| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 04/04/2012 , 10:33 (GMT+7)

10:33 - 04/04/2012

“Lắm cha con khó lấy chồng”

Phát biểu của GS Nguyễn Lân Dũng rằng “dân ăn gì cũng sợ” chưa kịp lắng xuống thì nỗi lo khác lại ập đến: gạo nghi giả xuất hiện!

Mẫu gạo nghi ngờ đã bị làm giả
Phát biểu của GS Nguyễn Lân Dũng rằng “dân ăn gì cũng sợ” chưa kịp lắng xuống thì nỗi lo khác lại ập đến: gạo nghi giả xuất hiện!

>> Kiểm tra đại lý bị nghi bán gạo giả
>> Gạo nghi giả xuất hiện ở Hà Nội

Trước đây “gạo nilon” đã xuất hiện tại TP HCM, nhưng sau đó chìm đi và gần đây chuyện “lợn siêu nạc”; hoa quả nhiễm thuốc BVTV… đã khiến hàng triệu người dùng âu lo, thách thức ngay hai đạo luật vừa được thông qua: Luật Bảo vệ Người tiêu dùng và Luật ATVSTP.

Sở dĩ gọi là thách thức vì những dấu hỏi to đùng nói trên không thể trả lời ngay, bởi đơn giản hai ngành nông nghiệp và y tế - là 2 ngành chủ yếu chịu trách nhiệm về vấn đề này, lại phải cầu viện đến ngành thứ 3 là khoa học công nghệ. Chỉ có bộ này với việc quản lý ba Trung tâm Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng mới đủ máy móc, cán bộ chuyên môn làm thật rõ các nghi vấn về chất lượng.

Vì thế mới rõ tại sao hai đạo luật quan trọng như thế vừa đưa vào thực thi đã không phát huy hiệu quả, mà lý do đúng như PGS.TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục ATVSTP, Bộ Y tế, chỉ ra: Do không có cơ quan quản lý nhà nước duy nhất về thực phẩm!

Được biết việc “lắm cha con khó lấy chồng” này đã gây tranh cãi khi Quốc hội thảo luận Luật ATVSTP và cuối cùng phương án được thông qua, về mô hình tổ chức, vẫn giữ nguyên như Pháp lệnh ATVSTP. Tức là người tiêu dùng khi giở luật vẫn thấy quá rối: nào Bộ Công thương (quản lý năm ngành hàng), Bộ NN-PTNT (quản lý chín ngành hàng), Bộ Y tế (quản lý vài mặt hàng như thực phẩm chức năng), rồi Bộ KHCN, Bộ Công an phối hợp... Chính vì nhiều ngành quản lý như thế dẫn đến hệ luỵ khâu thì chồng chéo, khâu thì… bỏ ngỏ!

Trong khi đó ở các nước, khi xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm người dân chỉ “gõ” một cơ quan quản lý nhà nước duy nhất về thực phẩm, như ở Mỹ có Trung tâm an toàn thực phẩm và dinh dưỡng ứng dụng (thuộc Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm); ở Nhật là Cục An toàn thực phẩm (của Bộ Y tế)…

Vì thế biện pháp căn cơ sắp tới là cần quy quản lý nhà nước về VSATTP về một mối, kẻo lại xảy ra cảnh “lắm cha con khó lấy chồng”!