Theo đó, bà Yoo Myung-hee, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc sẽ cạnh tranh với “đối thủ” là bà Ngozi Okonjo-Iweala, cựu Ngoại trưởng Nigeria cho chiếc ghế cao nhất WTO. Với việc cả hai ứng cử viên lọt vào vòng chung kết đều là phụ nữ, định chế WTO sẽ lần đầu tiên có sếp là nữ giới trong suốt lịch sử 25 năm của tổ chức.
Dự kiến, đại diện các quốc gia thành viên của tổ chức WTO sẽ cùng nhau lựa chọn ra ứng cử viên đạt được sự đồng thuận cao nhất và sau đó sẽ thông qua tại cuộc họp của hội đồng WTO vào đầu tháng 11 tới.
Trước đó, các ứng cử viên sáng giá khác từ Ả Rập Xê Út và Anh đều đã không lọt vào bản danh sách rút gọn của vòng thi áp chót, trong khi ba ứng cử viên của Mexico, Ai Cập và Moldova đã bị loại ngay từ vòng đầu.
Cuộc chạy đua vào vị trí Tổng giám đốc WTO được bắt đầu sau khi lãnh đạo tiền nhiệm người Brazil Roberto Azevedo tuyên bố từ chức vào tháng 8, sớm hơn một năm so với nhiệm kỳ đầu tiên của ông.
Bà Yoo được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc vào tháng 2 năm ngoái, và trở thành người phụ nữ đầu tiên ở xứ kim chi đảm nhiệm vị trí này trong lịch sử 70 năm. Trong khi đó, bà Okonjo-Iweala là nhân vật có kinh nghiệm làm việc tại Ngân hàng Thế giới. Trước đó, bà Okonjo từng có hai nhiệm kỳ với tư cách là Bộ trưởng Tài chính và Ngoại trưởng Nigeria.
Trong chiến dịch tranh cử của mình, bà Yoo cam kết sẽ tập trung vào việc xây dựng lại lòng tin đối với hệ thống thương mại đa phương để định chế thương mại quốc tế này "phù hợp, linh hoạt và phản ứng nhanh hơn".
Việc bầu chọn các ứng cử viên cho ghế Tổng giám đốc WTO diễn ra trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch tiếp tục gia tăng trên toàn cầu và đặc biệt leo thang trong vài năm qua, do căng thẳng giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc gây ra.
Ngoài ra dịch bệnh Covid-19 cũng đã dội một gáo nước lạnh vào các hoạt động kinh doanh, gây căng thẳng cho các nền kinh tế lớn trên toàn thế giới và đặt ra những thách thức mới cho vị tân tổng giám đốc của WTO phải nỗ lực trong việc thiết lập mô hình thương mại hậu đại dịch.
Việc ứng cử viên người Hàn Quốc giành được vị trí hàng đầu trong tổ chức WTO cũng diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại với quốc gia láng giềng Nhật Bản ngày càng gia tăng khi Seoul và Tokyo đã liên tục va chạm kể từ năm ngoái, sau khi Nhật Bản đột ngột áp đặt các hạn chế xuất khẩu nhiều mặt hàng công nghiệp quan trọng chống lại Hàn Quốc, với lý do an ninh.
Vấn đề sau đó đã được Hàn Quốc khiếu nại lên WTO vì Nhật Bản vẫn không chịu phản hồi trước các yêu cầu dỡ bỏ các quy định, buộc WTO đã quyết định thành lập một ban hội thẩm để giải quyết các tranh chấp.