Mỗi tháng anh Hoàn thu 30 - 40kg bông |
Anh Hoàn cho biết, năm 2016 anh bắt tay vào nghiên cứu và tìm hiểu về các mô hình làm kinh tế từ nông nghiệp ở một số tỉnh lân cận. Được bạn bè giới thiệu, anh đến huyện Văn Giang (Hưng Yên) để học hỏi cách làm, trau dồi thêm kỹ năng trồng và chăm sóc hoa hồng.
Với số vốn gần 1 tỷ đồng vay của ngân hàng, vận dụng những kiến thức đã học, anh Hoàn tiến hành đầu tư cải tạo 3ha đất trồng keo cũ, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, mua 5.000 cây giống các loại như hồng cổ Sapa, hồng Văn Khôi, hồng Bạch Cổ, hồng leo cổ Hải Phòng, hồng cổ Huế…
Qua chăm sóc, anh Hoàn đánh giá cao về sức sống của loại hoa này, phát triển rất tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ở địa phương. Hỏi về kỹ thuật chăm sóc anh cho hay, khi trồng lưu ý tỷ lệ khoảng cách giữa các cây là 2,5m giúp cho cây thông thoáng và hứng đủ ánh nắng. Đồng thời, hàng ngày tưới đầy đủ nước, thường xuyên cắt tỉa cành và sử dụng phân hữu cơ đã ủ hoai mục. Nếu cây có mắc một số bệnh như phấn trắng, rệp sáp thì dùng các chế phẩm sinh học từ gừng, tỏi, ớt ngâm rượu...
Đến thời điểm thích hợp, anh dùng phương pháp chiết cành từ cây bố mẹ để nhân giống. Nhờ vậy, không chỉ giữ lại những giống hoa tốt mà trung bình mỗi tháng, gia đình anh còn tăng thêm thu nhập từ việc xuất bán hoa giống với giá 100.000 đồng/cây.
Hồng Sapa có nhiều hoa, nhiều lớp cánh |
Tuy nhiên, nguồn thu chủ yếu của gia đình chính là từ thu hoạch bông, sản xuất ra các sản phẩm như trà hoa hồng, nước hoa hồng, mặt nạ… Anh Hoàn đã đầu tư mua máy móc chế xuất và đặt xưởng ngay gần nơi trồng hoa. Đến nay anh đã thiết lập được 20 điểm phân phối sản phẩm trên cả nước.
Nhờ tư duy nhạy bén, dám nghĩ dám làm đến nay lợi nhuận thu được từ mô hình trồng hoa hồng cổ của gia đình anh khoảng 300 – 400 triệu đồng/năm. Chỉ tay vào những cây hồng đang đơm hoa, anh Hoàn cho biết, không chỉ sản xuất các sản phẩm gia đình anh còn tận dụng cảnh quan để đầu tư du lịch sinh thái...