Đến xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh) hỏi thăm trang trại ông “Hùng cá” ai cũng biết bởi đây là một trong những trang trại lớn và hiện đại bậc nhất địa phương. Mỗi năm, trang trại cung cấp cho thị trường hàng trăm tấn cá thương phẩm, thu nhập hàng tỷ đồng.
Dẫn chúng tôi tham quan trang trại, ông Hùng cho biết, trước đây ông cũng như bao người dân nơi đây nuôi cá lồng bè trên lòng hồ Dầu Tiếng. Do các bè cá có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước nên chính quyền địa phương yêu cầu giải thể. Với kinh nghiệm sẵn có, quyết không bỏ nghề, ông thuê 1.000m2 đất gần lòng hồ để tiếp tục dựng lại sự nghiệp. Đến nay, ông sở hữu hàng chục ao nuôi cá lóc, cá rô đồng với diện tích gần 10ha.
Điểm khác biệt ở mô hình này là diện tích ao nuôi lớn, mỗi ao từ 1.000 - 2.000m2, được bao bọc bởi bờ tường xi măng tránh thất thoát nước và thủy sản nuôi. Đặc biệt, để tận dụng tối đa nguồn nước từ hồ thủy lợi Dầu Tiếng, ông Hùng đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng kênh thủy lợi nội đồng giúp dẫn và thoát nước chủ động, đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước sạch, giàu oxy để cá sinh trưởng phát triển tốt.
“Mô hình nuôi cá này không khó, chủ yếu để ý đến nguồn nước và vệ sinh nguồn nước sạch sẽ, thời gian nuôi cũng nhanh, đối với cá rô đồng khoảng 4 - 5 tháng, cá lóc từ 8 - 10 tháng, nuôi càng lâu cá càng lớn và chất lượng thịt càng dai ngon. Năm nay giá cá rô đồng thương phẩm từ 40.000 - 50.000 đồng/kg, cá lóc có thời điểm trên 60.000 đồng/kg - tăng 1,5 lần so với cùng kỳ. Với 5ha cá thương phẩm, trừ chi phí, một lứa có thể thu lãi khoảng 1 tỷ đồng. Một năm tôi nuôi 2 vụ, nếu giá cá ổn định ở mức 50.000 đồng/kg như năm nay thì gia đình tôi cầm chắc lãi to”, ông Hùng phấn khởi nói.
Theo Hội Nông dân xã Phước Minh, là xã giáp ranh với hồ thủy lợi Dầu Tiếng, phát huy lợi thế thủy lợi, từ những năm 2.000, nhiều hộ dân địa phương chuyển hướng sang nghề nuôi thủy sản để phát triển kinh tế. Bên cạnh sự cần cù, chịu khó, ham học hỏi, đổi mới sáng tạo của bà con, địa phương cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đồng thời giải ngân các nguồn vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân giúp bà con mở rộng mô hình.
Hiện toàn xã Phước Minh có hơn 100 hộ với khoảng 400ha nuôi trồng các loại thủy sản như ba ba, cá lóc, cá rô đồng, trong đó rất nhiều hộ hưởng lợi từ nguồn nước dồi dào, trong lành từ các hồ thủy lợi. Qua khảo sát nuôi cá rô đồng từ một số hộ đã thu hoạch từ đầu năm đến nay, trung bình 1.000m2 ao có thể thu lợi nhuận từ 50 - 100 triệu đồng, bà con rất phấn khởi. Hiện nay, địa phương đang khuyến khích các hộ dân tiếp tục tận dụng diện tích mặt nước để nuôi cá rô đồng.
Ông Nguyễn Trọng Khiêm - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Minh cho biết, đối với cá rô đồng, đây là loài thủy sản không mới, được nuôi ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước do thịt cá rất thơm ngon, giàu dinh dưỡng nên bán chạy, rất có giá trị.
Thêm vào đó, cá rô đồng sống tốt được ở mọi môi trường, kể cả các môi trường nước xấu, có thể nuôi nhân tạo hay tự nhiên đều được. Và dù có nuôi công nghiệp trong môi trường nhân tạo thì chất lượng cá rô đồng cũng không hề thay đổi so với cá tự nhiên. Ngoài ra, cá rô đồng còn có khả năng sinh sản lớn, cá có thể nuôi được với mật độ cao nên càng tăng thêm lợi nhuận cho người nuôi. Với giá bán tương đối cao cùng kỹ thuật nuôi khá đơn giản, nuôi cá rô đồng ngày càng được bà con nhân rộng, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
“Với việc tận dụng, phát huy lợi thế nguồn nước để nuôi cá rô đồng hiệu quả, thời gian tới, địa phương tiếp tục tạo điều kiện trong việc chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi, hỗ trợ người dân kỹ thuật để nâng cao giá trị sản phẩm”, ông Nguyễn Trọng Khiêm cho biết.