| Hotline: 0983.970.780

Làm gì để rừng nuôi được rừng, giữ được người?

Chủ Nhật 14/08/2022 , 11:13 (GMT+7)

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trăn trở tại sao 'rừng vàng' nhưng người giữ rừng vẫn nghèo, phải làm thế nào để rừng có thể nuôi được rừng, giữ được người.

Hội nghị thực trạng và giải pháp phát triển bền vững các vườn quốc gia tổ chức tại Cúc Phương, Ninh Bình ngày 12/8. Ảnh: Tùng Đinh.

Hội nghị thực trạng và giải pháp phát triển bền vững các vườn quốc gia tổ chức tại Cúc Phương, Ninh Bình ngày 12/8. Ảnh: Tùng Đinh.

Vừa qua, tại Vườn Quốc gia Cúc Phương, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị thực trạng và giải pháp phát triển bền vững các vườn quốc gia. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan và Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chủ trì Hội nghị.

Ngoài ra, còn có sự tham gia của nguyên Thứ trưởng Thường trực Hà Công Tuấn cùng hơn 100 đại biểu đến từ các tổ chức quốc tế GIZ, WWF, USAID, IUCN, FFI..., đại diện một số trường đại học, viện nghiên cứu, hiệp hội các vườn quốc gia; một số đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT và đại diện 6 Vườn quốc gia thuộc Tổng cục Lâm nghiệp và các Vườn quốc gia phía Bắc.

Nuôi được rừng, giữ được người

Chia sẻ tại hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định đây là dịp để cơ quan quản lý thu thập những sáng kiến, ý tưởng và cách tiếp cận mới trong vấn đề bảo tồn và phát triển rừng.

"Bảo tồn và phát triển rừng là 2 vấn đề cần có sự cân bằng, cần tìm lời giải đáp bằng những cách tiếp cận phù hợp", ông Lê Minh Hoan khẳng định.

Về thực trạng hiện nay, Bộ trưởng nêu câu hỏi tại sao gọi là "rừng vàng" nhưng người giữ rừng vẫn nghèo, tại sao chúng ta đang chăm sóc phúc lợi cho động vật trong rừng rất tốt nhưng phúc lợi cho lực lượng giữ rừng lại kém: "Tại sao vẫn để ra nhiều hơn vào?".

Theo người đứng đầu ngành nông nghiệp, điều cần thiết hiện nay là làm thế nào để rừng thực sự là "rừng vàng", rừng phải nuôi được rừng, giữ được người.

Mượn câu chuyện quyết tâm loại bỏ con bò của gia đình nghèo, Bộ trưởng gợi ý về việc phải thay đổi, phải biết buông bỏ những điều cố hữu thì mới có được thành công.

Lấy ví dụ về Phần Lan, ông Lê Minh Hoan nói về khái niệm "rừng đa dụng" của quốc gia này, từ đó nâng cao giáo dục để thấy được giá trị của rừng. "Thay vì tư duy làm du lịch để kiếm tiền thì du lịch có thể là cách để tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về tài nguyên của Việt Nam cho bạn bè thế giới. Đây có thể là cách tiếp cận tích cực, được ủng hộ và phù hợp trong giai đoạn hiện nay", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu ý tưởng.

Lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng hiện nay đang còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Báo Quảng Nam.

Lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng hiện nay đang còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Báo Quảng Nam.

Theo ông, cân đối hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững chưa bao giờ là dễ dàng cả. Câu hỏi "càng giữ nhiều rừng càng khó khăn" từ các cấp lãnh đạo địa phương vẫn chưa có lời đáp thoả đáng.

"Thi thoảng chúng ta lại gặp những bài báo, bài viết nặng lòng về người giữ rừng, về nghề giữ rừng: "lầm lũi giữ rừng, rưng rưng nước mắt", "đau đáu với rừng, gian khổ nhân lên gian khổ", "người giữ rừng nghỉ việc, đào tạo lâm nghiệp ế ẩm", hay "người rừng và giấc mơ kiểm lâm viên dang dở".", Bộ trưởng chia sẻ.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp cho rằng, giữ rừng không nên bó hẹp trong tư duy quản lý, mà cần mở rộng thành tư duy quản trị rừng. Bảo vệ rừng không nhất thiết phải đóng cửa rừng bằng mọi cách, mà cần có cách tiếp cận hài hoà, đồng bộ, tương tự như nhiều quốc gia đã làm.

Cách thức giữ rừng, quản trị rừng, bảo vệ rừng hiệu quả nhất, phải chăng là để rừng luôn rộng mở với người dân, với cộng đồng, chào đón tất cả chúng ta cùng trở về, cùng chung tay gìn giữ, bảo tồn và phát triển?

"Tất nhiên, mở cửa rừng phải gắn với những quy định cần thiết để phòng ngừa rủi ro cho rừng", Bộ trưởng lưu ý và nhấn mạnh thêm: "Kinh tế lâm nghiệp bền vững cần được quan tâm, quyết không đánh đổi tăng trưởng bằng sự suy thoái môi trường, làm mất đi đa dạng sinh học, cân bằng tự nhiên. Một cây xanh, một khu rừng không chỉ có giá trị từ ngành khai thác, chế biến gỗ, mà hơn hết, còn được xem là một nguồn lực thiên nhiên, với tính mở, tính đa dụng, đa chức năng".

Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng giao rừng cho cộng đồng, "mở cửa rừng theo quy trình chặt chẽ, chuẩn hoá" với cộng đồng, phát triển rừng bền vững dựa vào cộng đồng, có thể được xem là "chìa khoá" bảo vệ rừng hiệu quả.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, nguyên Thứ trưởng Hà Công Tuấn và lãnh đạo Vườn Quốc gia Cúc Phương tái thả gà lôi trắng quý hiếm về rừng. Ảnh: Tùng Đinh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, nguyên Thứ trưởng Hà Công Tuấn và lãnh đạo Vườn Quốc gia Cúc Phương tái thả gà lôi trắng quý hiếm về rừng. Ảnh: Tùng Đinh.

Cải thiện nguồn thu tại chỗ

Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc Vườn Quốc gia Cúc Phương cho biết: "Thành công lớn nhất của Vườn Quốc gia Cúc Phương là hợp tác quốc tế về bảo tồn loài; 3 Chương trình cứu hộ của Vườn là biểu trưng điển hình của bảo tồn ở Việt Nam, có vị thế trong bản đồ bảo tồn quốc tế. Cũng chính nhờ đó, 3 năm liền (2019, 2020, 2021), Vườn quốc gia Cúc Phương an toàn vượt qua đại dịch Covid-19, được Tổ chức Du lịch thế giới bình chọn giải thưởng "Công viên hàng đầu Châu Á".

Ông Chính cũng nêu ra một số vấn đề cần được quan tâm để phát triển các Vườn Quốc gia như tiếp tục ổn định tổ chức, chế độ phụ cấp đối với lực lượng kiểm lâm trong rừng đặc dụng vì một số cán bộ kiểm lâm trẻ trong rừng đặc dụng bắt đầu có xu hướng chuyển việc hoặc nghỉ việc.

Theo đó, ngoài gói chính sách về phụ cấp và chế độ ưu đãi ngành thì đề nghị Bộ trưởng tiếp tục quan tâm đầu tư đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ để cán bộ kiểm lâm, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ nhận diện cơ hội phát triển để yên tâm công tác.

Giám đốc Vườn Quốc gia Cúc Phương cho rằng, cần nhiều hơn nữa cơ chế đầu tư, đặt hàng để các Vườn quốc gia tổ chức nghiên cứu khoa học, xây dựng định mức, quy chuẩn, tiêu chuẩn, từ đó làm nền tảng để nâng cao trình độ, năng lực cán bộ ngành.

"Về tài chính bền vững đối với các Vườn quốc gia, Vườn Cúc Phương cho rằng để đảm bảo phát triển bền vững, cần được xem xét toàn diện tính khả thi về cơ chế phù hợp với từng điều kiện cụ thể.

Trước mắt, cần có đánh giá, tổng kết việc thực hiện tự chủ tài chính để các khu rừng đặc dụng chủ động cơ hội mở rộng nguồn thu tại chỗ từ dịch vụ du lịch sinh thái có trách nhiệm, an toàn đối với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời, đẩy mạnh dịch vụ môi trường rừng, nhất là dịch vụ giảm phát thải khí nhà kính, góp phần tăng trưởng xanh", ông Nguyễn Văn Chính chia sẻ thêm.

Hiện nay Bộ NN-PTNT đã giao Tổng cục Lâm nghiệp sớm triển khai, xây dựng Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, trong đó sẽ đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách phát triển các giá trị dịch vụ hệ sinh thái trong môi trường rừng theo hướng đa dụng, đa chức năng để tạo nguồn thu cho các Ban quản lý rừng, cộng đồng địa phương.

Trong đó, cơ chế tài chính phải tạo được động lực huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội hoá, kích thích tính năng động, sáng tạo của các Ban quản lý khu rừng đặc dụng. Nghiên cứu, sửa đổi bổ sung quy định pháp luật về lâm nghiệp, trong đó chú ý đến hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.

Không chuyển đổi mục đích rừng đặc dụng

Nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn nêu ra một số vấn đề đối với việc bảo tồn và phát triển rừng hiện nay. Thứ nhất, để khôi phục rừng sẽ áp dụng biện pháp tái sinh tự nhiên, đảm bảo được mục tiêu đa tầng, đa tán, đa dạng cho rừng. Nếu trồng mới thì phải dùng các loại cây bản địa và dứt khoát nói không với việc nhập cây ngoại lai về trồng.

Nguyên Thứ trưởng Hà Công Tuấn đóng góp các ý kiến về bảo tồn và phát triển rừng tại hội nghị. Ảnh: Tùng Đinh.

Nguyên Thứ trưởng Hà Công Tuấn đóng góp các ý kiến về bảo tồn và phát triển rừng tại hội nghị. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Hà Công Tuấn kiến nghị việc bảo tồn các vườn quốc gia phải đặt con người làm trung tâm, bởi mục đích cuối cùng là phát triển bền vững.

Theo ông, các vườn quốc gia không cần nhất nhất vườn nào cũng có trung tâm cứu hộ, cần hướng tới tái thả tự nhiên và chỉ tập trung vào các loài đặc biệt nguy cấp quý hiếm nhưng mang tính đặc hữu của Việt Nam và theo từng vùng miền.

Đặc biệt, nguyên lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhấn mạnh ý kiến đóng góp không chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng sang cho tổ chức có mục đích ngoài du lịch sinh thái.

"Cần dứt khoát quan điểm từ nay trở đi, các Vườn quốc gia, các khu rừng đặc dụng không chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng sang cho tổ chức có mục đích ngoài du lịch sinh thái, như thế mất cả chì lẫn chài", ông Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

Ngoài ra, nguyên Thứ trưởng cũng nhấn mạnh việc đầu tư nghiên cứu khoa học ở các Vườn Quốc gia, rừng đặc dụng để bảo tồn, nhân các nguồn gen quý ra những khu vực có vùng sinh thái phù hợp.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Hậu Giang: 200ha diện tích nông nghiệp được xác nhận an toàn thực phẩm

Hậu Giang khẳng định vị thế phát triển nông nghiệp an toàn với hơn 200ha được xác nhận an toàn thực phẩm, gồm chuỗi giá trị cây ăn trái, lúa gạo, thủy sản, rau màu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hải Phòng khai trương dự án Chính quyền số

HẢI PHÒNG Chiều 21/11, UBND thành phố Hải Phòng tổ chức lễ khai trương Dự án ‘Chính quyền số’ để chào mừng ngày chuyển đổi số quốc gia 2024.