| Hotline: 0983.970.780

Tìm cây trồng cho vùng khô nóng nhất nước

Thứ Năm 11/08/2022 , 07:05 (GMT+7)

NINH THUẬN Nam Trung bộ là vùng khô nóng nhất nước. Nhưng đó lại là lợi thế nếu chủ động được nước tưới và lựa chọn được những cây trồng phù hợp.

Biến bất lợi thành lợi thế

Với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng quanh năm lại là lợi thế để các địa phương như Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận phát triển nông nghiệp giá trị cao nếu đảm bảo đủ nguồn nước tưới. Bởi điều kiện nắng nóng quanh năm, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm cao giúp các loại cây trồng có năng suất cao, chất lượng vượt trội so với các vùng khác, ngoài ra, nắng nóng cũng giúp cho cây trồng ít bị sâu bệnh gây hại.

Viện Nha Hố đã xây dựng nhiều quy trình canh tác ứng dụng công nghệ cao, quản lý sâu bệnh hại… trên các đối tượng cây trồng cho vùng Nam Trung bộ. Ảnh: Mai Phương.

Viện Nha Hố đã xây dựng nhiều quy trình canh tác ứng dụng công nghệ cao, quản lý sâu bệnh hại… trên các đối tượng cây trồng cho vùng Nam Trung bộ. Ảnh: Mai Phương.

Những năm gần đây, các địa phương ở Nam Trung bộ đã chủ trương biến bất lợi thành lợi thế để phát triển một số cây trồng có giá trị kinh tế rất cao mà chỉ vùng khô nóng mới có, điển hình như cây táo xanh, nho, măng tây xanh... cho giá trị lên đến hàng tỷ đồng/ha mỗi năm...

Là đơn vị của Bộ NN-PTNT đóng chân trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, những năm qua, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố (gọi tắt là Viện Nha Hố) đã tập trung nghiên cứu, chuyển giao giống và quy trình kỹ thuật cho các loại cây trồng như lúa, ngô, rau đậu các loại, các loại cây ăn quả; nghiên cứu và chuyển giao giống và quy trình kỹ thuật các loại cây trồng đặc hữu của vùng bán khô hạn như nho, táo xanh, măng tây xanh... phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu cho vùng Nam Trung bộ.

Hàng loạt giống mới cho "vùng khát"

TS Mai Văn Hào, Viện trưởng Viện Nha Hố cho biết, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của sản xuất, giai đoạn 2017 - 2022, Viện đã tham gia tuyển chọn và được các bộ, địa phương đặt hàng thực hiện 29 nhiệm vụ KH-CN. 

Viện đã tuyển chọn, xác định được các giống cây trồng triển vọng, phù hợp với vùng khô hạn Nam Trung bộ gồm: Nhóm cây ăn quả có 2 giống là nho ăn tươi (NH01-152 và NH16-01) có giá trị kinh tế cao; 4 giống nho dùng để chế biến rượu (NH02-37, NH02-66, NH02-97 và NH02-137); 1 giống nho lưỡng dụng (NH01-26); 2 giống táo (TN1 và TN05) có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn các giống táo sản xuất trước đây trong vùng; 2 giống xoài (R2E2 và LĐ12); 1 giống mít (Thái chín sớm); 2 giống mãng cầu (Tây Ninh 2 và Bình Thuận) và 1 giống ổi (Lê Đài Loan).

Viện Nha Hố đã tuyển chọn, xác định được các giống cây trồng triển vọng, phù hợp với vùng khô hạn Nam Trung bộ. Ảnh Minh Hậu.

Viện Nha Hố đã tuyển chọn, xác định được các giống cây trồng triển vọng, phù hợp với vùng khô hạn Nam Trung bộ. Ảnh Minh Hậu.

Nhóm cây thức ăn chăn nuôi đã tuyển chọn, xác định được 2 giống cỏ hòa thảo (Mulato II và V3); 1 giống cỏ họ đậu (Stylo); 1 giống ngô sinh khối (ĐH17-5); 1 giống cao lương (Latte). Nhóm cây rau đã xác định được 2 giống măng tây xanh Atlas và Articus.

Cùng với việc tuyển chọn giống, Viện Nha Hố cũng nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện các quy trình kỹ thuật phục vụ phát triển các giống cây trồng triển vọng đã tuyển chọn được cho vùng khô hạn Nam Trung bộ. Trong đó, nổi bật là 2 quy trình kỹ thuật canh tác cho giống nho chế biến rượu được ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận ban hành áp dụng vào sản xuất; 2 quy trình kỹ thuật sản xuất và chế biến rượu vang đỏ, sản xuất và chế biến rượu vang trắng; 4 tiêu chuẩn cho nguyên liệu và chế biến rượu vang nho. Viện Nha Hố cũng xây dựng được nhiều quy trình canh tác ứng dụng công nghệ cao, quản lý sâu bệnh hại, thu hoạch, bảo quản, chế biến… trên các đối tượng thuộc các nhóm cây trồng nói trên.

Theo TS Mai Văn Hào, ở các nhóm cây trồng như cây ăn quả, nhóm cây rau, nhóm cây thức ăn chăn nuôi, Viện đã đã tuyển chọn được 1 đến 3 giống có khả năng thích ứng tốt với điều kiện biến đổi khí hậu khô, nóng của vùng để đảm bảo cho việc đưa vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho vùng Duyên hải Nam Trung bộ và các vùng lân cận.

Nhiều giống cây trồng mới do Viện Nha Hố nghiên cứu, chuyển giao đã làm giàu cho nông dân vùng Nam Trung bộ. Ảnh: Mai Phương.

Nhiều giống cây trồng mới do Viện Nha Hố nghiên cứu, chuyển giao đã làm giàu cho nông dân vùng Nam Trung bộ. Ảnh: Mai Phương.

Đặc biệt, thời gian qua, ngoài việc sản xuất và chuyển giao các loại giống cây lương thực cho sản xuất trong vùng, Viện tập trung nghiên cứu cây nho, cây táo xanh và cây măng tây xanh. Đây là những cây đặc thù ở địa phương. Theo đó, đơn vị đã nghiên cứu và tuyển chọn được các giống nho chất lượng cao, kèm với đó là quy trình kỹ thuật canh tác an toàn, thiết kế và xây dựng các mô hình canh tác nho ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện khô, nóng và gió lớn như Ninh Thuận.

Tương tự, đối với cây táo, Viện cũng tuyển chọn được các giống táo có kích thước quả lớn và xây dựng được quy trình canh tác ứng dụng công nghệ phù hợp với điều kiện khô hạn ở Nam Trung bộ, tiết kiệm nước, kiểm soát tốt dịch hại và cho chất lượng quả rất cao. Đối với cây măng tây, Viện cũng đã tuyển chọn giống, xây dựng quy trình ứng dụng công nghệ cao trong nhân giống và sản xuất thương phẩm, quy trình đã được Cục Trồng trọt công nhận là tiến bộ kỹ thuật cho phổ biến vào sản xuất.

"Trên cơ sở các kết quả bước đầu, chúng tôi nghiên cứu và xây dựng các mô hình thực nghiệm các loại giống, cũng như các quy trình áp dụng kỹ thuật thâm canh nhằm giới thiệu để địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân tiếp cận, học tập và áp dụng.

Hiện nay, những mô hình do Viện xây dựng đã có nhiều nông dân trong vùng đến học tập và áp dụng, đặc biệt một số doanh nghiệp đưa vào áp dụng sản xuất thành công. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung nghiên cứu và chuyển giao các kết quả nghiên cứu nhằm giảm công lao động và chi phí vật tư. Đặc biệt là nghiên cứu ứng dụng cơ giới, công nghệ số và tự động hóa một số khâu trong sản xuất để phục vụ phát triển quy mô lớn; nghiên cứu chế biến, sử dụng các sản phẩm nâng cao chuỗi giá trị, phát triển kinh tế tuần hoàn trên từng đối tượng cây trồng của vùng”.

(TS Mai Văn Hào).

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Diện tích trồng hoa, cây cảnh của Hà Nội tăng hơn 13 lần trong 19 năm

Diện tích trồng hoa, cây cảnh của Hà Nội đã tăng một mạch từ 610ha năm 2005 lên khoảng 8.000ha trong thời điểm hiện tại.