Nhân một buổi đi chợ, tôi ghé vào hàng rau của bà Vũ Thị Lìn, nhìn những bó rau mùi tàu xanh mướt rất bắt mắt và giá khá cao. Bà Lìn cho biết, lượng rau mùi tàu mỗi ngày bán được hàng chục cân, nguồn rau cung cấp từ các xã xung quanh thị trấn Gia Lộc (huyện Gia Lộc, Hải Dương) như Gia Tân, Phương Hưng…, trong đó bà Vinh ở thôn Trằm, xã Phương Hưng mỗi ngày giao cho tôi khoảng 10kg. Từ những thông tin trên để tìm hiểu về sản xuất rau mùi tàu tôi đã tìm đến gia đình bà Vinh.
Vợ chồng ông bà Vinh nay đã ngoài sáu mươi, có một cơ ngơi 3 tầng khang trang, hiện đại. Ông Nguyễn Như Chính, chồng bà tâm sự, làm lúa đạt năng suất cao nhưng thu nhập vẫn thấp, đã bước vào tuổi già nên lựa chọn cây trồng phù hợp với sức khỏe nhưng phải cho thu nhập khá, lao động nhẹ nhàng, đều đặn giúp duy trì sức khỏe.
Qua những lần đi chợ thấy rau mùi tàu có giá bán cao, thời điểm nào cũng dễ bán, phù hợp với lứa tuổi, năm 2011, ông đi học tập kinh nghiệm trồng cây mùi tàu ở xã Gia Tân, trong quá trình gieo trồng ông bà còn tham khảo cán bộ kỹ thuật chuyên ngành nông nghiệp của huyện. Tháng 8/2011, ông bà trồng với diện tích ban đầu là 240m2, đến nay là 360m2.
Bà Vinh cho biết kinh nghiệm trồng rau mùi tàu đã đúc kết qua mấy năm như sau, gieo rau mùi tàu tốt nhất là tháng 8 dương lịch, chân đất thịt, đất phù sa, ưa ẩm nhưng không chịu được úng, nên lựa chọn giống mùi tàu lá to cho năng suất cao, sinh trưởng phát triển khỏe, ít bị sâu bệnh, 1 sào cần 1kg hạt giống.
Về làm đất, không nhất thiết chọn chân ruộng cao, miễn là khi mưa to không bị úng, nước trong rãnh cách mặt luống khoảng 10cm. Luống theo hướng Đông Tây để giảm nắng chiếu vào luống rau, luống cao khoảng 25cm, mặt luống rộng 1m, rãnh rộng 30cm. Có thể gieo mùi tàu rìa ngoài, dưới tán cây ăn quả để tận dụng đất đai.
Gieo giống: Trước khi gieo ngâm hạt trong nước sạch khoảng 1 - 2 giờ, sau đó đổ ra vải để ráo hạt, chia lượng hạt theo từng luống để đảm bảo độ đồng đều. Gieo xong phủ một lớp mỏng tro bếp với trấu mục.
Bón phân: Bón phân lót. Để cây ít bị thối gốc, thối lá không bón phân chuồng tươi, rải phân chuồng hoai mục 200kg, phân lân 15 - 20kg, vôi bột 20kg trên mặt luống rồi cào đảo đều, san phẳng rồi gieo hạt giống.
Tưới thúc: Sau khi cây mọc lên 1 tháng, lượng phân 1 sào: 5kg lân Lâm Thao + 3kg đạm ure. Tưới thúc sau mỗi lần thu hoạch khoảng 3 ngày, 10kg lân + 3kg ure. Trong năm bón phân kali 3 lần: vụ xuân, vụ hè, vụ thu đông, mỗi lần khoảng 2kg.
Điều tiết nước: Thường xuyên giữ mặt luống ẩm.
Trồng dặm: Khi cây chết do bệnh đánh tỉa chỗ dày cây sang trồng dặm, bảo đảm mật độ đều trên luống.
Làm giàn che mưa, nắng: Vì mùi tàu ưa bóng râm dùng lưới đen dày mắt kết hợp với tre, dóc để làm giàn che. Làm giàn bằng, cách mặt luống khoảng 1m. Các cọc cách nhau khoảng 1,5m.
Phòng trừ sâu bệnh: Cây mùi tàu sâu hại rất ít, chủ yếu mắc bệnh thối gốc, thối lá và bệnh phấn trắng. Phòng trừ bằng các loại thuốc như Validacin 5L, Carbenzim 500FL…
Thu hoạch: Sau gieo 2 tháng thu hoạch lần đầu, thu hoạch 8 tháng liên tục, trung bình nửa tháng 1 lần, xén đồng loạt, không thu hoạch khi có mưa.
Về thu nhập: Hàng năm, sau khi trừ hết chi phí giống, phân bón, thuốc sâu bệnh, giàn che gia đình bà Vinh còn thu lãi khoảng 40 triệu đồng/sào.
Rau mùi tàu là loại rau gia vị dễ trồng, phù hợp với vùng ven đô, tận dụng trồng dưới tán cây, nếu có kỹ thuật gieo trồng tốt, lao động nhẹ nhàng, diện tích gieo trồng hàng trăm m2 thì vẫn cho thu nhập khá.