| Hotline: 0983.970.780

Quản lý thuốc BVTV - nhìn từ cơ sở

Kinh doanh bát nháo, đồng ruộng “tắm” thuốc

Thứ Tư 05/03/2014 , 09:24 (GMT+7)

Tại ĐBSCL, các Cty, đại lý buôn bán kinh doanh thuốc BVTV đua nhau mọc lên như nấm, và cứ sau mỗi vụ lúa lại có hàng chục, hàng trăm mặt hàng thuốc BVTV mới tham gia thị trường.

Chiết khấu khủng

Trong lĩnh vực VTNN thì có lẽ kinh doanh thuốc BVTV được coi là béo bở nhất đối với các đại lý vì được Cty chiết khấu rất khủng. Ông T, chủ một đại lý VTNN ở Tân Hiệp (Kiên Giang) cho biết, trung bình mức chiết khấu hiện nay từ 20-30% tùy vào loại thuốc, nguyên liệu nhập từ các nước châu Âu hay Trung Quốc.

Riêng đối với các mặt hàng mới hoặc những Cty nhỏ mới tham gia thị trường mức chiết khấu lên đến 35-40%. Ngoài ra, mức chiết khấu còn tăng thêm theo doanh số bán hàng của đại lý theo từng vụ, từng năm, doanh số càng cao mức chiết khấu càng nhiều. Hơn nữa, nếu bán tốt đại lý còn được Cty thưởng thêm bằng hiện vật hoặc đi du lịch nước ngoài. Điều đấy kích thích các đại lý đua nhau tìm cách bán được càng nhiều hàng càng tốt, kể cả bán thiếu bán chịu.

14-23-30_2-trung-binh-chua-toi-10-ngay-nong-dan-kien-giang-lai-tam-thuoc-cho-ruong-lua-1-lan
Trung bình chưa tới 10 ngày nông dân Kiên Giang lại “tắm thuốc” cho ruộng lúa 1 lần

Để có doanh số cao, các đại lý cấp I khi bỏ hàng cho đại lý cấp dưới, họ sẵn sàng bán thuốc BVTV bằng hoặc thấp hơn mức giá mà Cty bỏ cho mình, chỉ cần hưởng chiết khấu thôi đã lời khẳm. Còn đại lý cấp dưới thì tìm mọi cách “tư vấn” cho nông dân sử dụng càng nhiều thuốc càng tốt, cộng rất nhiều thứ vào cho một lần phun, nhất là đối với các loại thuốc cho lợi nhuận cao.

Thanh tra có cũng như không

Trong khi tình trạng kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV ngày càng bát nháo thì lực lượng thanh tra BVTV gần như bị tê liệt, có cũng như không. Ông Tạ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Chi cục BVTV Kiên Giang cho biết, hiện nay để tiến hành thanh, kiểm tra thuốc BVTV, Chi cục phải phối hợp với Thanh tra Sở NN-PTNT chứ không được thành lập đoàn.

Hằng năm, trước khi vào vụ SX, Thanh tra Sở sẽ thành lập đoàn thanh tra liên ngành, thanh kiểm tra nhiều lĩnh vực như: giống, phân bón, thuốc BVTV, thú y, thức ăn chăn nuôi, điều kiện kinh doanh… Vì vậy, Chi cục BVTV chỉ cử người theo đoàn thanh tra phối hợp thực hiện, còn kết quả thế nào, xử phạt ra sao sẽ do Thanh tra Sở công bố.

Ở ĐBSCL hiện nay, các Cty, nhà máy SXKD thuốc BVTV chủ yếu tập trung ở một số tỉnh, thành như: Cần Thơ, An Giang, Long An… Tuy nhiên, tỉnh nào cũng có 3, 4 chi nhánh của các Cty, những tỉnh có diện tích SX lúa lớn, lượng thuốc sử dụng hằng năm nhiều thì số chi nhánh lên đến cả chục. Nhân viên của các Cty này có mặt trên từng cây số, vừa tư vấn kỹ thuật vừa trực tiếp bán thuốc BVTV cho nông dân.

Với mác kỹ sư, lại giỏi về marketing nên họ nói là nông dân rất tin tưởng, sẵn sàng móc túi mua thuốc theo gói kỹ thuật của Cty đưa ra để phun xịt. Mà các gói kỹ thuật này chỉ có phun và phun, càng nhiều càng tốt.

Ngoài ra, ở các tỉnh còn có hàng trăm, hàng ngàn đại lý kinh doanh VTNN, được phân chia thành nhiều cấp, tạo thành mạng lưới như chân rết, len lỏi đến mọi ngõ ngách vùng nông thôn. Qua mỗi cấp đại lý, giá thuốc lại được đẩy lên thêm. Trong khi đó, mỗi đợt đoàn thanh tra kéo dài khoảng 1, 2 tháng, cố gắng lắm cũng chỉ thanh, kiểm được 20-30% số đại lý là cùng.

TS Trần Quang Giàu, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Kiên Giang cho biết, hiện nay, Thanh tra Chi cục chỉ được thành lập đoàn riêng trong trường hợp nông dân sử dụng thuốc có vấn đề, phát sinh thưa kiện (lúa bị chết hoặc thuốc giả, kém chất lượng nên không phòng trừ được sâu, bệnh) hay khi có công văn chỉ đạo của Cục BVTV về loại thuốc nào đó có vấn đề đang lưu hành trên địa bàn.

Đồng ruộng bị “tắm thuốc”

Kiên Giang là tỉnh có diện tích canh tác lúa lớn nhất khu vực ĐBSCL với trên 300.000 ha SX 2 vụ lúa chính trong năm (ĐX và HT), riêng một số huyện vùng Tây Sông Hậu nước ngọt quanh năm nên nông dân SX liên tục 3 vụ lúa/năm.

 Ngoài ra, còn một diện tích khá lớn ở vùng U Minh Thượng (khoảng 70.000 ha) SX vụ lúa mùa trên nền đất nuôi tôm. Do đó, gần như không lúc nào trên đồng ruộng Kiên Giang không có lúa sinh trưởng. Chính điều này đã làm cho tình hình dịch hại ngày càng gia tăng, buộc nông dân phải sử dụng thuốc BVTV nhiều lần/vụ và không tuân thủ nguyên tắc 4 đúng. Thậm chí là lạm dụng thuốc BVTV gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, sức khỏe người trực tiếp SX cũng như người tiêu dùng do dư lượng thuốc còn lưu tồn trong sản phẩm.

14-23-30_3-thuoc-bvtv-duoc-nong-dan-phun-xit-xuong-dong-ruong-nhu-mua
Thuốc BVTV được nông dân phun như mưa xuống đồng ruộng

Kết quả điều tra về tình hình sử dụng thuốc BVTV trên lúa được Chi cục BVTV Kiên Giang tiến hành khiến ai cũng phải giật mình. ThS Võ Thị Hồng Thủy, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV Kiên Giang cho biết, kết quả điều tra cho thấy số lần phun thuốc trong 1 vụ lúa của nông dân trung bình là 9,4 lần, cao nhất lên đến 13,4 lần. Như vậy, trung bình chưa tới 10 ngày ruộng lúa lại được “tắm thuốc” 1 lần.

Với diện tích xuống giống lên đến hơn 700.000 ha mỗi năm thì lượng thuốc đổ xuống đồng ruộng Kiên Giang là con số khổng lồ. Cụ thể, bình quân số lần phun thuốc sâu/vụ là 1,87 lần, cao nhất là 3 lần. Bình quân chi phí thuốc trừ sâu/ha biến động từ 362.000-751.000 đ/ha, trung bình khoảng 536.000đ/ha.

Điều này cho thấy, nông dân còn lạm dụng nhiều thuốc trừ sâu trong canh tác lúa, làm ảnh hưởng đến sự cân bằng của hệ sinh thái đồng ruộng. Còn bình quân số lần phun thuốc trừ rầy nâu/vụ là 1,15 lần, cao nhất là 1,7 lần, nếu có dịch thì số lần phun sẽ tăng lên gấp nhiều lần. Bình quân chi phí thuốc trừ rầy biến động từ 325.000-1.028.000 đ/ha, trung bình khoảng 635.000 đ/ha. Kết quả điều tra cũng cho thấy, ở những nơi thường xuyên canh tác 3 vụ lúa/năm, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho rầy phát sinh, phát triển, gây hại.

Đáng lo ngại nhất là số lần phun thuốc trừ bệnh ở Kiên Giang hiện rất cao, trung bình 4,23 lần/vụ, nhiều nhất lên đến gần 6 lần/vụ, chi phí thuốc trừ bệnh từ 1.021.000-2.470.000 đ/ha, trung bình khoảng 1.633.000 đ/ha.

Một mặt do điều kiện thời tiết hiện nay rất thuận lợi cho các loại nấm bệnh phát triển, một mặt do tâm lý của người nông dân, sử dụng thuốc không theo nguyên tắc 4 đúng vừa tạo điều kiện cho các loại bệnh phát triển, lại vừa làm tăng lượng thuốc sử dụng trên ruộng lúa. Ngoài ra, nông dân còn phun xịt thuốc trừ cỏ (cao nhất 1,6 lần/vụ), ốc bươu vàng (1,4 lần/vụ), nhện gié (1,5 lần/vụ), diệt chuột…

Kết quả điều tra cũng cho thấy hiểu biết của nông dân về thuốc BVTV còn rất nhiều hạn chế:

- Chỉ có 14% nông dân được hỏi cho biết họ chọn mua thuốc theo tư vấn của cán bộ kỹ thuật, còn lại là dựa vào kinh nghiệm bản thân, nghe theo hướng dẫn của người bán, hỏi hàng xóm hoặc tự đọc hướng dẫn trên nhãn mác.

- Mỗi lần phun xịt thuốc, nông dân thường phối trộn nhiều loại thuốc chung với nhau dẫn đến mất tác dụng và gây lãng phí.

- Khi chọn mua thuốc BVTV, đa số nông dân quan tâm đến giá bán và chất lượng thuốc, giá thuốc trên thị trường thường tăng cao khi vào vụ và luôn biến động, trong khi chất lượng thuốc lại không được đảm bảo, hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan.

 

Xem thêm
Trà Vinh kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng

Tỉnh này đã họp bàn tinh gọn tổ chức bộ máy, kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng và thành lập 2 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy.

Xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 sẽ cao nhưng không gay gắt

ĐBSCL Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 tại ĐBSCL cho thấy mức độ xâm nhập sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2016 và 2020.

Từ 2025, CSGT có thể khai thác dữ liệu giám sát hành trình người lái xe

Điều 5 của Thông tư quy định việc kiểm soát thông qua hệ thống, phương tiện, thiết bị, cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.