Hầu hết các sự án thiếu sót về mặt pháp lý
Theo báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát các dự án nhà ở, khu đô thị của Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc ban hành 6/2019, trên địa bàn tỉnh có 68 dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới, khu chức năng đô thị (được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước) đã giao chủ đầu tư với tổng diện tích sử dụng 2.664,8 ha, diện tích đất chiếm khoảng 850 ha.
Tuy nhiên, qua kết quả rà soát và kiểm tra các dự án, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc nhận thấy hầu hết các dự án đang triển khai vẫn còn thiếu sót về thủ tục pháp lý như: điều chỉnh quy hoạch xây dựng, điều chỉnh chấp thuận đầu tư; chưa xin phép gia hạn tiến độ dự án, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, thẩm định thiết kế cơ sở, bản vẽ thi công, cấp phép xây dựng, khai thác kinh doanh sản phẩm và thực hiện đánh giá tác động môi trường...
Điển hình là Dự án Khu nhà ở Đông Hưng, Khu nhà ở Phúc Sơn giai đoạn 1, Khu nhà ở T&T, Khu nhà ở dân cư số 3,... Có 44 dự án đô thị, nhà ở trên địa bàn tỉnh đang triển khai chậm tiến độ, chưa có dự án đầu tư hoàn chỉnh đạt 100% theo chấp thuận đầu tư.
Đối với việc mua bán, huy động vốn của các dự án, báo cáo của Sở Xây dựng Vĩnh Phúc chỉ rõ: “Một số chủ đầu tư chưa cung cấp đầy đủ thông tin về huy động vốn, các văn bản hợp đồng huy động vốn, mua bán chuyển nhượng với chủ đầu tư cấp II...”.
Thậm chí, nhiều chủ đầu tư còn chưa nắm được các quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục huy động vốn. Một số chủ đầu tư báo cáo chưa thực hiện việc huy động vốn nhưng trên các phương tiện thông tin đại chúng có tình trạng huy động vốn để thực hiện dự án.
Cũng theo Sở Xây dựng Vĩnh Phúc, tồn tại chung của nhiều dự án là việc chủ đầu tư huy động vốn phân chia sản phẩm là nhà cho các hộ gia đình, cá nhân mà chưa được Sở Xây dựng xác nhận danh sách khách hàng theo quy định tại Nghị định 71/2010/NĐ-CP và thông báo đủ điều kiện huy động vốn theo quy định tại Điều 19, Nghị định 99/2015/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở năm 2014.
Điển hình như dự án Khu nhà ở biệt thự Mậu Lâm; Khu nhà ở đồi Hai Đai, Khu nhà ở Đông Hưng.... Sở Xây dựng kiến nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao Sở Xây dựng tổ chức kiểm tra đối với các chủ đầu tư dự án vi phạm về huy động vốn theo các quy định nêu trên.
Hàng loạt dự án chậm tiến độ
Đặc biệt, một số dự án giao dịch bất động sản khi chưa đủ điều kiện giao dịch như Dự án Khu phố mới Fairy Town; Dự án khu nhà ở đô thị Mounten View; Khu nhà ở đô thị đồi Hai Đai; Khu nhà ở TMS Land Hùng Vương; Khu nhà ở đồi Đông Hưng....
Trong số 61 dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc thì có 23 dự án vẫn còn vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Nhiều dự án đã thực hiện việc thu hồi đất từ năm 2003, 2004 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện việc giải phóng mặt bằng như Khu đô thị mới chùa Hà Tiên; Khu đô thị sinh thái Đại Lải; Khu biệt thự và vui chơi giải trí Đại Lải; Dự án Sân golf và biệt thự Đại Lải.
Theo đánh giá của Sở Xây dựng Vĩnh Phúc, “thực trạng công tác giải phóng mặt bằng của các dự án diễn ra rất chậm”. Nguyên nhân là do các chủ đầu tư lo sợ thua lỗ nên không tích cực trong việc ứng vốn cho công tác bồi thường, hỗ trợ để giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh đó, chính sách về bồi thường giải phóng mặt bằng của nhà nước cũng thường xuyên có sự thay đổi; việc đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng có sự chênh lệch lớn giữa đơn giá nhà nước và đơn giá thỏa thuận, nên không tạo được sự đồng thuận của người dân có đất khi nhà nước thu hồi đất.
Qua kiểm tra thực tế tại các dự án, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc nhận thấy các công trình nhà ở do người dân tự xây không tuân thủ quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt như Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên giai đoạn 1, Khu đô thị mới Nam Đầm Vạc, Khu đô thị chùa Hà Tiên, Khu nhà ở Đông Hưng, Khu nhà ở MTO tại phường Phúc Thắng, Khu nhà ở Phúc Sơn giai đoạn 1.
Nhiều chủ đầu tư thiếu trách nhiệm
Thậm chí, Sở Xây dựng còn phát hiện tại một số khu nhà ở, chủ đầu tư thiếu trách nhiệm trong quản lý xây dựng, để các hộ dân tự ý sửa chữa công trình không đúng thiết kế như dự án Khu nhà ở xã hội tại phường Liên Bảo; dự án Khu nhà ở xã hội Vinaconex Xuân Mai trên địa bàn phường Liên Bảo,...
Đối với trường hợp chủ đầu tư để người dân tự ý xây nhà (trong trường hợp bán đất nền) hoặc đầu tư xây dựng sai quy hoạch xây dựng được duyệt, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc kiến nghị UBND tỉnh đưa vào danh sách hạn chế giao chủ đầu tư tại các dự án khác trên địa bàn tỉnh.
Liên quan đến dự án Sân Golf và tổ hợp văn hóa, thể thao, vui chơi nghỉ mát và du lịch Hà Nội được giao đất từ năm 2006 (toàn bộ dự án), tuy nhiên chủ đầu tư không thực hiện đầu tư xây dựng theo chấp thuận đầu tư, đến nay đã chậm tiến độ 10 năm. Đối với phần dự án sân Golf đã cơ bản hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng, còn phần dự án Khu nhà ở sinh thái và biệt thự nghỉ dưỡng Đại Lải, chủ đầu tư mới giải phóng mặt bằng xong 99,9 ha trong tổng số 157ha. Do vậy, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc cho biết “có cơ sở để đề xuất thu hồi dự án này”.
Đồng thời, đơn vị này đề nghị UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, thanh tra, qua đó đề xuất thu hồi dự án đã được giao đất, thực hiện chậm tiến độ.