| Hotline: 0983.970.780

Lái xe chuyên trách tự ý lấy thêm tiền của chủ hàng cần phải xử lý

Thứ Ba 21/04/2020 , 05:35 (GMT+7)

Nhiều chuyên gia, đại diện doanh nghiệp nêu ý kiến sau bài viết các tài xế chuyên trách đưa hàng qua biên giới mặc sức chèn ép, thu tiền gấp đôi quy định của NNVN.

Các tài xế không được phép đưa hàng qua biên giới chỉ chờ đợi và chạy máy lạnh bảo quản nông sản. Ảnh: Nhóm PVTS.

Các tài xế không được phép đưa hàng qua biên giới chỉ chờ đợi và chạy máy lạnh bảo quản nông sản. Ảnh: Nhóm PVTS.

Giao cảnh sát kinh tế Lạng Sơn làm rõ việc "cướp cạn" ở cửa khẩu

"UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo cơ quan công an, cụ thể là Phòng cảnh sát Kinh tế trực tiếp xuống làm việc với Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn để làm rõ các vấn đề báo NNVN nêu.

Cơ quan công an cũng sẽ triệu tập các đối tượng có liên quan để xác minh, xử lý", ông Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết chiều 20/4.

Ông Trưởng nói việc xử lý cần làm thận trọng, vì có thể "có sự thỏa thuận giữa lái xe và chủ hàng" để được giao hàng nhanh. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn khẳng định cho dù là thỏa thuận dân sự giữa chủ hàng và lái xe thì điều này vẫn vi phạm quản lý về giá ở biên giới.

Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn được yêu cầu phải cung cấp toàn bộ danh sách cán bộ, nhân viên cho cơ quan công an để đối chiếu, xác minh về người đàn ông tên Phùng Ngọc Phương, người được cho là đã bỏ túi cả trăm triệu tiền "cắt phế". Trong trường hợp cần thiết, cơ quan công an sẽ triệu tập ngay ông Phương lên làm việc.

"Về mức 5 triệu mà báo nêu, đây là thỏa thuận dân sự giữa lái xe và chủ hàng. UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đứng ra hiệp thương giữa các bên, khống chế giá trần để không có chuyện ép giá. Trong thời gian tới, Lạng Sơn sẽ có văn bản trả lời cơ quan công luận và các đơn vị có liên quan", ông Trưởng nói.

Sẽ xử lý ngay

"Tỉnh đã có chỉ đạo tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa. Nếu cá nhân nào đứng ra làm tiền, gây khó dễ thì cần phải xử lý ngay", Đại tá Nguyễn Trung Thực, Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn, cho biết.

Về mức "ăn chặn" ít nhất từ 5 triệu đến 10 triệu đồng sẽ bị xử lý thế nào, ông Thực nói cần phải "dựa vào thêm các yếu tố khác", và cần "điều tra thêm".

Đại diện UBND tỉnh Lạng Sơn và công an tỉnh này đều khẳng định mức 5 triệu "không hẳn thuộc quy định quản lý phí và lệ phí", song lại chưa thể đưa ra biện pháp quản lý cụ thể, tránh hiện tượng lái xe chuyên trách có thể tha hồ bắt nạt doanh nghiệp.

Lạng Sơn đang cho thấy sự lúng túng trong khâu quản lý các lái xe chuyên trách. Nếu tiếp tục để lái xe tự do thỏa thuận với chủ hàng như hiện nay, rất khó khẳng định liệu việc "ăn chặn" có bị chấm dứt hay biến tướng sang hình thức khác, với mức phí cao hơn nữa.

Doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần được cử lái xe vào khu vực cửa khẩu

Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam nói trong cảnh dịch giã, doanh nghiệp đã phải “cắn răng chịu đựng”, Lạng Sơn không nên tận thu.

“Trong tình hình dịch giã Covid-19, các doanh nghiệp dù khó khăn vẫn cắn răng chịu đựng, vẫn làm từ thiện vì lời kêu gọi của nhiều đoàn thể.

Thiết nghĩ tỉnh Lạng Sơn nếu không hỗ trợ doanh nghiệp thì cũng đừng tận thu”, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), cho biết hôm 20/4.

Bà Thực đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn làm rõ việc thu phí 5 triệu cho mỗi lái xe nhằm chi vào việc gì.

“Điều kiện để trở thành lái xe chuyên trách là gì? Chắc chắn không thể độc quyền là hộ khẩu Lạng Sơn”, bà Thực nói.

Đại diện VIDA cũng nêu thắc mắc về các chi phí y tế tại cửa khẩu như phun khử khuẩn, sát trùng xe, trang phục bảo hộ cho lái xe chi từ nguồn nào.

“Mức 5 triệu cho 2 ngày đầu lái xe sang Trung Quốc dựa vào đâu để tính, còn tỉnh chi vào những việc gì? Nếu lái xe hưởng cả thì không thể chấp nhận vì mức 1 triệu đã là nhiều rồi”.

Để giải quyết việc doanh nghiệp xuất khẩu bị “cướp cạn” ở biên giới, bà Thực cho rằng các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có quyền cử lái xe vào khu vực cửa khẩu, bởi với mặt hàng hoa quả tươi, kinh nghiệm của lái xe là “rất quan trọng”.

Đại diện VIDA nói sự việc lái xe chuyên trách của Lạng Sơn cần được tỉnh này trả lời rõ ràng với công luận, thậm chí báo cáo Ban chỉ đạo Phòng chống Covid-19 của Chính phủ để xử lý.

“Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng cần chủ động sắp xếp với doanh nghiệp vận tải. Mặt khác, nhiều xe hàng của chủ hàng Trung Quốc đã trực tiếp mua hàng tại Việt Nam, họ có quyền đăng ký đưa lái xe Trung Quốc vào cửa khẩu làm lái xe chuyên trách”, bà Thực nói.

Lái xe chuyên trách Trung Quốc mặc đồ bảo hộ đưa hàng qua cửa khẩu Hữu Nghị. Ảnh: Nhóm PVTS.

Lái xe chuyên trách Trung Quốc mặc đồ bảo hộ đưa hàng qua cửa khẩu Hữu Nghị. Ảnh: Nhóm PVTS.

 

Xe nào đến trước phải được đăng ký trước

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết đã nắm được thông tin tài xế chuyên trách chèn ép, làm giá đối với chủ hàng xuất khẩu nông sản qua biên giới.

Chia sẻ thêm về vấn đề vận tải trong dịch bệnh, ông Quyền cho biết, từ thời điểm mới xảy ra, đơn vị đã có nhiều văn bản kiến nghị giải pháp giảm bớt khó khăn đối với ngành vận tải ô tô, đặc biệt là các doanh nghiệp vận tải xuyên biên giới bằng đường bộ (CBT).

Trong đó có công văn 05/CV-HHVT ngày 7/2 gửi Bộ Y tế, Bộ Công Thương và UBND tỉnh Lạng Sơn đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải khi vận tải hàng hóa qua biên giới Việt - Trung.

Công văn này kiến nghị Lạng Sơn miễn phí cơ sở hạ tầng trong thời gian xảy ra dịch bệnh nhằm giảm thiểu thiệt hại các doanh nghiệp vận tải CBT đang phải gánh chịu. Ngoài ra, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng kiến nghị tỉnh làm việc với Công ty Xuân Cương để có thể miễn phí lưu giữ phương tiện hay phí ra vào bến bãi trong thời gian xảy ra dịch bệnh.

Ngoài ra, tại công văn 15/CV-HHVT ngày 19/2, Hiệp hội cũng đề nghị Thủ tướng xem xét chỉ đạo các địa phương có cửa khẩu biên giới đường bộ với các nước giảm các khoản mà các phương tiện vận tải đường bộ phải nộp khi làm thủ tục tại các cửa khẩu biên giới.

Trở lại vấn đề thành lập đội lái xe chuyên trách để đưa hàng qua biên giới, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho đó là phương án phù hợp để giải quyết nhu cầu vận tải theo các yêu cầu phòng chống dịch mà Trung Quốc đưa ra. Tuy nhiên, điểm cần lưu ý là công tác tổ chức quản lý của UBND tỉnh Lạng Sơn, các đơn vị ở cửa khẩu và các bãi đậu xe.

Hiện nay, số lượng lái xe chuyên trách lên đến gần 500 người ở mỗi cửa khẩu Hữu Nghị và Tân Thanh, nếu so với lượng xe qua cửa khẩu mỗi ngày thì không phải là ít.

Theo ông Quyền, UBND tỉnh cần có chỉ đạo, tổ chức và phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị ở cửa khẩu để tối ưu hóa khả năng vận hành của chính sách lập đội lái xe chuyên trách.

"Có thể tháo gỡ vấn đề trên bằng giải pháp quản lý xe nào đến trước được đăng ký trước, từ đó, cơ quan quản lý sẽ có sự phân công cho các lái xe chuyên trách theo thứ tự trước sau. Như vậy sẽ đảm bảo không xảy ra việc lái xe và chủ hàng phải giao dịch trực tiếp, dẫn đến tình trạng chèn ép, làm giá như hiện nay", ông Nguyễn Văn Quyền kiến nghị.

Phải minh bạch khoản thu 

Theo ĐBQH Lê Thanh Vân, trong những biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19, UBND tỉnh Lạng Sơn có quyền đặt ra những giải pháp thích hợp, nhưng không được trái với các luật chuyên ngành liên quan tới vệ sinh dịch tễ, phòng chống các bệnh truyền nhiễm, phải căn cứ vào điều này đầu tiên.

Bên cạnh đó, những biện pháp này phải phù hợp với các đạo luật khác như: Luật thương mại, Luật dân sự… và cả thẩm quyền của UBND tỉnh để đặt ra những văn bản, quy định phù hợp.

“UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành văn bản phải dựa trên cơ sở hiệp thương giữa nhiều bên để thấy tổng số chi phí tối đa cho dịch vụ vận chuyển hàng hóa với điều kiện đảm bảo an toàn phòng dịch. Đó là thỏa thuận dân sự”, ông Vân nói.

Trong bối cảnh cả nước đang tăng cường phòng chống đại dịch Covid-19 như hiện nay, việc bố trí đội ngũ lái xe chuyên trách là biện pháp có tính hành chính và rất cần thiết để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh.

“UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành quy định đó thì phải giám sát chặt chẽ, phải có lực lượng giám sát, trông coi, giám sát để đảm bảo không có sự vi phạm quy định đã ban hành; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ hàng, doanh nghiệp có hàng hóa cần đưa sang Trung Quốc thông qua dịch vụ này”, ông Vân khẳng định.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nhận định, quy định của UBND tỉnh Lạng Sơn vừa là biện pháp hành chính để phòng chống dịch, vừa dựa trên thỏa thuận dân sự về mức giá trần để làm dịch vụ trung chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Do vậy, việc các lái xe chuyên trách tự ý lấy thêm tiền của chủ hàng là hoàn toàn sai và cần phải xử lý. Bên cạnh đó, sự giám sát, kiểm tra đối với đội ngũ này còn quá lỏng lẻo nên mới có những hành vi vi phạm như vậy.

“Vi phạm ở đây là của đội ngũ lái xe chuyên trách do UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức, thì cần phải xử lý đội ngũ này. Không chỉ xử lý hành chính và còn phải xử lý cả về dân sự, thậm chí phải có sự bồi hoàn cho các chủ hàng”, ông Vân nói.

Việc thu mức giá trần 5 triệu đồng/chuyến chở hàng sang Trung Quốc phải có sự tính toán hợp lý các khoản chi phí như: phương tiện chuyên chở, khấu hao xe, xăng xe, lái xe, tiền quản lý việc lưu thông hàng hóa, phòng chống dịch…

“Chi phí nào nhà nước phải sử dụng bằng kinh phí thường xuyên thì chi, còn cái nào phát sinh mới thì tính thêm.

Do đó, phải có một bảng tính toán cụ thể về việc hợp thành giá cả. Và cần phải công khai, minh bạch khoản thu đó dùng vào việc gì, bởi đây là văn bản của một cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương”, ông Vân nói.

Đối với việc UBND tỉnh Lạng Sơn đề xuất Trung ương hỗ trợ 300 tỷ đồng để đáp ứng thiết bị vật tư y tế, mở rộng đường dẫn vào các cửa khẩu, đẩy nhanh thông quan hàng hóa, ông Lê Thanh Vân cho rằng, UBND tỉnh Lạng Sơn cần giải trình được lý do, chi phí dự kiến cho những hoạt động nào và phải có dự toán chính đáng để thuyết phục cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất