Nước chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Hòa Bình có độ PH rất thấp, độ dẫn điện rất cao, hàm lương Florua cao gấp 245 đến 260 lần mức cho phép.
Ảnh: Báo Người lao động |
Trách nhiệm này thuộc về 3 người. Một là Bùi Mạnh Quốc, giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trấm Anh. Do cẩu thả nên sau khi xục sửa, Quốc đã quên xả hai đầu vào máy, khiến tồn dư hóa chất quá cao. Và dù chưa kiểm định mẫu nước nhưng Quốc vẫn bàn giao cho BV sử dụng.
Hai là Hoàng Công Lương, bác sỹ, thuộc khoa hồi sức tích cực, đơn nguyên thận. Dù là người trực tiếp ký đề xuất sửa chữa. Nhưng chưa nhận được bàn giao bằng văn bản, chưa biết nguồn nước RO số 2 có đạt tiêu chuẩn hay không, đã cho 18 bệnh nhân chạy thận. Và thứ ba là Trần Văn Sơn, cán bộ phòng vật tư- Trang thiết bị y tế, đã không làm đúng chức trách trong việc giám sát quá trình sửa chữa.
Cả ba người trên hiện đã bị CA tỉnh Hòa Bình khởi tố, bắt tạm giam để điều tra.
Cho đến nay, sự cố 8/18 bệnh nhân đang chạy thận ở BV tỉnh Hòa Bình bị chết gần như cùng một lúc, vẫn khiến cả xã hội bàng hoàng, đau xót, vì sự tổn thất quá lớn, và chưa từng xảy ra, kể cả trên toàn thế giới. Nguyên nhân thì đã rõ, là do có sự tham gia của một doanh nghiệp ngoài ngành y tế vào quá trình vận hành những thiết bị điều trị.
Sở dỹ có việc này, là do từ nhiều năm nay, ngân sách gặp khó khăn trong việc mua sắm trang thiết bị cho các bệnh viện. Vì thế mà cũng như rất nhiều ngành khác, ngành Y tế đã phải khắc phục bằng cách xã hội hóa, tức là huy động nguồn lực của toàn xã hội vào việc mua sắm trang thiết bị và cung ứng dịch vụ cho các bệnh viện và các cơ sở khám chữa bệnh của mình. Đó là một chủ trương đúng, việc này đã giúp cho các bệnh viện được trang bị và cung ứng các dịch vụ tốt hơn, nâng cao được năng lực khám chữa bệnh.
Tuy nhiên, do đặc điểm của ngành Y là liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của con người, nên việc xã hội hóa một số lĩnh vực trong ngành đòi hỏi phải có một cách làm khác hẳn. Với các doanh nghiệp, thì mục tiêu tối thượng là lợi nhuận. Vì vậy, các doanh nghiệp ngoài ngành y, một khi cung cấp trang thiết bị cũng như dịch vụ cho ngành, cũng đặt lợi nhuận lên hàng đầu.
Vì lợi nhuận, không ít doanh nghiệp sẵn sàng làm ẩu, làm giả, làm dối, mà vụ việc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh vừa gây ra tại BV đa khoa Hòa Bình là một ví dụ tiêu biểu, nhỡn tiền. Với những sự cố xảy ra ở những ngành khác, thì tổn thất cùng lắm chỉ là tiền bạc. Nhưng sự cố ở ngành Y, thì tổn thất chính là mạng sống của con người, một thứ mà không tiền bạc nào có thể mua được.
Chính vì vậy, mà việc xã hội hóa ngành y đòi hỏi phải kèm theo những chế tài đặc biệt nghiêm khắc. Và đặc biệt là phải có cơ chế chống lại lợi ích nhóm. Nếu không, thì những sự cố như ở Bệnh viện Hòa Bình sẽ còn xảy ra.