Những thành công trong việc nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật của Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố (Viện Nha Hố) thời gian qua đã có đóng góp quan trọng cho sản xuất cả nước nói chung và các tỉnh Nam Trung bộ nói riêng tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, thích ứng được với biến đổi khí hậu...
Phát huy những kết quả đạt được, trong giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, Viện Nha Hố tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển gắn liền với mục tiêu, định hướng phát triển chung của ngành nông nghiệp, nông thôn vùng bán khô hạn Nam Trung bộ và cả nước.
TS Mai Văn Hào, Viện trưởng Viện Nha Hố cho biết, trong giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, Viện ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu phát triển và chuyển giao các giống cây trồng mới gồm cây ăn quả, cây lương thực, cây làm thức ăn chăn nuôi, cây rau, cây dược liệu, cây công nghiệp.
Ưu tiên nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học, kỹ thuật ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ nông nghiệp thông minh, cơ giới hoá, tự động hoá trong nhân giống và sản xuất nhằm tăng năng suất lao động nông nghiệp, nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất, làm cơ sở tăng quy mô sản xuất hàng hoá cho các loại cây chủ lực có giá trị kinh tế và tiềm năng phát triển cao trong vùng, đặc biệt các loại cây trồng cho vùng bán khô hạn Nam Trung bộ.
Viện Nha Hố cũng định hướng tập trung nghiên cứu, phát triển, nhân giống, chế biến giống, chuyển giao các giống cây trồng có khả năng chịu nhiệt, chịu hạn cao, các loại vật tư và giải pháp kỹ thuật canh tác, quản lý dịch hại kèm theo để nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng giá trị sản xuất nông nghiệp của vùng khô hạn Nam Trung bộ và các vùng lân cận, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Trong đó, chú trọng nghiên cứu phát triển các giống và chuỗi giá trị các loại cây ăn quả như nho, táo, xoài, chuối, mít, mãng cầu, nhãn, ổi...; giống cây lương thực như lúa thuần, ngô lai F1; giống cây làm thức ăn chăn nuôi như các loại cỏ, ngô sinh khối, cao lương; cây rau (măng tây) và gia vị như măng tây, hành, tỏi...; giống cây dược liệu và cây công nghiệp.
Bên cạnh đó, đầu tư lưu trữ, khai thác phát triển các nguồn gen một số loại cây trồng đặc thù. Xây dựng vườn đầu dòng cho các giống cây ăn quả để phục vụ phát triển chuyển giao giống tốt vào sản xuất, phát triển, chuyển giao cây giống đạt tiêu chuẩn chất lượng...
Theo TS Mai Văn Hào, giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, Viện tập trung phát triển giống, nhân giống, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất hạt giống, cây giống mới, chuyển giao giống và kỹ thuật canh tác, quản lý dịch hại hiệu quả cho các doanh nghiệp, HTX và người dân trong khu vực Nam Trung bộ và cả nước.
Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu phát triển, sản xuất dịch vụ, đào tạo, chuyển giao các giống mới, tiến bộ kỹ thuật mới cho sản xuất. Phát triển các mạng lưới kinh doanh, dịch vụ, tư vấn và chuyển giao tại các địa phương trong vùng để kịp thời giới thiệu công nghệ và sản phẩm KH-CN nông nghiệp mới....
Trong giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, Viện Nha Hố cũng đặt mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế, tiếp cận các nguồn lực, kỹ thuật mới, hiện đại của thế giới để phục vụ hoạt động nghiên cứu và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, của đơn vị.
Viện Nha Hố đã xây dựng chương trình hợp tác trước mắt, trung hạn và dài hạn với các tổ chức quốc tế đã có với Viện từ trước như ICAC, CIRAD, IAEA, CSIRO,... Xúc tiến hợp tác với Viện Nghiên cứu Cây trồng bán khô hạn nhiệt đới Quốc tế (ICRISAT), các quốc gia và tổ chức có điều kiện tương tự, phù hợp về phát triển nông nghiệp cho vùng bán khô hạn của Việt Nam. Mở rộng hợp tác với các tổ chức KH-CN trong và ngoài khu vực ASEAN, tăng cường năng lực liên doanh và liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài trong tư vấn, đầu tư sản xuất, kinh doanh dịch vụ.