Ông Phan Quang Độ - Chủ tịch UBND xã Hùng An – người ký vào nhiều văn bản trong hồ sơ dự án xây dựng đường ra bãi vật liệu thôn Phương Tòng. |
Ngày 20/5/2019, UBND xã Hùng An, huyện Kim Động (Hưng Yên) thông báo với nhân dân báo cáo thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm 2019. Trong đó có một mục chi khiến nhiều người phải ngỡ ngàng. Đó là chi 1 tỷ đồng để xây dựng con đường hơn 400m đoạn từ dốc đê 378 đến ngã tư đê bối chắn lũ tả sông Hồng ở thôn Phương Tòng.
Theo bà Phạm Thị Nguyệt, trưởng thôn Phương Tòng, khoản chi này là do 8 doanh nghiệp ở địa phương cùng đóng góp để xây dựng, chứ không phải xây dựng bằng tiền ngân sách. Cụ thể, năm năm 2017- 2018, 08 doanh nghiệp chở vật liệu ở bãi sông cày phá con đường sản xuất và dân sinh của người dân. Bà con bức xúc nên đã tổ chức đóng cọc chặn đường. Họ yêu cầu doanh nghiệp phải sửa chữa, làm đường thì mới được tiếp tục cho xe tải tiếp tục lưu thông.
Sau đó nhiều cuộc họp có cả doanh nghiệp, người dân, công an và chính quyền các cấp từ xã lên tỉnh đã thống nhất, mỗi doanh nghiệp phải bỏ ra số tiền 70 triệu đồng để xây đường. Tháng 5/2018, bà Nguyệt là người trực tiếp thu tiền của các doanh nghiệp để làm đường, sau đó giao số tiền này cho ông Nguyễn Văn Thuyết (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hoàng Anh) để thi công.
Trao đổi với chúng tôi, ông Thuyết cũng thừa nhận đã nhận hơn 500 triệu đồng của các doanh nghiệp để thi công tuyến đường. Tuyến đường này đã được bàn giao, đưa vào sử dụng và hết thời hạn bảo hành (12 tháng).
Ông Nguyễn Văn Thuyết vừa nhận hơn 500 triệu đồng của các doanh nghiệp, vừa nhận tiền nhà nước. |
Thế nhưng, điều kỳ lạ đã xảy ra. Ngày 26/12/2018, UBND xã Hùng An và Công ty Hoàng Anh đã ký hợp đồng thi công xây dựng đường ra bãi vật liệu thôn Phương Tòng (đoạn từ dốc đê 378 đén ngã tư đê bối chắn lũ tả sông Hồng) trị giá hơn 938 triệu đồng (từ nguồn ngân sách hỗ trợ của cấp trên). Chỉ sau 24 ngày (từ 26/12/2018 – 21/1/2019), công trình được nghiệm thu hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng.
Như vậy, cùng một tuyến đường hơn 400m (đoạn từ dốc đê 378 đến ngã tư đê bôi chắn lũ tả sông Hồng ở thôn Phương Tòng), ông Thuyết được “ăn tiền” hai lần. Lần thứ nhất là nhận hơn 500 triệu đồng từ 8 doanh nghiệp. Lần thứ hai là nhận tiền từ ngân sách nhà nước. Tại sao một con đường do doanh nghiệp góp vốn để xây dựng, nhưng UBND xã Hùng An lại lập hồ sơ dự án (với vai trò là chủ đầu tư) để rút tiền ngân sách?
Một tuyến đường đồng bằng cấp 4 chỉ dài vỏn vẹn hơn 400m, rộng 6,5m, đã tồn tại từ lâu đời, không mất chi phí giải phóng mặt bằng, nhưng có tổng mức đầu tư (bao gồm cả doanh nghiệp đóng góp và ngân sách nhà nước) lên tới hơn 1,6 tỷ đồng (chủ yếu là làm nền, mặt đường).
Đặc biệt chỉ tính riêng các chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác, chi phí dự phòng đã lên tới 228 triệu đồng. Theo ý kiến của một số chuyên gia xây dựng, đây là một trong những tuyến đường giao thông nông thôn có giá thành đắt nhất Việt Nam (!?).
Con đường cấp 4 ở thôn Phương Tòng chỉ dài hơn 400m nhưng ngốn số tiền hơn 1,6 tỷ đồng. |
Lý giải về việc có hay không UBND xã Hùng An cố tình lập khống hồ sơ rút ruột 1 tỷ đồng từ nguồn ngân sách, ông Phan Quang Độ - Chủ tịch UBND xã Hùng An (người ký vào hàng loạt hồ sơ văn bản trong quá trình xin phê duyệt và thực hiện dự án) cho rằng: “Đó chỉ là sơ xuất. Tôi không ngờ mọi việc lại rắc rối thế….”. Hiện tại, vụ việc ở xã Hùng An đã được Công An tỉnh Hưng Yên vào cuộc điều tra là rõ.