Đa dạng sản phẩm du lịch là xu hướng hiệu quả với vườn quốc gia. San hô chết không thể đổ hết cho biến đổi khí hậu. Đồng Nai tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ. Nuôi cá ruộng mùa lũ lãi 10 - 12 triệu đồng/ha nhàn tênh.
ĐA DẠNG SẢN PHẨM DU LỊCH LÀ XU HƯỚNG HIỆU QUẢ NHẤT VỚI VƯỜN QUỐC GIA.
Chiều 12/8, tạiVườn Quốc gia Cúc Phương, Ninh Bình, Bộ NN-PTNT tổ chức “Hội nghị thực trạng và giải pháp phát triển bền vững các Vườn quốc gia” dưới sự chủ trì của Bộ trường Lê Minh Hoan và Thứ trưởng Lê Quốc Doanh.Hiện, cả nước có 167 khu rừng đặc dụng, tổng diện tích trên 2,3 triệu ha, trong đó Tổng cục Lâm nghiệp được Bộ NN-PTNT phân cấp giao trực tiếp quản lý 6 Vườn quốc gia có hệ sinh thái đa dạng, quan trọng, đặc trưng cho các hệ sinh thái rừng tự nhiên. Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các Vườn quốc gia tiếp tục đa dạng hoá các sản phẩm du lịch sinh thái. Trong đó, tập trung hoàn thành Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí các Vườn quốc gia giai đoạn 2021-2030. Bên cạnh đó, tiếp tục bảo vệ nguyên vẹn hệ sinh thái rừng đặc trưng, tổ chức thực hiện tốt hoạt động bảo tồn, cứu hộ, nuôi dưỡng và tái thả động vật hoang dã.
SAN HÔ CHẾT KHÔNG THỂ ĐỔ HẾT CHO BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Ngày 12/8, Đoàn công tác Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu đã làm việc Ban quản lý Vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa về công tác quản lý, thiết lập khu bảo tồn vịnh Nha Trang. Tại khu vực Hòn Mun, nơi có rạn san hộ bị chết trắng, Ban Quản lý vịnh Nha Trang, cho biết, san hô bị tẩy trắng là do biến đổi khí hậu và sâm biển gai gây nên. Theo khảo sát các nhà khoa học, một số san hô tẩy trắng có khả năng phục hồi lại mất từ 6 tháng đến 1 năm. Còn san hô bị chết thì không thể phục hồi. Trước thực trạng này, Thứ trưởng cho rằng, việc san hô chết cần có nghiên cứu đánh giá cụ thể, không thể đổ thừa hết do biến đổi khí hậu, phải nhìn vào sự thật nguyên nhân chủ quan, khách quan mới có pháp bảo tồn hiệu quả.
ĐỒNG NAI TẬP TRUNG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ
Ngày 12/8 Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai phối hợp Sở NN-PTNT, Sở KH-CN tổ chức “Diễn đàn giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ”.Theo Sở NN-PTNT Đồng Nai, phát triển nông nghiệp hữu cơ là một trong 4 nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Đến nay, Đồng Nai có 3,5ha hồ tiêu đạt chứng nhận sản phẩm hữu cơ, 600 hộ nông dân ứng dụng kỹ thuật IMO và MEVI vào sản xuất trồng trọt; hơn 100 hộ chăn nuôi, trang trại ứng dụng kỹ thuật trên để xử lý môi trường trong chăn nuôi.Đồng Nai đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích nhóm đất nông nghiệp hữu cơ đạt khoảng 1,5% trên tổng diện tích đất nông nghiệp, tương đương khoảng 33 ngàn ha. Hiện tỉnh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ, dự án đánh giá chất lượng đất nông nghiệp, đặc biệt là nghiên cứu xây dựng chính sách đặc thù về phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Theo dự báo, năm 2022, mực nước lũ ở ĐBSCL cao hơn năm ngoái từ 0,2 - 0,6 m và cao hơn cùng kỳ các năm 0,1 - 0,4 m. Mực nước sẽ tiếp tục tăng dần và đạt đỉnh cao nhất năm vào khoảng nửa cuối tháng 10. Theo đó, mực nước lũ cao được xem là mùa lũ đẹp, mang nhiều phù sa, thau rửa đồng ruộng và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân đầu nguồn với những mô hình sinh kế mùa lũ.Hiện, trên một số đồng ruộng tại ĐBSCL, những hộ dân không canh tác lúa vụ 3 sẽ xả nước vào ruộng, thực hiện mô sinh kế mùa nước nổi để nuôi cá trong ruộng lúa, nuôi tôm càng xanh và nhiều mô hình sinh kế đang được người dân thực hiện.Các loại cá được nông dân chọn nuôi là chép, rô phi, mè hoa, mè vinh và một ít cá tạp tự vào sinh sống. Nuôi cá trong ruộng tận dụng nguồn thức ăn có sẵn trong thiên nhiên như lúa chét, côn trùng, trứng ốc bươu vàng, sâu rầy, rong tảo, bèo. Theo bà con, trong thời gian nuôi khoảng 2 - 3 tháng, cá sẽ lớn khỏe và bắt đầu thu hoạch, bình quân 1ha ruộng người nuôi lãi từ 10 - 12 triệu đồng.