| Hotline: 0983.970.780

"Kỹ sư" Hai Lúa

Thứ Năm 17/10/2013 , 08:33 (GMT+7)

Những sáng kiến của "kỹ sư" Trần Văn Lía ở thôn Phú Bình, xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đều xuất từ thực tế mang lại tiện ích cho nông dân.

Những sáng kiến của "kỹ sư" Trần Văn Lía ở thôn Phú Bình, xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) như máy bắt muỗi, xử lý rác thải thực vật ra phân khoáng đều xuất từ thực tế mang lại tiện ích cho nông dân.

Năm 2009, sau khi sáng kiến chế tạo máy bắt muỗi của ông Lía được TƯ Hội Nông dân VN tặng bằng khen “Sao Thần Nông”, "kỹ sư" Hai lúa này tiếp tục đưa ra giải pháp “Xử lý rác thải thực vật ra phân khoáng” tại hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Khánh Hoà lần thứ 5 (2013) và đạt giải Ba. Ông đang gửi hồ sơ tham gia hội thi Sáng kỹ thuật toàn quốc lần thứ 12 sắp tới.

Máy bắt muỗi phục vụ chăn nuôi

Chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Văn Lía không khó bởi khi nhắc đến người nông dân sáng tạo máy bắt muỗi thì ai cũng biết. May mắn cho chúng tôi lần đầu tiên đến nhà được gặp ông mà không hề có cuộc hẹn nào.

Cũng như mọi khách xa khi đến nhà, ông đều niềm nở mời thưởng thức ly rượu nếp than lâu năm bỏ ít đá lạnh uống có vị cay nồng. Lúc đầu ông cứ nghĩ chúng tôi là khách hàng tới đặt hàng mua máy bắt muỗi, nhưng khi biết chúng tôi là phóng viên đến tìm hiểu các sáng kiến thì Hai lúa rất hào hứng chia sẻ.

Ông Lía cho biết, ý tưởng cho ra máy bắt muỗi xuất phát từ năm 2007 khi ông mua 5 con bò lai sind có giá trị hàng chục triệu đồng về nuôi. Nhưng trong quá trình nuôi, do nhà gần ruộng nước, chuồng nuôi ẩm thấp nên muỗi xuất hiện nhiều. Muỗi đốt khiến bò ốm đau, không lớn được.


Ông Lía bên lò xử lý rác thải thực vật ra phân khoáng

Mặc dù ông đã mua các loại máy bắt muỗi trên thị trường, nhưng chẳng có loại nào mang hiệu quả và chỉ sử dụng trong thời ngắn là bị hỏng. Từ đó ông quyết định tự chế tạo một máy bắt muỗi phù hợp theo cách nghĩ của mình. Sau nhiều lần mày mò thí nghiệm, ông đã cho "ra lò" chiếc máy bắt muỗi đơn giản nhưng rất hiệu quả.

Cấu tạo máy gồm một chiếc quạt bàn, 2 cái ống bằng tôn (1 ống hút và 1 ống đẩy) một túi đựng muỗi bằng lưới mịn và 1 cái bóng điện. Nguyên lý hoạt động của máy là khi cắm điện quạt chạy sẽ hút muỗi bay vào lưới qua ống hút và ống đẩy.

Ngoài ra để sử dụng máy vào ban đêm, bên trong mặt trong ống hút còn được bắt thêm bóng đèn và dán giấy màu phản quang đủ màu để thu hút muỗi vào.

“Khi chế tạo xong tôi cho máy chạy thử trong chuồng bò thì muỗi được diệt sạch. Thấy máy hiệu quả, tôi làm thêm vài chiếc nữa để đặt trong chuồng gà, heo. Từ ngày đặt máy lượng muỗi giảm bẳn, đàn bò và lợn không còn bị muỗi đốt nên khoẻ mạnh, nhanh lớn”, ông Lía nói.

Sau khi chế tạo máy bắt muỗi thành công ông được nhiều bà con tín nhiệm đặt hàng. Cho đến nay, ông đã cung cấp đáp ứng nhu cầu của người chăn nuôi 1.300 máy với giá bán 570.000 đồng/máy.

Rác thải thực vật thành phân bón

Ông Lía chia sẻ, nông dân quá lạm dụng đất để tăng vụ và sử dụng nhiều phân hoá học, thuốc BVTV khiến đất bị chai cứng. Rác thải thực vật như trấu, rơm rạ, cây cỏ, xác mía… thường vứt bừa bãi, lãng phí, gây ô nhiễm môi trường.

Xuất phát từ thực tế trên, ông nghiên cứu xử lý rác thải thực vật thành phân khoáng nhằm cải tạo đất bạc màu, giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất cây trồng mang lại thu nhập cao cho nông dân.

Để làm được điều này ông đắp 1 lò giữ nhiệt hình tròn có đường kính 2 m, chiều cao 1,1 m, thành lò xây 2 lớp gạch trét bằng đất bề dày 22 cm; chính giữa đường thành lò dùng 1 tấm tôn dài 7 m, cao 1,1 m để giữ nhiệt, phía dưới sát đáy xây miệng lò kích thước (60 x 40 cm), xung quanh có 3 lỗ thông không khí (12 cm). Đặt ống khói đường kính 12 cm, dài 5 m, ống khói được khoan nhiều lỗ nhỏ để thải nhiệt (có thể dùng nhiệt này sưởi ấm cho gà con rất tốt).

Bên trong lò đặt 4 thùng phi có thể tích 0,8 m3, mỗi mỗi thùng có nắp đậy kín, dưới đáy thùng có lỗ thông nhiệt khoảng 12 cm. Khi bỏ nguyên liệu rác thực vật ép đầy 4 thùng đậy nắp kín, đổ trấu vào trong lò rồi đậy nắp, đốt cháy trong 24 giờ sẽ thu được phân khoáng sau khi đốt.

Về lợi ích kinh tế, theo ông, đầu tư 1 lò xử lý rác thực vật ra phân khoáng tất cả chi phi đầu tư khoảng 3 triệu đồng, nhưng được sử dụng lâu dài nhiều năm. Bình quân 3 tháng/vụ mùa, đốt lò 30 lần sẽ cho ra sản phẩm 4.200 kg, đủ bón cho 1 ha trồng màu. Như vậy nếu bà con sử dụng phân khoáng này sẽ giảm sử dụng phân vô cơ 40% trở lên, giảm thuốc BVTV, tăng năng suất cây trồng 30%.

"Gia đình tôi đã dùng sản phẩm phân khoáng này bón thử nghiệm cho một số cây trồng các loại như ớt, cà chua, dưa, thanh long, đu đủ... cây sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất vượt trội, trái có màu sáng đẹp", ông Lía cho biết.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Vụ dưa ngọt giữa những ngày nắng nóng

QUẢNG BÌNH Vụ dưa hấu năm nay nông dân huyện Bố Trạch được mùa, được giá. Mỗi ha dưa cho lãi đến 50 triệu đồng.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm