| Hotline: 0983.970.780

Kiến nghị kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên đường nhập khẩu

Thứ Ba 26/11/2019 , 14:36 (GMT+7)

Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) có công văn gửi Bộ NN-PTNT đề xuất giải pháp kiểm soát an toàn đường và đường khác nhập khẩu.

Theo VSSA, hiện nhiều nước xuất khẩu đường vào Việt Nam vẫn đang cho sử dụng các hoạt chất thuốc BVTV mà Việt Nam đang cấm.

Trong công văn gửi Bộ NN-PTNT, quyền Chủ tịch VSSA Cao Anh Đương cho biết, từ các tài liệu, thông tin đáng tin cậy cho thấy, một số quốc gia trồng mía và trồng ngô để sản xuất đường và đường khác (trong đó có si rô ngô, đường lỏng HFCS và mật rỉ) đang sử dụng một số chất BVTV mà Việt Nam đã cấm đưa vào sản xuất.

Cụ thể, theo VSSA, tại Australia, quốc gia xuất khẩu đường thứ ba trên thế giới, tài liệu hướng dẫn trừ cỏ trong canh tác mía cho thấy các loại thuốc BVTV chứa hoạt chất 2,4D, Paraquat, Glyphosat vẫn đang được ngành nông nghiệp mía nước này sử dụng.

Tại Thái Lan, quốc gia xuất khẩu đường thứ hai trên thế giới, tài liệu về mức tồn dư hóa chất cho phép trong thực phẩm cho thấy các loại thuốc BVTV chứa hoạt chất Chlorpyrifos, 2,4D, Paraquat, Fipronil,  Malathion, Acephate vẫn đang được ngành nông nghiệp nước này sử dụng.

Tại Trung Quốc, quốc gia xuất khẩu đường lỏng từ si rô ngô (HFCS) tài liệu về mức tồn dư hóa chất cho phép trong thực phẩm cho thấy các loại thuốc BVTV chứa hoạt chất 2,4D, Paraquat, Glyphosate, Fipronil, Acephate vẫn đang được ngành nông nghiệp nước này sử dụng.

Tại Hàn Quốc, quốc gia xuất khẩu đường lỏng từ si rô ngô (HFCS), thông tin báo chí cho biết, thuốc BVTV chứa hoạt chất Glyphosate đã được Chính phủ nước này cho phép sử dụng từ năm 2017 sau khi đã cấm sử dụng trước đó.

Ngoài ra, tài liệu về mức tồn dư hóa chất cho phép trong thực phẩm nhập khẩu và sản xuất trong nước cho thấy các loại thuốc BVTV chứa hoạt chất Glyphosate, Chlorpyrifos, 2,4D, Malathion vẫn đang được ngành nông nghiệp nước này sử dụng.

VSSA cho rằng, chiểu theo các quy định của Bộ NN-PTNT tại Quyết định số 278/QĐ-BNN-BVTV, Quyết định số 1186/QĐ-BNN-BVTV, Quyết định số 501/QĐ-BNN-BVTV, Quyết định số 3435/QĐ-BNN-BVTV việc các nước sử dụng các chất BVTV ở trên là vi phạm quy định của Việt Nam, có nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm đối với người tiêu dùng trong nước khi sử dụng sản phẩm đường và đường khác (trong đó có si rô ngô và mật rỉ) từ các nước trên.

Cũng theo VSSA, các hoạt chất BVTV nêu trên là các hóa chất cực độc, sau khi nông dân sử dụng, lưu dẫn vào cây trồng, nguồn nước, môi trường... và có thể tồn dư trong sản phẩm đường và đường khác được chế biến từ cây mía, cây ngô.

Việc cấm sử dụng các hoạt chất nêu trên là chủ trương hết sức đúng đắn của nhà nước Việt Nam trong việc bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 2/2/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, trong đó đã quy định sản phẩm đường (bao gồm đường, đường khác, mật) thuộc danh mục các sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ NN-PTNT.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam kiến nghị Bộ NN-PTNT 4 giải pháp kiểm soát dư lượng thuốc BVTV trên đường nhập khẩu nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm.

Do đó, quyền Chủ tịch VSSA Cao Anh Đương kiến nghị, để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng Việt Nam, bảo vệ sản xuất trong nước và thực hiện nghiêm các quy định, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đề xuất Bộ NN-PTNT thực hiện một số biện pháp để kiểm soát chặt việc nhập khẩu các loại đường thô, đường trắng, đường khác (trong đó có đường lỏng từ si rô ngô (HFCS và mật rỉ).

Thứ nhất, cho kiểm tra chất lượng đường và đường khác khi nhập khẩu để xác định tồn dư các chất BVTV mà Việt Nam cấm, nếu vi phạm Bộ có biện pháp khẩn cấp, kịp thời để ngăn chặn việc nhập khẩu những sản phẩm đường không đạt chất lượng.

Thư hai, rà soát, điều chỉnh, bổ sung nội dung chỉ tiêu an toàn của TCVN cho các sản phẩm đường thô, đường trắng, đường lỏng từ si rô ngô (HFCS) và mật rỉ về mức tồn dư các hoạt chất trong các loại thuốc BVTV đã cấm sử dụng tại Việt Nam hoặc khẩn trương xây dựng ngay Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về các sản phẩm này.

Thứ ba, điều chỉnh bổ sung Thông tư số 14/2018/TT-BNNPTNT để đưa các sản phẩm đường thô, đường trắng, đường lỏng tử si rô ngô (HFCS) và mật rỉ vào danh mục sản phẩm hàng hóa nhóm 2 có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ NN-PTNT.

Thứ tư, trong thời gian hoàn chỉnh các hành lang pháp lý, đề xuất Bộ NN-PTNT có những hướng dẫn kiểm soát tạm thời nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm đối với người tiêu dùng Việt Nam.

Xem thêm
Dự án khai thác than bùn làm phân hữu cơ thu hút khoản đầu tư lớn

Khai thác than bùn chế biến phân bón hữu cơ đang nhận được sự quan tâm từ nhiều nhà đầu tư, khi nhu cầu sử dụng phân bón hữu cơ đang tăng nhanh.

Các mặt hàng khô dầu đậu tương làm thức ăn chăn nuôi cần được hưởng mức thuế chung 1%

Cục Chăn nuôi vừa có công văn gửi Tổng cục Hải quan, đề xuất, kiến nghị áp dụng thuế suất chung 1% với mặt hàng khô dầu đậu tương làm thức ăn chăn nuôi.

Toàn Thắng Corporation hợp tác chiến lược với Hannam Bio Hàn Quốc

Toàn Thắng Corporation và Hannam Bio sẽ hợp tác trong phát triển sản xuất vi sinh vật có lợi, tăng năng lực cạnh tranh, đóng góp vào sự phát triển bền vững ngành thủy sản.

Bình luận mới nhất