Giả cả quyết định công nhận giống
Ông đánh giá thế nào về thông tin giống lúa VST 899 giả được bán tràn lan trên mạng thời gian vừa qua?
Tôi khẳng định giống VST 889 là giống giả, giống cấm sử dụng và quyết định số 766/QĐ-BNN-TT ngày 7/3/2022 lưu hành trên mạng là giả mạo do:
Thứ nhất, giống lúa VST 899 chưa được cấp quyết định công bố lưu hành; chưa được bất cứ một tổ chức, cá nhân nào đăng ký thực hiện cấp quyết định lưu hành.
Thứ hai, quyết định 766 ngày 7/3/2022 là giả bởi từ ngày 1/1/2020 Luật Trồng trọt đã có hiệu lực nên “quyết định về việc công nhận giống cây trồng” do Cục trưởng Cục Trồng trọt ký. Trong khi đó văn bản quảng cáo trên môi trường mạng là “quyết định về việc công nhận chính thức giống cây trồng mới” ghi căn cứ pháp lý là Pháp lệnh Giống cây trồng 2004 và quyết định 95/2007 là sai về cơ sở pháp lý (pháp lệnh giống cây trồng và các văn bản hướng dẫn hết hiệu lực từ ngày 1/1/2020).
Tôi được nghe báo ở tỉnh Thái Bình, Hà Nam, Phú Thọ và một số địa phương khác có bán giống lúa VST 899 tuy nhiên đây là do kinh doanh trên mạng Facebook, Youtube, Zalo, Tiktok nên gây khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, xử lý.
Chúng tôi đã đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc. Mặt khác tôi đề nghị các địa phương tập trung tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh, truyền hình địa phương khi bắt đầu vào vụ sản xuất để nâng cao nhận thức người dân về vấn đề giống giả, đặc biệt là sử dụng hệ thống đài truyền thanh cấp xã vì đây là công cụ truyền thống có tác động rất lớn đến nông dân, thuận lợi, không tốn kém về chi phí.
Trên mạng xã hội hiện đang quảng cáo rất nhiều giống cây trồng mới hay độc lạ kiểu như ngô trổ 9-10 bắp, ngô bắp to như cái phích, những giống hoa quả có màu sắc, hình dáng khác thường… thu hút sự chú ý của người dân để từ đó tìm mua. Ông thấy chuyện đó ra sao?
Như tôi đã nói ở trên, các địa phương cần tập trung tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh, truyền hình địa phương khi bắt đầu vào vụ sản xuất để nâng cao nhận thức người dân về vấn đề giống giả, đặc biệt là sử dụng hệ thống đài truyền thanh cấp xã vì đây là công cụ truyền thống có tác động rất lớn đến nông dân, thuận lợi, không tốn kém về chi phí.
Mặt khác, các cơ quan báo chí phải thông tin để người dân hiểu rõ hơn vấn đề, phải mua giống ở những cửa hàng vật tư nông nghiệp kinh doanh một cách hợp pháp và có uy tín. Thứ nữa, các cơ quan chuyên môn của các địa phương thông tin để người dân ý thức được bởi quyết định cuối cùng bỏ tiền ra mua giống hay không vẫn thuộc về họ.
Kinh doanh vật tư nông nghiệp là kinh doanh có điều kiện nhưng hiện nay chúng tôi đi nhiều địa phương, nhất là ở trung du, miền núi có hiện tượng các cửa hàng tạp hóa hay thậm chí người bán rong ở các chợ cũng bày bán vật tư nông nghiệp và xã thì bảo không thấy huyện hay các cơ quan chuyên ngành kiểm tra, chấn chỉnh hiện tượng này. Ý kiến của ông thế nào?
Nghị định số 31/2023/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực trồng trọt đã có hiệu lực, chúng ta có đủ cơ sở pháp lý để xử lý những vi phạm trong lĩnh vực giống. Việc xử lý vi phạm này không phải chỉ cơ quan chuyên môn của ngành nông nghiệp là thanh tra chuyên ngành mà công an, quản lý thị trường… đều có trách nhiệm thực hiện.
Văn bản pháp luật đã đầy đủ nhưng…
Lâu nay tôi có cảm giác cuộc chiến chống giống giả, giống kém chất lượng một số địa phương chưa quan tâm nhiều so với một số mặt hàng khác còn có hiện tượng chúng được bày bán công khai như mớ rau, con cá ngoài chợ. Ông nghĩ gì về chuyện đó?
Văn bản pháp luật đầy đủ rồi, các lực lượng như quản lý thị trường, công an… đều có quyền kiểm tra, xử phạt, còn tại sao những lực lượng này chưa quan tâm nhiều đến vật tư nông nghiệp giả thì tôi không thể biết được. Cục Trồng trọt có rất ít người, chủ yếu là chúng tôi xây dựng cơ sở hành lang pháp lý, tuyên truyền, phối hợp, hướng dẫn, phổ biến pháp luật, còn việc thực hiện thì phải chính là địa phương và các cơ quan chức năng như quản lý thị trường, công an...
Nếu liên quan đến buôn lậu vật tư nông nghiệp thì biên phòng, hải quan, công an, cảnh sát biển, quản lý thị trường… có trách nhiệm xử lý chính. Chính quyền các cấp từ UBND xã cũng có quyền xử phạt. Còn kinh doanh trên mạng thì đã có những quy định của Bộ Công thương và Bộ Thông tin và Truyền thông.
Các quảng cáo giống giả trên mạng thường mạo danh những công ty nổi tiếng như Vinaseed, ThaiBinhseed hay Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Di truyền Nông nghiệp để thu hút. Vậy trách nhiệm quản lý như thế nào?
Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, Zalo, Tiktok…Tôi thiết nghĩ cơ quan chức năng quản lý các nền tảng này cần tăng cường quản lý, thanh lọc bởi các quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, Zalo, Tiktok người dân có thể tiếp cận mọi lúc, mọi nơi, chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh. Các loại hoa màu ngắn ngày như lúa, ngô, lạc, đậu... mua phải giống giả thì chỉ bị ảnh hưởng vài tháng nhưng nếu gieo trồng phải giống cây công nghiệp, cây ăn quả dài ngày, mức đầu tư lớn, thời gian đầu tư dài thì hậu quả rất nghiêm trọng và lâu dài, gây thiệt hại lớn cho người dân.
Mặt khác, cần phải phổ biến tuyên truyền qua nhiều kênh, nhiều hình thức để nông dân thay đổi về nhận thức và ra quyết định mua giống cây trồng sao cho đúng ở các cửa hàng vật tư hợp pháp.
Đối tượng mua giống giả là nông dân, trong đó đa số là do cả tin, thấy rẻ, quảng quảng cáo hấp dẫn mà mua. Cần phải xử lý nghiêm đối tượng buôn bán giống giả, không được phép lưu hành.
Trước đây khi không gian mạng chưa phát triển, việc buôn bán giống giả dễ bị phát hiện vì họ chỉ bày bán trên không gian thực. Còn hiện nay thì ngược lại, đối tượng bán hàng giả cho rằng đã có không gian mạng để ẩn nấp rất an toàn rồi nên cứ tự tung tự tác?
Phải làm sao để những đối tượng buôn bán hàng giả không có đất tồn tại ở bất kỳ không gian nào, thật hay là ảo như mạng xã hội. Trước hết Facebook, Youtube, Zalo, Tiktok… phải quản lý được các quảng cáo bán hàng chứ không phải người ta cứ chi tiền là chấp nhận cho quảng cáo.
Thứ nữa bản thân các doanh nghiệp bị nhái, ăn theo thương hiệu cũng phải có trách nhiệm phối hợp đấu tranh với hàng giả và tuyên truyền, thay đổi nhận thức của người dân cùng với cơ quan chức năng.
Tất nhiên, phải thừa nhận rằng, việc thay đổi nhận thức của người dân không phải một thoáng chốc, một vụ mà cần phải có thời gian dài.
Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt
Xin cảm ơn ông!