Kỹ năng làm sếp chưa bao giờ đơn giản. Kỹ năng làm sếp không phải thứ thủ thuật kéo bè kết cánh hay mua chuộc lòng người. Kỹ năng làm sếp được xác lập như một kỹ năng mềm trong mô hình doanh nghiệp cũng như trong các tổ chức xã hội.
Làm sao để có được kỹ năng làm sếp? Câu hỏi ấy đã thách thức nhiều người. Cho nên, cuốn sách “Kỹ năng làm sếp” của tiến sĩ Nguyễn Tiến Lợi vừa được Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ấn hành, lập tức thu hút sự quan tâm và trao đổi của đông đảo độc giả.
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Lợi theo đuổi chuyên ngành quản trị nhân lực và từng làm sếp ở nhiều đơn vị, cho nên cuốn sách “Kỹ năng làm sếp” vừa có tính lý thuyết vừa có tính thực tế được chính tác giả gom góp suốt đời mình.
Làm sếp cũng là một nghề, đòi hỏi phải có những kỹ năng nhất định. Sếp giỏi là người biết vận dụng một cách nhuần nhuyễn các kỹ năng đạt đến mức nghệ thuật mà ta hay nói là “nghệ thuật lãnh đạo”. Do đó, để trở thành một sếp giỏi, có uy tín và thành công thì ngoài kỹ năng còn phải có các yếu tố khác như năng khiếu và phúc phận...
Cuốn sách “Kỹ năng làm sếp” chỉ dày hơn 160 trang, nhưng chứa đựng không ít bí mật của những người làm sếp và chứa đựng không ít bất ngờ đối với những người đang mơ ước làm sếp.
Cuốn sách “Kỹ năng làm sếp” chia làm 10 chương: “Những khái niệm cơ bản”, “Kỹ năng quản lý”, “Kỹ năng lãnh đạo”, “Nghệ thuật dùng người”, “Hoàn thiện nhân cách của sếp”, “Bệnh của sếp”, “Phong cách của sếp”, “Xây dựng văn hóa tổ chức”, “Xây dựng hình ảnh của sếp và thương hiệu của tổ chức”, “Xử lý các tình huống thường gặp”.
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Lợi đúc kết được 3 phong cách lãnh đạo là phong cách lãnh đạo độc đoán, phong cách lãnh đạo dân chủ và phong cách lãnh đạo tự do.
Trong cuốn sách “Kỹ năng làm sếp”, tiến sĩ Nguyễn Tiến Lợi cho rằng: “Làm sếp là làm những việc mà cấp dưới không được làm hoặc không làm được. Làm sếp không phải là làm chức gì mà là làm được cái gì, đó mới là điều quan trọng nhất. Sếp đích thực phải làm cốt lõi, lấy hiệu quả công việc làm thước đo, lấy tình người để ứng xử”.