| Hotline: 0983.970.780

Kỳ tích nông dân

Thứ Năm 11/01/2024 , 09:34 (GMT+7)

Nông nghiệp Đồng Hỷ tạo nên kỳ tích khi có nhiều sản phẩm nông nghiệp tốt bậc nhất tỉnh, trong đó miến dong Việt Cường là một trong hai sản phẩm đạt 5 sao OCOP.

Miến dong Việt Cường, một trong hai sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Thái Nguyên đạt 5 sao OCOP cấp quốc gia. Ảnh: Đào Thanh.

Miến dong Việt Cường, một trong hai sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Thái Nguyên đạt 5 sao OCOP cấp quốc gia. Ảnh: Đào Thanh.

Tự hào thương hiệu nông sản quốc gia

Xưởng miến rộng cả vài nghìn mét vuông của HTX miến Việt Cường nằm trong một con ngõ nhỏ thuộc xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Đi qua con đường rợp hoa hai bên đường là vào đến nhà xưởng. Nguyễn Văn Ba, Giám đốc HTX miến Việt Cường đón chúng tôi bằng nụ cười hiền.

Nhìn cơ ngơi đồ sộ của anh, không ai nghĩ rằng, có một thời ông chủ của thương hiệu miến nức tiếng đất Thái Nguyên đi vay mười triệu đồng để thành lập HTX vào năm 2007 còn khó khăn. Hỏi vay ngân hàng, người ta bảo đất nhà Ba rộng đấy, nhưng ở nông thôn không đủ thế chấp vay 10 triệu đồng.

Đặc biệt, năm 2012 Ba tưởng rằng mình phải từ bỏ nghề làm miến truyền thống của gia đình. Bởi bao nhiêu vốn liếng tích cóp được từ mình và cả bố mẹ anh đều bỏ vào việc thực hiện ước mơ nghiên cứu chế tạo dây chuyền sấy chế biến miến hiện đại. Nhưng từng lần hi vọng bỗng vụt tắt sau những mẻ miến thất bại. Để lại cho anh một đống sắt vụn và số tiền khoảng 2 tỷ đồng cũng ra đi theo đống sắt vụn ấy, cùng khoản nợ lớn ở lại.

Ba chia sẻ, thực sự thất bại đối với anh không đáng sợ, sự gầy rộc và yếu ớt về thể xác cũng không đáng sợ. Anh sợ nhất là bởi vì anh mà cuộc sống nghèo túng lại trở về với cha mẹ mình. Họ đã già, mái đầu đã bạc nhiều, đôi chân đã run rẩy liêu xiêu mà vẫn đôn đáo mải miết lo cho anh.

Bằng đấy thứ hình ảnh của bố mẹ khiến gan ruột Ba như bị cào xé, khiến anh buộc mình phải gượng dậy tiếp tục đi tìm thị trường. Cứ thế ngày nuôi ngày, vốn nhỏ nuôi vốn lớn, xưởng miến dần hoạt động trở lại bình thường. Củ dong riềng nguyên liệu từ Cao Bằng đổ về, trên Bắc Kạn đổ xuống, bên Tuyên Quang đổ sang… xưởng miến Việt Cường lớn nhanh theo những đơn hàng ngược xuôi chạy về xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ.

Cũng chính bài học xương máu cay đắng ấy đã giúp anh có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm. Để sau này có vốn anh tiếp tục nghiên cứu và chế tạo thành công dây chuyền phơi miến bán tự động chạy bằng ròng rọc vào năm 2016 thay cho những phên tre vừa mất công và rất vất vả. Có máy phơi miến thì công nhân chỉ việc đứng bấm nút là miến tự động từ ròng rọc chạy ra phơi; miến chất lượng cũng tốt hơn, miến dài không bị nát, nhanh khô nên độ thơm ngon được đảm bảo. Từ hệ thống máy phơi miến tự động, Ba và tập thể lãnh đạo HTX tiếp tục nghiên cứu ra các thiết bị khác như máy cắt miến, xe phơi miến, máy cẩu miến…

Từ khi có băng chuyền, hoạt động sản xuất miến của HTX miến Việt Cường hiệu quả và không ngừng phát triển. Hiện nay, diện tích giàn phơi tự động của HTX miến Việt Cường lên tới 5.000m2. HTX giữ ổn định việc cung cấp ra thị trường khoảng 500 tấn miến/năm.

Anh Nguyễn Văn Ba, Giám đốc HTX miến Việt Cường giới thiệu các sản phẩm miến của HTX mình. Ảnh: Đào Thanh.

Anh Nguyễn Văn Ba, Giám đốc HTX miến Việt Cường giới thiệu các sản phẩm miến của HTX mình. Ảnh: Đào Thanh.

Giờ tài sản của HTX miến Việt Cường có thể vay ngân hàng đến cả chục tỷ đồng. Công suất chế biến của xưởng đạt khoảng 3 tấn miến dong/ngày, giải quyết việc làm cho 30 lao động. Sản phẩm miến dong Việt Cường của anh Nguyễn Văn Ba cũng trở thành một trong hai sản phẩm nông sản của tỉnh Thái Nguyên đạt 5 sao OCOP cấp quốc gia.

Kỳ tích từ nông dân Đồng Hỷ

Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đồng Hỷ Dương Thị Thu Hằng tự hào kể với chúng tôi về quê mình có nhiều nông dân giỏi, biết biến những đồng đất trở thành vùng nông nghiệp trù phú. Đó là những nương chè bạt ngàn cả trăm ha ở Sông Cầu, Minh Lập; vùng chuối Khe Mo rộng tới mấy chục ha; vùng trồng măng lục trúc ở thị trấn Trại Cau đến vùng trồng thanh long ruột đỏ ở xã Hợp Tiến… Sự chịu thương chịu khó của người nông dân nơi đây đã viết lên những kỳ tích cho nền nông nghiệp ở Đồng Hỷ tạo ra những cánh đồng, đồi nương trăm tỷ, nghìn tỷ.

Không ai nghĩ rằng người nông dân như anh Nguyễn Văn Ba chỉ quen với những sợi miến lại có thể nghĩ ra và sáng tạo thành công hệ thống máy phơi miến tự động, hay máy cắt miến, xe phơi miến, máy cẩu miến… Hệ thống thiết bị ấy đã giúp HTX giảm nhân công lao động tăng năng lực sản xuất của xưởng chế biến lên tới 3 tấn miến dong mỗi ngày. HTX miến Việt Cường của anh cũng là cơ sở đầu tiên đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, đơn vị đầu tiên theo đuổi sản xuất miến sạch ở Thái Nguyên.

Từ đam mê và khát vọng của anh Ba, đã giúp HTX có những sản phẩm miến chất lượng cao, không chỉ có mặt ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh mà còn được khách nước ngoài biết đến. Anh Ba chia sẻ rằng, có vị khách nước ngoài ghé thăm Việt Nam được ăn món ăn chế biến từ miến Việt Cường. Khi về nước, nhớ vị miến của Việt Nam vị khách ấy đã gọi điện sang cho đối tác là một siêu thị ở Việt Nam đề nghị hợp tác kinh doanh. Cũng từ đó đến nay đã 5 năm, miến Việt Cường đều đặn theo từng container mà sang các nước ở thị trường châu Âu, Lào, Đài Loan… với sản lượng xuất khẩu đạt 100 tấn/năm.

Anh Nguyễn Văn Ba hay chị Vũ Thị Thanh Hảo, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX trà Thịnh An, thị trấn Sông Cầu; chị Uông Thị Lan, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX chè Nguyên Việt, xã Minh Lập… đều là những người nông dân ở Đồng Hỷ. Họ là những người nông dân có khát vọng, có niềm hạnh phúc khi được nâng niu sản phẩm nông sản của quê mình và được chính giá trị sản phẩm ấy nâng niu bằng chất lượng cuộc sống của gia đình, của các thành viên trong HTX và của hàng nghìn người công nhân lao động.

Từ những người nông dân cần cù, chịu khó và sáng tạo, huyện Đồng Hỷ đã có cánh đồng trăm tỷ, nghìn tỷ. Ảnh: Đào Thanh.

Từ những người nông dân cần cù, chịu khó và sáng tạo, huyện Đồng Hỷ đã có cánh đồng trăm tỷ, nghìn tỷ. Ảnh: Đào Thanh.

Nhưng đâu chỉ những ông chủ HTX lớn như anh Ba, chị Lan, chị Hảo... mới làm nên thương hiệu cho nông sản ở Đồng Hỷ. Những người nông dân trồng chuối đơn thuần ở xã Khe Mo đếm cây, đếm quả rồi nhọc nhằn chờ thương lái thu mua được giá. Hay cả những nông dân người Mông ở Bản Tèn, bản nghèo nhất huyện Đồng Hỷ cũng là những mảnh ghép quan trọng tạo nên một bức tranh nông thôn mới đa sắc, riêng biệt, tạo nên cánh đồng trù phú, tốt tươi.

Bởi thế mới có chuyện đôi vợ chồng trẻ người Mông Lý Văn Bình ở Bản Tèn, xã Văn Lăng sẵn sàng trồng giống cây sâm Bố Chính. Giống cây mà họ chưa nhìn thấy bao giờ. Cả mấy đời người Mông ở Bản Tèn cũng không ai biết, nhưng họ vẫn đồng hành cùng Chị Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần V-ginseng vì họ có niềm tin vào sự chân thành của con người với con người sẽ tạo ra những kỳ tích. Họ luôn chất chứa khát vọng vượt lên trên hiện tại để số phận không gục ngã trước cái nghèo.

Từ những người nông dân tích cực đã giúp Đồng Hỷ hôm nay có bước chuyển mình mạnh mẽ từ phố thị đến nông thôn. Người nông dân Đồng Hỷ đang ngày càng lớn mạnh khi có những khát vọng lớn, có tinh thần vươn lên học hỏi để tích lũy đủ cả tri thức bản địa và tri thức thời đại thì kỳ tích cũng từ nhân dân được sản sinh ra; hạnh phúc sẽ về trên khắp các thị trấn, xã thôn, về đến mỗi nếp nhà.

Chị Dương Thị Thu Hằng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên cho biết, cùng với sản phẩm miến dong Việt Cường đạt 5 sao OCOP, hiện nay toàn huyện Đồng Hỷ có 35 sản phẩm đạt sao OCOP, trong đó có 18 sản phẩm đạt 3 sao, 17 sản phẩm đạt 4 sao. Trong năm 2022 huyện Đồng Hỷ đã hỗ trợ Website giới thiệu quảng bá và bán sản phẩm trên không gian mạng cho 3 HTX; cấp 44.000 tem truy xuất nguồn gốc cho 3 sản phẩm.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm