| Hotline: 0983.970.780

Lại xảy ra mất mùa nặng do mua giống lúa trôi nổi trên mạng xã hội

Thứ Hai 15/07/2024 , 06:00 (GMT+7)

YÊN BÁI Mấy tháng trời cày cấy chăm sóc, vậy mà đến cuối vụ hàng chục hộ dân ở huyện Mù Cang Chải thất thu vì mua phải giống lúa không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội.

Có 3,4ha lúa của người dân huyện Mù Cang Chải bị mất mùa do mua giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Ảnh: Thanh Tiến.

Có 3,4ha lúa của người dân huyện Mù Cang Chải bị mất mùa do mua giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Ảnh: Thanh Tiến.

Lúa trỗ bông nhưng “không cúi đầu”

Bài liên quan

Những ngày đầu tháng 7, người dân một số xã phía tây của huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) tích cực thu hoạch lúa xuân hè, khẩn trương chuẩn bị đất gieo cấy vụ mùa. Tuy vậy, một số hộ dân ở các bản Xéo Dì Hồ A, Cồ Dề Sang A (xã Lao Chải), Khao Mang, Nả Dề Thàng (xã Khao Mang) thất vọng khi ruộng lúa của gia đình mình cho năng suất rất thấp, gần như mất trắng.

Cả gia đình anh Giàng A Lồng ở bản Nả Dề Thàng, xã Khao Mang vừa gặt, vừa tuốt lúa bằng chiếc máy nhỏ với tâm trạng rất buồn vì những bông lúa “không cúi đầu”, phần lớn là hạt lép. Mọi năm, hơn 7 sào ruộng của nhà anh Lồng thu được khoảng 30 bao lúa, mỗi bao 40kg, tương đương khoảng hơn 1,2 tấn thóc, nhưng năm nay gần như mất trắng, lúa toàn hạt lép, hạt lúa mẩy chỉ khoảng 10%. Mặc dù vậy anh vẫn phải thu hoạch vớt vát, tuốt lúa ra chủ yếu để lấy rơm nuôi trâu, bò.

Những bông lúa chỏng chơ, tỷ lệ hạt lép đến 85 - 90%, người dân vẫn phải thu hoạch để vớt vát, lấy rơm phục vụ chăn nuôi. Ảnh: Thanh Tiến.

Những bông lúa chỏng chơ, tỷ lệ hạt lép đến 85 - 90%, người dân vẫn phải thu hoạch để vớt vát, lấy rơm phục vụ chăn nuôi. Ảnh: Thanh Tiến.

Bài liên quan

Bần thần bên thửa ruộng năng suất kém, anh Lồng trần tình: "Nghe mọi người bảo giống lúa này tuy cơm hơi cứng nhưng cho năng suất cao nên vợ chồng tôi sang tận huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu) mua về cấy. Mọi công đoạn chăm sóc vẫn như mọi năm, lúa sinh trưởng bình thường nhưng khi trỗ bông thì đều không chịu cúi đầu, hạt lúa phần lớn không có nhân, cứ 10 hạt chỉ được 1 - 2 hạt chắc".

Theo ông Giàng A Chang, trưởng bản Khao Mang, thời tiết vụ đông xuân năm nay tương đối thuận lợi, việc chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh của các hộ dân theo đúng quy trình. Các diện tích lúa sinh trưởng bình thường, nhưng không hiểu sao trỗ bông xong cứ đứng chỏng chơ, bông lúa đa phần là hạt lép. "Chúng tôi đã kiểm tra ngẫu nhiên một bông lúa, đếm được tổng cộng 177 hạt, trong đó chỉ có 27 hạt mẩy, còn lại 150 hạt lép", ông Chang ngán ngẩm.

Tại cánh đồng ở bản Cồ Dề Sàng A (xã Lao Chải) có 3 hộ dân cũng có diện tích lúa gặp tình trạng tương tự. Người dân cho biết, giống lúa năng suất thấp này được các hộ tự mua ngoài thị trường hoặc đặt mua trên mạng xã hội nên không rõ nguồn gốc, không có bảo hành. Chịu cảnh thất thu chỉ biết tự trách mình chứ cũng không có giải pháp nào.

Diện tích lúa năng suất rất thấp, nhưng bà con vẫn thu hoạch để lấy rơm cho trâu bò. Ảnh: Thanh Tiến.

Diện tích lúa năng suất rất thấp, nhưng bà con vẫn thu hoạch để lấy rơm cho trâu bò. Ảnh: Thanh Tiến.

Bài liên quan

Chưa gặp phải cảnh thất thu nhưng gia đình ông Khang A Phay ở xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải cũng đang rất hoang mang, lo lắng cho vụ lúa mùa. Vụ mùa này gia đình ông gieo cấy hơn 10 sào bằng giống lúa lạ toàn chữ nước ngoài được đặt mua qua mạng xã hội facebook.

Ông Khay chia sẻ, nghe gia đình thông gia bên xã Lao Chải giới thiệu gieo cấy giống lúa mua trên mạng được quảng cáo có chất lượng thơm, ngon, năng suất cao nên tháng 3 năm nay, ông đã đặt mua 20kg giống với giá 70.000 đồng/kg, ngoài ra còn được khuyến mãi thêm 4kg, lại có người giao hàng đến tận nhà. Vụ này gia đình ông Khay đã làm mạ hết 18kg, hiện vẫn còn 6kg. Sau khi thu hoạch lúa vụ xuân, ông đã làm đất và gieo cấy xong toàn bộ diện tích ruộng trong tháng 6.

Giống lúa toàn chữ nước ngoài được ông Khang A Phay ở xã Chế Cu Nha (huyện Mù Cang Chải) đặt mua trên mạng xã hội. Vì lo lắng mất mùa nên ông đã nhổ bỏ 1/3 diện tích lúa vụ mùa mới cấy để xin mạ cấy lại. Ảnh: Người dân cung cấp.

Giống lúa toàn chữ nước ngoài được ông Khang A Phay ở xã Chế Cu Nha (huyện Mù Cang Chải) đặt mua trên mạng xã hội. Vì lo lắng mất mùa nên ông đã nhổ bỏ 1/3 diện tích lúa vụ mùa mới cấy để xin mạ cấy lại. Ảnh: Người dân cung cấp.

Khi nghe thông tin bên gia đình thông gia và mấy hộ cùng mua giống bị thất thu, lúa toàn hạt lép, ông Khay rất lo lắng. Vì vậy, ông đã quyết định nhổ bỏ khoảng 4 sào lúa vụ mùa mới cấy, sau đó xin mạ thừa của các hộ dân khác trong bản cấy lại. Còn lại gần 7 sào thì đành mặc kệ, hi vọng vào vận may, bởi bây giờ cũng không có mạ để cấy lại, nếu làm mạ thì chậm thời vụ, lúa trỗ bông vào mùa lạnh sẽ mất mùa.

Mất mùa do mua lúa giống trôi nổi

Bài liên quan

Theo báo cáo của Phòng NN-PTNT huyện Mù Cang Chải, tại xã Lao Chải có diện tích lúa trỗ bông không cúi đầu, hạt lem lép nhiều là 2,6ha, gồm 1,9ha của 3 hộ tại bản Xéo Dì Hồ A và 0,7ha của 3 hộ tại bản Cồ Dề Sang A. Trong đó, có 5 hộ sử dụng giống lúa mua tại xã Mường Kim, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu và 1 hộ mua giống lúa trên mạng.

Tại xã Khao Mang có 5 hộ gia đình gồm 1 hộ tại bản Khao Mang, 2 hộ tại bản Nả Dề Thàng và 1 hộ tại bản Xẻo Mả Pán có ruộng lúa mất mùa, hạt lép nhiều với tổng diện tích 0,8ha. Tất cả 5 hộ này đều sử dụng giống lúa mua tại xã Mường Kim, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu.

Nguyên nhân lúa mất mùa nặng được ngành chức năng xác định do người dân mua phải giống trôi nổi. Ảnh: Thanh Tiến.

Nguyên nhân lúa mất mùa nặng được ngành chức năng xác định do người dân mua phải giống trôi nổi. Ảnh: Thanh Tiến.

Tổng diện tích lúa “trẻ mãi không già”, hạt lem lép nhiều là 3,4ha, giống lúa người dân mua và sử dụng có tên trên bao bì là LC25 mua tại huyện Than Uyên và giống lúa VST-899 mua trên mạng xã hội.

Những diện tích ruộng này đều được đảm bảo nước tưới, không bị khô hạn, các hộ không bón nhiều phân vô cơ. Sau khi mua giống lúa về, các hộ thực hiện gieo cấy, chăm sóc, cây lúa sinh trưởng, phát triển bình thường, đến thời điểm trỗ bông mới xuất hiện tình trạng không vào hạt, hạt bị lép nhiều. Đối với những diện tích người dân gieo cấy các giống lúa theo khuyến cáo cơ cấu giống của huyện, năng suất đạt 51,2 tạ/ha.

Người dân cần lựa chọn giống lúa tại các cơ sở kinh doanh được cấp phép hoạt động và theo khuyến cáo cơ cấu giống của huyện. Ảnh: Thanh Tiến.

Người dân cần lựa chọn giống lúa tại các cơ sở kinh doanh được cấp phép hoạt động và theo khuyến cáo cơ cấu giống của huyện. Ảnh: Thanh Tiến.

Theo ông Lương Văn Thư, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mù Cang Chải, để tránh tình trạng người dân mua giống lúa trôi nổi làm giảm năng suất, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn để nâng cao nhận thức của người dân, khuyến cáo người dân không sử dụng các loại giống, vật tư không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không trong cơ cấu giống của tỉnh, của huyện. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý giống, vật tư nông nghiệp trên địa bàn huyện để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm các quy định của nhà nước trong kinh doanh giống, vật tư nông nghiệp.

Ông Lương Văn Thư, Trưởng phỏng NN-PTN thôn huyện Mù Cang Chải cho biết, có thể loại bỏ nguyên nhân do thời tiết, do người dân chăm sóc và xác định nguyên nhân chính gây hiện tượng lúa trỗ bông không cúi đầu, hạt lép nhiều là do người dân mua giống trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, đây là các giống lúa không nằm trong cơ cấu giống lúa của huyện.

Thời gian qua, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã liên tục phản ánh tình trạng nông dân mất mùa nặng trong vụ lúa xuân 2024 do mua phải giống lúa trôi nổi trên mạng xã hội, điển hình như tại tỉnh Phú Thọ, Hải Dương, Bắc Kạn...

Sau khi báo phản ánh, vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã điều tra, khởi tố 7 bị can (đều trú tại huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) về hành vi bán giống lúa giả VST-899 trên facebook cho nông dân nhiều tỉnh, thành, chiếm đoạt số tiền 7,8 tỷ đồng.

Xem thêm
Tỷ lệ mẫu dương tính với virus cúm A khá cao tại các chợ gia cầm

Do tỷ lệ mẫu dương tính với virus cúm A khá cao tại các chợ gia cầm, nhóm nghiên cứu khuyến cáo người dân cẩn trọng khi tiếp xúc với gà, vịt sống.

Nâng cấp chất lượng tổ yến để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

Tiền Giang Chú trọng giải pháp nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm tổ yến, đồng thời tuân thủ các quy định Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Chuyển đổi số trên nương chè: Minh bạch trong quản lý mã số vùng trồng

THÁI NGUYÊN Mã số vùng trồng là 'tấm visa' giúp cây chè được các nước chấp nhận và tạo thuận lợi thông quan. Tuy nhiên, nếu gian dối sẽ bị tuýt còi, thậm chí mất thị trường.

Bình luận mới nhất