sẻ thông tin, thích ứng với quy định mới trong xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào thị trường Trung Quốc (Lệnh 248 & 249)", doanh nghiệp Việt Nam đã thay đổi được nhận thức về sản xuất, chế biến và chuẩn bị tinh thần để đáp ứng các điều kiện cho thị trường Trung Quốc.

Cũng theo ông Hùng, hiện nay việc sử dụng các sản phẩm sạch, thân thiện môi trường ngày càng phổ biến. Trung Quốc cũng không nằm ngoài xu hướng này. Thay mặt VIDA, ông Hùng mong các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp để đáp ứng được những yêu cầu mới từ các thị trường, trong đó có Trung Quốc.

Một số quy định của Lệnh 248, 249 thực tế đã nằm trong yêu cầu của nhiều thị trường như EU, Mỹ, nhưng với doanh nghiệp Việt Nam, đa số còn bỡ ngỡ. 

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoa Việt chia sẻ: “Hôm nay, chúng tôi mới biết nếu trong cơ sở kinh doanh nuôi chó thì vi phạm quy định về an toàn thực phẩm của Trung Quốc. Tôi thấy hầu như tất cả các nhà máy đều nuôi chó, thậm chí chỗ đông nhất có hơn 20 con làm nhiệm vụ bảo vệ. Do đó, khi kiểm tra trực tuyến, chúng tôi sẽ kiến nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc chú ý vấn đề này”.

Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH An Huy thì quan tâm đến thị trường biên mậu (tiểu ngạch). Một số sản phẩm truyền thống, người dân và doanh nghiệp có xu hướng đi qua kênh này. Do đó, ông Huy lưu ý ngành nông nghiệp cần có định hướng, chính sách để hỗ trợ bà con nông dân, tránh rơi tình trạng “được mùa mất giá”.

"Trung Quốc - Việt Nam có giao thương phát triển. Vấn đề là làm thế nào để chúng ta hài hòa các quy định giữa hai bên, để hướng đến một nền sản xuất hàng hóa”, ông Huy nói.

Theo chủ doanh nghiệp được mệnh danh là “vua chuối”, việc thành lập một trung tâm chuyên trách những thị trường lớn là cần thiết, và cần “làm sớm” để hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ông cũng kiến nghị Diễn đàn Kết nối nông sản 970 duy trì được những kênh thông tin để doanh nghiệp giữ đầu mối liên lạc.

Về phía địa phương, bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An cho biết, từ năm 2015, tỉnh đã nhận thức phải chuẩn hóa vùng nguyên liệu, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu để đón đầu xu hướng nâng cao yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm. 

Hiện Long An cấp được 217 mã số vùng trồng, trong đó 69 mã cho Trung Quốc. Tỉnh chủ trương xây dựng vùng nguyên liệu có thể truy xuất được nguồn gốc, gắn với trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh xuất khẩu, lãnh đạo tỉnh Long An vẫn trăn trở về vấn đề chất lượng nông sản ở thị trường nội địa. “Hiện tượng rau hai luống, lợn hai chuồng còn tồn tại. Cơ quan chuyên môn của địa phương hiện gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý, định hướng tập quán canh tác của bà con”, bà Khanh nói.

Trong quá trình thích ứng Lệnh 248, 249, Sở NN-PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh Long An về việc xây dựng bộ quy chế, đồng thời tập hợp được 26 doanh nghiệp trên địa bàn để đăng ký trước ngày 1/11.

Với mặt hàng xuất khẩu chủ lực là thanh long, Long An đề nghị Cục Bảo vệ thực vật có nhiều buổi hướng dẫn trực tiếp, và phong phú các hình ảnh minh họa để phổ biến đến doanh nghiệp từ giờ đến cuối năm. Bên cạnh đó, bà Khanh muốn các bên như cửa khẩu, doanh nghiệp đối tác và cơ quan quản lý phía Trung Quốc luôn giữ thông tin thông suốt.

Ông Thang Thành Vỹ, Chủ tịch Hiệp hội hoa quả quốc tế Bằng Tường, Quảng Tây cho biết, hiện hoa quả Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc bị kiểm tra 100%. Điều này khác so với hoa quả nhập từ Thái Lan, nguồn hàng chỉ phải kiểm tra 30%. Qua Diễn đàn Kết nối nông sản 970, ông Thang mong các doanh nghiệp Việt Nam chú trọng hơn nữa khâu truy xuất nguồn gốc và đóng gói, giúp quá trình thông thương được đẩy nhanh.

Xem thêm
Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Nestlé Việt Nam: Tiên phong phát triển bền vững, đồng hành kiến tạo tương lai xanh

Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đưa ra những giải pháp vừa tạo tác động tích cực môi trường, vừa thúc đẩy phát triển bền vững cho cộng đồng địa phương.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.