| Hotline: 0983.970.780

Kinh tế hợp tác èo uột

Thứ Hai 20/04/2015 , 10:00 (GMT+7)

Mới đây, một số ngành và địa phương ở ĐBSCL tổ chức khảo sát, tọa đàm về kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, cho thấy một thực trạng èo uột.

Các cơ sở kinh tế hợp tác sản xuất nông nghiệp được chọn khảo sát thuộc loại “mạnh” nhưng năng lực rất hạn chế, khó phát triển. Hình ảnh các vị lãnh đạo hợp tác xã và tổ hợp tác sản xuất chỉ là các ông nông dân sản xuất giỏi ở ấp.

Thiếu vốn

Tổ hợp tác Khiết Tâm ở ấp D2, xã Thạnh Lợi (Vĩnh Thạnh, Cần Thơ) ra đời từ vụ đông xuân 2011-2012 trên cơ sở “cánh đồng lớn”.

Lúc đó, ấp D2 nổi lên với “cánh đồng lớn” rộng 1.200 ha của 450 hộ, chiếm gần 16% tổng diện tích “cánh đồng lớn” huyện Vĩnh Thạnh, “huyện đi đầu trong việc thực hiện cánh đồng lớn của thành phố Cần Thơ”. Tổ hợp tác có 23 hộ, đem 97 ha liên kết với một số doanh nghiệp sản xuất lúa Jasmine 85 thay lúa OM 2517, theo tiêu chuẩn GlobalGAP.

Cũng từ đó, Tổ hợp tác Khiết Tâm được ngành NN-PTNT thành phố Cần Thơ đầu tư bằng kinh phí của một dự án cạnh tranh nông nghiệp, đưa về nhiều máy móc và xây dựng kho, lò sấy. Gồm máy gặt đập liên hợp, máy cày, máy cuốn rơm, máy trang bằng đồng ruộng…

Tổ trưởng Dương Quan Toa cho biết: “Tổng kinh phí đầu tư 5 tỷ đồng”. Vụ đông xuân 2014-2015, Tổ sản xuất Khiết Tâm sấy được 913 tấn lúa, tạm trữ 777 tấn lúa, cuốn rơm 35 ha.

Ông Toa cho biết, làm lúa GlobalGAP được bao tiêu với giá cao hơn làm “cánh đồng lớn” 400 đồng/kg, và cao hơn các hộ dân làm rời rạc là 1.450 đồng/kg. Làm lúa GlobalGAP và “cánh đồng lớn” còn có năng suất cao, chi phí thấp hơn các hộ dân làm rời rạc. Hiệu quả thấy rõ, tại sao không phát triển thêm? Tổ trưởng Toa trả lời: “Không có vốn”.

Ông Toa trình bày, để đạt tiêu chuẩn GlobalGAP có giá cao, lúa gặt xong phải sấy đạt độ ẩm 14%. Tổ sản xuất không có vốn mua lúa cho nông dân để sấy, còn nông dân không có tiền đầu tư cho vụ mới nên phải bán lúa tươi tại ruộng. Vấn đề đặt ra: một tổ hợp tác không lớn, đã được đầu tư (ngân sách cấp) 5 tỷ đồng từ vụ đông xuân 2011-2012 mà vẫn không phát triển được thì năng lực đến đâu?

Hợp tác xã Chăn nuôi Bò sữa Long Hòa ở khu vực Bình Yên A, phường Long Hòa (Bình Thủy, Cần Thơ) ra đời đã chục năm, nay có 25 thành viên với 300 con bò. Hơn nửa số bò thường xuyên cho sữa, một năm một con cho lượng sữa bán được khoảng 50 triệu đồng. Giám đốc Hợp tác xã Võ Thanh Cần nói: “Hợp tác xã chỉ có vốn 70 triệu đồng, muốn phát triển không được, vay ngân hàng chính sách thì định suất thấp, vay thế chấp thì diện tích đất ít”.

Hiện nay, Hợp tác xã làm dịch vụ thú y và mua thức ăn cho các thành viên. Còn việc bán sữa, ông Cần kể: “Có hai doanh nghiệp là Vinamilk và Farmnilk mua sữa hằng ngày. Trong đó, Farmnilk kiểm tra chất lượng công khai còn Vinamilk bảo sao chúng tôi phải nghe vậy”.

Như thế, sau chục năm, Hợp tác xã Chăn nuôi Bò sữa Long Hòa mới làm được một số khâu dịch vụ đầu vào mà chưa làm được dịch vụ đầu ra. Cơ sở vật chất còn rất thiếu thốn, bảng hiệu Hợp tác xã gắn nhờ vào nhà của Giám đốc Cần; còn chuồng trại đều mái lá và tôn, cột kèo tạm bợ.

Èo uột

Báo cáo của Cần Thơ cho biết, Cần Thơ hiện có 79 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Trong đó, 43,3% không xếp loại vì chờ giải thể, chuyển loại hình hoặc mới thành lập. Số còn lại, 25% hoạt động trung bình và yếu.

Các nguyên tắc, giá trị của hợp tác xã không được hiểu và thực hiện đầy đủ trong một thời gian dài, trình độ, năng lực của đội ngũ lãnh đạo hợp tác xã còn yếu, sự hỗ trợ của các tổ chức xúc tiến, của nhà nước chưa đủ mạnh… Tất cả những yếu kém, khó khăn đó làm cho hợp tác xã Việt Nam chưa có vị trí, vai trò như tại một số nước khác. (Liên minh Hợp tác xã Việt Nam)

Một khảo sát ở tỉnh Đồng Tháp, nguồn lực của các cơ sở kinh tế hợp tác rất yếu. Đồng Tháp có 4.800 tổ hợp tác với vốn hoạt động 172 tỷ đồng, bình quân một tổ hợp tác có 30 tổ viên với vốn gần 36 triệu đồng. Bên cạnh, 211 hợp tác xã với vốn điều lệ 103,8 tỷ đồng, vốn hoạt động 568,8 tỷ đồng; bình quân một hợp tác có 256 thành viên với 492 triệu đồng vốn điều lệ và 2,7 tỷ đồng vốn hoạt động.

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Cường ở xã Phú Cường (Tam Nông, Đồng Tháp) là 1 trong 2 hợp tác xã đầu tiên ở ĐBSCL được giao chỉ tiêu mua tạm trữ lúa gạo vụ đông xuân 2014-2015. Chỉ tiêu tạm trữ của Hợp tác xã Tân Cường là 2.000 tấn gạo, GĐ Hợp tác xã cho biết, đến ngày 15/4 đã mua được 1.900 tấn nhưng cũng ngày này mới được ngân hàng cho vay tiền.

Ở tỉnh An Giang, Liên minh Hợp tác xã cùng doanh nghiệp kinh doanh phân bón mời đại diện 94 hợp tác xã nông nghiệp, bàn việc cung ứng vật tư nông nghiệp qua hợp tác.

Nhiều lợi ích được khẳng định: nông dân sử dụng phân bón đúng chất lượng, giảm 4 khâu trung gian tương đương giảm giá 12%, từ đó, giảm chi phí và giảm giá thành, tăng thu nhập cho nông dân. Thế nhưng, không đi đến được thỏa thuận hợp đồng vì hợp tác xã không có vốn, vay ngân hàng lại không được.

Ông Lê Khánh Vân là GĐ Hợp tác xã nông nghiệp Đức Thành ở xã Mỹ Đức (Châu Phú, An Giang) cho biết: “HTX không có giấy đỏ đất nông nghiệp, chỉ có ít tài sản là kho tàng, máy móc nông nghiệp thì không ngân hàng nào chịu nhận thế chấp cho vay”. Giám đốc HTX nông nghiệp Phú Thạnh (Phú Tân, An Giang) nói thêm: “Các ngân hàng ít cho vay thế chấp động sản, cũng không tin pháp nhân tập thể, cho rằng cha chung không ai khóc”.

Đại diện Hợp tác nông nghiệp Thuận Quới ở xã Kiến Thành (Chợ Mới, An Giang) Huỳnh Văn Chi kể, doanh nghiệp ký hợp đồng mua lúa của thành viên nhưng không thực hiện. Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Trần Thị Yến Châu cho biết, hai năm qua, có 5 doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu lúa ở Chợ Mới nhưng chỉ thực hiện 30% diện tích ký kết. Còn lại không thực hiện và hợp tác xã cũng không có vai trò gì để thúc đẩy thực hiện hợp đồng.

Xem thêm
Giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh

Do nguồn cung khan hiếm vì cuối vụ chong đèn, cộng với thị trường Trung Quốc tiêu thụ ổn định nên giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm