| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 27/08/2018 , 06:20 (GMT+7)

06:20 - 27/08/2018

Lại chuyện làm thế nào huy động tiền trong dân?

Tại diễn đàn Kinh tế Việt Nam vừa diễn ra mấy ngày trước, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng: Việt Nam còn một lượng tiền lên tới 60 tỷ USD đang nằm trong dân, cần có cách huy động số tiền này để đưa vào lưu thông, phát triển đất nước.

Lời dự đoán của các chuyên gia WB rất có căn cứ. Người dân Việt rất nặng về tâm lý “tích cốc phòng cơ”. Trong một xã hội đang có rất nhiều biến động, tương lai rất khó đoán, việc tích trữ một khoản tiền phòng khi “hữu sự” rất cần thiết. Vì vậy, khi có điều kiện, bất cứ ai cũng dành một khoản tiền dự trữ.

Với GDP chỉ hơn 220 tỷ USD (năm 2017), nhưng tỷ trọng tiêu dùng cuối cùng đã chiếm trên 70%, vì vậy, số tiền dành để tiết kiệm nội địa, đầu tư phát triển còn lại rất ít. 60 tỷ USD, số tiền bằng hơn ¼ GDP của một năm, hiện đang nằm trong dân, là một con số không nhỏ. Dân gian có câu “tiền để trong nhà là tiền chửa, tiền ra khỏi cửa là tiền đẻ”. Số tiền này nếu được huy động để đưa vào lưu thông, phát triển kinh tế đất nước, thì tốt biết bao nhiêu. Đằng nào cũng là vay. Nhưng vay nước ngoài thì tiền lãi về tay nước ngoài. Còn vay của dân, thì tiền lãi đó dân mình được hưởng, còn gì hơn nữa?

Nhưng, làm thế nào để người dân móc những đồng tiền vẫn giấu kỹ trong hầu bao ra cho nhà nước vay? Vấn đề này, thực ra không mới. Cách đây mấy năm, đã có đề án huy động 500 tấn vàng nhàn rỗi trong dân. Nhưng cho đến nay, đề án đó vẫn chưa biến thành hiện thực. Vì nguyên nhân gì?

Thứ nhất, là tại Việt Nam, các tổ chức tín dụng không được phép huy động vàng mà chỉ được phép giữ hộ vàng. Người có vàng muốn nhờ giữ hộ phải trả phí giữ vàng. Điều đó khiến người có vàng chẳng dại gì mang vàng đến gửi rồi lại mất thêm tiền. Thứ hai, là tuy các tổ chức tín dụng cũng nhận tiền gửi bằng USD, nhưng lãi suất tiền gửi bằng USD lại bằng 0%. Và thứ ba, là trong 6 tháng đầu năm 2018, chỉ số lạm phát của ta là 3,29%, và con số này đến cuối năm có khả năng lên tới 4%, trong khi tỷ lệ lãi suất tiền gửi ngân hàng bằng VND rất thấp. Nếu trừ lạm phát đi, thì lãi suất thực chẳng còn đáng bao nhiêu. Vì vậy, người dân có VND trong nhà không mặn mà với việc gửi tiền, mà thường dùng tiền đó đầu tư vào những kênh khác, như bất động sản chẳng hạn.

Tiền là của dân. Còn niềm tin là của Nhà nước. Đã có câu “đồng tiền liền khúc ruột”. Muốn huy động được nguồn lực này, cần có một chính sách, một cơ chế hợp lý, tạo được niềm tin và sự hấp dẫn đối với người dân. Chỉ có vậy, mới kích thích được người dân có tiền nhàn rỗi đưa lượng tiền đó vào vòng lưu thông của nhà nước. Và chỉ khi làm được điều đó, thì cả người dân có tiền lẫn nhà nước đều được lợi. Đất nước có thêm một nguồn vốn lớn để đầu tư phát triển, đỡ phải tất tưởi đi vay nước ngoài, với không biết bao nhiêu là hệ lụy.