Tiếp theo các tỉnh Phú Yên, cho phá 116 ha rừng phòng hộ ven biển để một DN xây dựng công trình phục vụ... cuộc thi hoa hậu ASEAN vào tháng 6/2017, và tỉnh Vĩnh Phúc định lấy hơn 100 ha rừng phòng hộ Tam Đảo làm nghĩa địa, thì mới đây, dư luận lại hết sức bức xúc trước việc UBND tỉnh Thái Bình định xóa sổ 150 ha rừng ngập mặn ở hai xã Thụy Hải, Thụy Xuân (thuộc huyện Thái Thụy) để làm dự án công nghiệp.
150ha rừng ngập mặn được đề nghị phá bỏ để tạo mặt bằng làm khu công nghiệp. (Ảnh: TTO) |
Trong khi các nước trên thế giới thường tìm cách nâng cấp rừng sản xuất lên thành rừng phòng hộ để bảo vệ, phát triển rừng, thì, tuy nói là hội nhập, nhưng chúng ta lại rất hay làm ngược lại, là xén rừng phòng hộ thành rừng sản xuất, để làm dự án. Thế là, cùng với nạn lâm tặc chưa được ngăn chặn, hàng ngày vẫn gặm trụi từng khu rừng, thì diện tích rừng phòng hộ, vốn đã rất ít, lại càng ngày càng teo tóp đi vì bị những dự án công nghiệp lấn vào.
Trở lại với 150 ha rừng ngập mặn ở Thái Thụy. Rừng đó được trồng sau cơn bão lớn năm 1986, làm vỡ đê Xuân Hải, bằng nguồn vốn của dự án trồng 5 triệu ha rừng của Chính phủ, tính đến nay đã được hơn 30 năm. Rừng có chiều cao từ 6 đến 8 mét, có chức năng phòng hộ đê biển trên địa bàn hai xã trên. Người dân hai xã quý khu rừng như vàng, vì ngoài việc che chắn, bảo vệ cho cuộc sống của họ được bình yên trước bão táp phong ba, khu rừng còn mang lại cho họ một nguồn lợi hải sản dồi dào.
Điều đáng nói nữa là toàn bộ 150 ha rừng phòng hộ đó đều nằm trong khu dự trữ sinh quyển đồng bằng sông Hồng. Nhận thấy tầm quan trọng của khu rừng phòng hộ Thụy Xuân, Thụy Hải, nên nhân “ngày đất ngập nước thế giới”, đầu tháng 2/2017, Bộ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã về trồng thêm cây cho cánh rừng này.
Thế mà chỉ chưa đầy 2 tháng sau, cánh rừng đã bị những người chủ trương phá rừng đặt trong tầm ngắm (?).
Để thực hiện được chủ trương xóa sổ khu rừng trên, chủ đầu tư dự án “nâng bãi ổn định đê biển số 8 huyện Thái Thụy, kết hợp tạo mặt bằng phát triển công nghiệp dịch vụ” đã chế tạo ra một bản đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đầy sai lệch, xuyên tạc sự thật, để trình lên Bộ TN-MT, như số hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp của dự án là gần 400, nhưng họ chỉ báo cáo có 80. Và theo luật định thì dự án phải được đưa ra tham vấn cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng trực tiếp, nhưng buổi “tham vấn” của họ ở hai xã Thụy Xuân, Thụy Hải, chỉ có chủ tịch xã, địa chính xã, chủ tịch MTTQ xã và trưởng, phó thôn, tuyệt không có một hộ dân nào. Nhưng biên bản tham vấn lại được ghi khác hoàn toàn.
Theo quy định của pháp luật, thì muốn chuyển mục đích sử dụng từ 20 ha rừng trở lên, phải được Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Và muốn lấy từ 50 ha rừng trở lên, phải trình ra Quốc hội để xin ý kiến. Không biết những người chủ trương xóa sổ 150 ha rừng phòng hộ ven biển Thái Thụy có biết những quy định đó không?