| Hotline: 0983.970.780

Làm giàu bên kênh thủy lợi [Bài1]: Công nghệ nuôi 'nhân sâm nước'

Thứ Ba 14/11/2023 , 11:17 (GMT+7)

TÂY NINH Nhờ nước sạch từ kênh thủy lợi và ứng dụng công nghệ, mô hình nuôi cá chạch lấu của anh Nguyễn Phúc Mến được xem là hướng đi hiệu quả của thủy sản Tây Ninh.

Cá chạch lấu được ví như "nhân sâm nước" bởi giàu chất dinh dưỡng. Những năm gần đây, cá chạch lấu ngoài tự nhiên dần cạn kiệt. Nhận thấy vùng đất cạnh kênh thủy lợi TN-11 thuộc phường Tân Bình, TP Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh) có nguồn nước sạch dồi dào, anh Nguyễn Phúc Mến (một kỹ sư cơ khí) quyết định đổi sang nghề nuôi trồng thủy sản và cuộc sống đã sang trang mới.

Tận dụng nước sạch từ kênh thủy lợi, anh Mến lập trang trại cá chạch lấu công nghệ cao. Ảnh: Trần Trung.

Tận dụng nước sạch từ kênh thủy lợi, anh Mến lập trang trại cá chạch lấu công nghệ cao. Ảnh: Trần Trung.

Theo anh Mến, để tìm ra mô hình nuôi trồng thủy sản hiệu quả, anh đã lặn lội khắp các tỉnh miền Tây, nơi được mệnh danh là “cái nôi” của ngành thủy sản cả nước. Khi đến Hậu Giang, anh ấn tượng với nghề nuôi cá chạch lấu và có cơ duyên đến với loài cá này từ đó.

Để nuôi chạch lấu thành công, thay vì nuôi theo phương thức truyền thống, với kiến thức cơ khí sẵn có cùng kinh nghiệm học được, anh Mến nghĩ khác và làm khác. Nuôi cá chạch lấu trong bể nổi có rất nhiều ưu điểm như người nuôi có thể quản lý được lượng thức ăn và kiểm soát được dịch bệnh, tỷ lệ thả nuôi cao hơn nhiều lần so với nuôi trong ao đất (ao đất nuôi bình quân chỉ 5 -10 con/m2 trong khi nuôi trong bể nổi từ 30 - 40 con/m2). Nhận thấy ưu điểm đó, anh Mến đã quyết định dốc toàn bộ vốn liếng vào mô hình này.

Nước sạch được lấy từ kênh thủy lợi TN-11 là yếu tố vô cùng quan trọng giúp anh Mến thành công với mô hình. Ảnh: Trần Trung.

Nước sạch được lấy từ kênh thủy lợi TN-11 là yếu tố vô cùng quan trọng giúp anh Mến thành công với mô hình. Ảnh: Trần Trung.

Theo đó, trại nuôi của anh Mến được thiết lập với quy mô bán công nghiệp, cá chạch lấu được nuôi trong ao nổi sử dụng bạt HDPE tránh làm da cá trầy xước gây tổn thương, viêm loét. Ngoài ra, anh xác định nguồn nước có vai trò quyết định toàn bộ hoạt động của nghề nuôi cá, không những là môi trường sống của cá, mà còn có các loài thủy sinh làm thức ăn cho cá. Đây cũng là yếu tố tác động trực tiếp đến tỷ lệ sống của cá, nhất là thời điểm đầu khi thả cá bột ương nuôi.

Anh Mến còn đầu tư hệ thống bể lắng kết hợp xử lý nước trước khi cho vào bể và sau khi xả thải cùng hệ thống cánh quạt tăng cường oxy giúp tỷ lệ cá sống trên 99%.

Từ 4 ao ban đầu, hiện anh Mến sở hữu gần 20 ao nổi, trong đó 10 ao cá thương phẩm, 5 ao cá giống và 3 ao lắng với hơn 500.000 con chạch lấu 3 lứa tuổi, lứa lớn nhất có 20.000 con đã gần 1 năm tuổi. Hiện giá cá thương phẩm dao động từ 200.000 - 260.000 đồng/kg, dự kiến lợi nhuận đạt 400 triệu đồng/10.000 con. 

Tuy chi phí đầu tư nuôi cá chạch lấu công nghệ cao khá lớn nhưng hạn chế được rủi ro dịch bệnh, hiệu quả kinh tế cao nhờ nguồn nước trong lành từ kênh thủy lợi. Ảnh: Trần Trung.

Tuy chi phí đầu tư nuôi cá chạch lấu công nghệ cao khá lớn nhưng hạn chế được rủi ro dịch bệnh, hiệu quả kinh tế cao nhờ nguồn nước trong lành từ kênh thủy lợi. Ảnh: Trần Trung.

“Cá chạch lấu nuôi không khó, chỉ cần nguồn nước đảm bảo thì sẽ giảm hao hụt đầu con và có lời. Tuy nhiên, chi phí đầu tư nuôi cá chạch lấu công nghệ cao khá lớn, bình quân 1ha nuôi đầu tư tới khoảng 1,5 đến 2 tỷ đồng. Do đó, trước khi nuôi bà con cần nắm vững kỹ thuật, hạn chế rủi ro”, anh Mến chia sẻ.

Anh Mến cho biết thêm, khi xây dựng thành công mô hình, nhiều nông dân từ các địa phương khác đã đến tham quan học hỏi. Không chỉ làm giàu cho bản thân, hiện trang trại của anh còn cung cấp con giống và hướng dẫn thiết kế ao nuôi, quy trình nuôi cá chạch lấu cho hơn 10 nông hộ trong và ngoài địa phương.

Nhận thấy tiềm năng của mô hình cá chạch lấu, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền về đối tượng thủy sản giá trị cao này, một số mô hình cũng đã được thí điểm tại các khu vực có nguồn nước sạch và đang cho thấy nhiều triển vọng.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh từng bước hỗ trợ nhân rộng các mô hình nuôi cá chạch lấu, tận dụng nguồn nước sạch từ kênh thủy lợi. Ảnh: Trần Trung.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh từng bước hỗ trợ nhân rộng các mô hình nuôi cá chạch lấu, tận dụng nguồn nước sạch từ kênh thủy lợi. Ảnh: Trần Trung.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh, việc phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản, trong đó có cá chạch lấu là định hướng của ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh. Mặt khác, với điều kiện thời tiết, địa hình, nguồn nước trên địa bàn tỉnh rất thuận lợi, sẽ là tiềm năng rất lớn để phát triển nuôi trồng thuỷ sản.

“Mô hình nuôi cá chạch lấu cho thấy hiệu quả kinh tế cao so với các mô hình thủy sản khác, phù hợp với những hộ dân có ít diện tích thả nuôi, có khả năng nhân rộng để phát huy lợi thế về nguồn nước. Tuy nhiên, để thành công từ mô hình nuôi cá chạch lấu, người nuôi cần có kế hoạch, chiến lược đầu tư phù hợp bởi đây là mô hình đòi hỏi vốn đầu tư lớn và kỹ thuật nuôi bài bản”, ông Hà Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh nhấn mạnh.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Nông dân lo lắng vì giá lúa đông xuân sớm giảm mạnh

ĐBSCL Hiện một số nơi tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhưng giá lúa giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất