Thời gian gần đây, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã phát hiện ra nhiều loài mới, quý hiếm, đặc hữu tại Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà (Lâm Đồng), cụ thể:
+ Các nhà khoa học của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam và Viện Nghiên cứu Hệ gen (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và Vườn Quốc gia (VQG) Bidoup - Núi Bà đã phát hiện và mô tả một loài thực vật mới cho khoa học là loài Mộc hương Neinhuis, có tên khoa học là Aristolochia neinhuisii Do, họ Mộc hương Aristolochiaceae.
+ Các nhà khoa học Trường Đại học Đà Lạt và các trường đại học Kyushu, Tohoku, Kagoshima của Nhật Bản đã công bố 3 loài dẻ đá đặc hữu mới được phát hiện gồm: Dẻ đá Bidoup (Lithocarpus bidoupensis Ngoc & Tagane, sp. Nov); Dẻ đá Hòn Giao (Lithocarpus hongiaoensis Ngoc & Binh, sp. Nov), Dẻ đá Cổng Trời (Lithocarpus congtroiensis Ngoc & Yahara, sp. Nov).
+ Các nhà khoa học của Trung tâm Bảo tồn thực vật (Đài Loan), Viện Sinh thái học Miền Nam và VQG Bidoup - Núi Bà đã phát hiện ra 02 loài mới gồm: Thu hải đường Hòn Giao (Begonia hongiaoensis C.W.Lin, T.C.Hsu&Luu,sp.nov.); Thu hải đường Lâm Đồng (Begonia lamdongiana C.W.Lin, T.C.Hsu&Luu,sp. nov.).
+ Thuộc chi Trà my (Camellia) có 02 loài mới được công bố trên các tạp trí quốc tế chuyên ngành thực vật học là Trà hoa tí hon (Camellia flosculora Curry, V. S. Le, C. Q. Truong & V. D. Luong, sp.nov.) và Trà my Bidoup (Camellia bidoupensis Truong, Luong & Tran, sp.nov.).
+ Các nhà khoa học thuộc Viện Sinh học nhiệt đới và Trung tâm Nghiên cứu sinh quyển nhiệt đới thuộc Đại học Ryukyus (Nhật Bản) đã phát hiện ra loài thực vật mới thuộc họ Cà phê (Rubiaceae) laf Xú hương bidoup (Lasianthus bidoupensis V.S. Dang & Naiki).
+ Các nhà khoa học đến từ Liên Bang Nga, Việt Nam và các cộng sự đã công bố phát hiện 01 loài thằn lằn mới thuộc họ Gekkonidae có tên khoa học là Cyrtodactylus bidoupimontis; loài gián mới Macrostylopyga bidupi; loài nấm mới Craspedodidymum seifertii ở khu vực Giang Ly.
+ Ngoài ra, trong các đợt khảo sát về thú có sự tham gia hợp tác của Viện Sinh thái học miền nam (SIE), Viện nghiên cứu Động vật hoang dã Leibniz (Leibniz-IZW, Cộng hòa Liên bang Đức) và VQG Bidoup – Núi Bà thông qua bẫy ảnh đã phát hiện một số loài như Cầy vằn (Chrotogale owstoni) đặc hữu của dãy Trường Sơn; Mang lớn (Muntiacus vuquangensis) - loài chỉ xuất hiện ở dãy Trường Sơn và được xếp vào nhóm cực kỳ nguy cấp (CR) trong sách đỏ IUCN, Gấu chó (Helarctos malayanus), Nhím bạch tạng - nhím màu trắng, là loài rất hiếm gặp trong tự nhiên.
Theo đánh giá của Tổ chức Chim thế giới (BirdLife international), VQG Bidoup – Núi Bà là một trong 221 trung tâm chim đặc hữu của thế giới, là vùng hành làng bảo tồn đa dạng sinh học có diện tích rất rộng, tiếp giáp với VQG Chư Yang Sin (Đăk Lăk) và VQG Phước Bình (Ninh Thuận); là trung tâm, vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới LangBiang, có diện tích 275.439ha.
Theo đánh giá của nhiều nhà khoa học, VQG Bidoup – Núi Bà vẫn còn nhiều loài động, thực vật mới chưa được phát hiện. Đây là nơi lưu giữ nguồn gen tự nhiên phong phú, góp phần không nhỏ vào tính đa dạng sinh học của Việt Nam.