| Hotline: 0983.970.780

Làm ra hơn 100 sản phẩm từ cái đầu tôm

Thứ Ba 03/09/2024 , 07:47 (GMT+7)

Phụ phẩm tôm có hàm lượng các chất dinh dưỡng rất lớn, có thể chế biến ra rất nhiều sản phẩm có giá trị ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Sản lượng tôm Việt Nam hiện đạt trên 1,2 triệu tấn, nên lượng phụ phẩm cũng rất lớn. Ảnh: Sơn Trang.

Sản lượng tôm Việt Nam hiện đạt trên 1,2 triệu tấn, nên lượng phụ phẩm cũng rất lớn. Ảnh: Sơn Trang.

Việt Nam là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới. Theo Cục Thủy sản, năm 2023, sản lượng tôm nuôi ước đạt hơn 1,2 triệu tấn.

Với sản lượng như trên, lượng phụ phẩm tôm là rất lớn. Ông Phan Thanh Lộc, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Việt Nam Food (VNF) - công ty chuyên về thu gom và xử lý phụ phẩm tôm, cho biết, phụ phẩm chiếm từ 35-45% trọng lượng con tôm. Như vậy, với sản lượng tôm hơn 1,2 triệu tấn, trong năm 2023, lượng phụ phẩm tôm ở nước ta vào khoảng từ hơn 420 nghìn đến hơn 600 nghìn tấn.

Khối lượng phụ phẩm tôm lớn, nhưng hiện nay, phần lớn phụ phẩm tôm đang được bỏ đi như một loại rác thải, phần nhỏ còn lại được xử lý thô sơ thành sản phẩm giá trị thấp dùng trong chăn nuôi, sản xuất phân bón.

Trong khi đó, phụ phẩm tôm có hàm lượng các chất dinh dưỡng rất cao. Một nghiên cứu của GS.TS Trang Sỹ Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Nha Trang, cho thấy, trong phụ phẩm tôm có 48% protein, 20% chitin, 8% lipid …

Theo ông Lộc, với hàm lượng cao của nhiều chất dinh dưỡng, từ phụ phẩm tôm hoàn toàn có thể chế biến thành những nguyên liệu có giá trị cao như chitin, chitosan, dầu tôm, astaxanthin, bột khoáng, hydoroxy-apatite, bột tôm, chiết xuất tôm, nước mắm tôm, peptide tôm, chất nền hữu cơ … Những nguyên liệu này được sử dụng trong nhiều ngành hàng, lĩnh vực như dược phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm, bao bì sinh học, thức ăn chăn nuôi, nông nghiệp, xử lý nước thải …

Nông dân dùng đầu vỏ tôm làm chitosan để kháng khuẩn cho cây trồng. Ảnh: Sơn Trang.

Nông dân dùng đầu vỏ tôm làm chitosan để kháng khuẩn cho cây trồng. Ảnh: Sơn Trang.

Các nguyên liệu chiết xuất từ phụ phẩm tôm khi được sử dụng trong các lĩnh vực khác, đều làm tăng cao giá trị của phụ phẩm. Cụ thể, nếu sử dụng trong thức ăn chăn nuôi, sẽ tăng 3-5 lần về giá trị, thực phẩm tăng 5-10 lần, thực phẩm chức năng tăng 15-20 lần và dược phẩm tăng 20-30 lần.

Với niềm tin dinh dưỡng và giá trị của tôm không chỉ nằm ở thịt tôm, trong hơn 10 năm qua, VNF đã tập trung vào xử lý sản phẩm đồng hành từ tôm bao gồm đầu và vỏ tôm, từ đó tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng phục vụ nhiều ngành công, nông nghiệp khác nhau và đồng thời góp phần giảm thiểu gánh nặng môi trường của ngành tôm Việt Nam.

Hiện nay, mỗi năm, VNF đang xử lý được 35-50 nghìn tấn phụ phẩm tôm, tạo ra rất nhiều sản phẩm có giá trị. Ông Phan Thanh Lộc chia sẻ "Từ một cái đầu tôm, chúng tôi đã có thể sản xuất ra được hơn 100 sản phẩm khác nhau".

Từ phụ phẩm tôm, VNF hiện đang có 3 nhóm sản phẩm chính là polymer sinh học, nguyên liệu thực phẩm và dinh dưỡng sinh học. Các nguyên liệu chiết xuất từ phụ phẩm tôm của VNF hiện đang được ứng dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, mì ăn liền, thực phẩm chức năng, sản xuất lúa gạo … Với các giải pháp của mình, VNF đang làm tăng giá trị phụ phẩm tôm lên gấp 6-8 lần.

Tuy nhiên, VNF hiện mới chỉ tiến hành thu gom và xử lý vỏ tôm được thải ra trong quá trình chế biến tôm ở các nhà máy. Trong khi đó, ở khâu nuôi, còn một lượng rất lớn vỏ tôm được lột ra trong quá trình sinh trưởng của tôm (tôm lột vỏ rất nhiều lần trong suốt quá trình sinh trưởng). Thu gom, xử lý vỏ tôm lột là vấn đề mà hiện nay trên thế giới vẫn chưa có giải pháp nào, và VNF đang bắt tay vào việc này.

Theo ông Phan Thanh Lộc, Iceland là một điển hình về việc biến phụ phẩm thủy sản thành những sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Mỗi năm, Iceland đang đánh bắt khoảng 130 nghìn tấn cá tuyết, với kim ngạch xuất khẩu đạt 420 triệu USD mỗi năm. Trong khi đó, các sản phẩm được sản xuất từ phụ phẩm cá tuyết đạt giá trị tới 1,3 tỷ USD. Nhờ phát triển rất mạnh về xử lý phụ phẩm, hiện nay, Iceland đang sử dụng được tới 95% khối lượng thủy sản, cao hơn nhiều so với mức bình quân của thế giới là 75%. Còn ở Việt Nam, khối lượng thủy sản được sử dụng hiện mới đạt 56%.

Xem thêm
Đầm Hà hướng đến phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững

QUẢNG NINH Hiện huyện Đầm Hà có 5.656ha đất bãi triều và mặt nước biển đã được cập nhật, tích hợp vào quy hoạch tỉnh phê duyệt.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.