Giải Nobel văn chương năm nay cũng tạm ngưng không trao thưởng, vì thị phi liên quan đến quấy rối tình dục. Tại nước ta, trên các diễn đàn cũng đang nóng bỏng tranh luận xung quanh những câu chuyện nhạy cảm và éo le. KTGĐ mời nhà báo Ngô Nguyệt Hữu chia sẻ thêm vài ý kiến tích cực và thiện chí!
Nhà báo Ngô Nguyệt Hữu |
Thưa nhà báo Ngô Nguyệt Hữu, phong trào chống lại vấn nạn quấy rối tình dục với từ khóa “me too - tôi cũng vậy" từ Mỹ đã lan rộng khắp thế giới. Những ngày vừa qua, tại nước ta, xu hướng “me too” cũng thúc giục nhiều người lên tiếng. Theo anh, làn sóng này có ý nghĩa như thế nào?
Chúng ta luôn rất chậm so với thế giới trong nhiều xu hướng của văn minh, “me too” là một ví dụ. Thế nhưng, chậm vẫn tốt hơn là không có. Khi mà một sai trái được đưa ra ánh sáng của công luận, tôi nghĩ luôn có tác dụng tốt. Họ làm cái xấu, cái sai vì họ tin rằng hành động của họ là bí mật, là không ai biết (nhất là người thân, gia đình, đồng nghiệp). Còn giờ không còn bí mật nữa, tức là cái khiên chắn cho sự sai trái đã bị phá vỡ, họ sẽ hoảng sợ mà suy nghĩ đến hậu quả khi manh nha có ý định xấu. Thêm nữa, những phong trào này sẽ có tác động đến nhận thức của nạn nhân - những người bị quấy rối, xâm hại. Cho họ thêm dũng cảm để đấu tranh, để lên tiếng. Chúng ta đều biết, cái xấu chỉ hiện hữu và trở nên lớn mạnh khi tất cả đều im lặng.
Sau khi một tờ báo ra thông cáo quyết tâm xử lý một nghi án hiếp dâm xảy ra trong nội bộ, thì dư luận lại tiếp tục xôn xao về vũ công Phạm Lịch tố cáo ca sĩ Phạm Anh Khoa đã gạ tình mình bằng những lời lẽ tục tĩu và đặt cho cô biệt danh thô thiển trong quá trình họ cộng tác với nhau tại chương trình thực tế “Trời sinh một cặp” trên sóng VTV. Thực hư chưa biết, nhưng có thể xem đây như một tín hiệu chống lại sự im lặng đáng sợ không?
Một tín hiệu của hy vọng chăng? Có thể là vậy. Chuyện quấy rối tình dục xưa nay vốn không mới, không lạ. Nếu không muốn nói là vô cùng bình thường ở những môi trường thuận lợi. Có một điều đáng tiếc chính là tư duy của một bộ phận vẫn thường thích lối cảm thán không có lửa sao có khói”. Khói lửa gì ở đây khi mà một người bị quấy rối chính là một nạn nhân, mà có nạn nhân nào lại đốt lửa cho có khói bao giờ hay không? Tôi luôn ủng hộ sự lên tiếng trong chuyện này, phải hiểu một cách nhất quán, hôm nay người khác bị quấy rối ngày mai nạn nhân có thể là bạn. Phải ý thức rõ như vậy thì mới phản kháng hiệu quả trước những kẻ bản năng, những kẻ lệch lạc tính dục.
Quấy rối tình dục không dễ tìm bằng chứng và cũng vấp phải tâm lý e ngại thường trực của phái nữ. Và lẽ thường, người bị tố cáo sẽ chối bay chối biến, dù lắm phen tình ngay mà lý chưa hẳn đã ngay. Ví dụ, khi vũ công Phạm Lịch vừa phát pháo, thì ca sĩ Phạm Anh Khoa phản pháo: "Đó là cáo buộc gian dối, mang tính suy diễn vô căn cứ và có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự của bà Phạm Lịch".
Đúng vậy. Quấy rối thật ra có nhiều dạng, không đơn thuần là sự va chạm thể xác mới là quấy rối. Một tin nhắn khiêu khích, một câu nói hay hành động khiêu gợi có chủ đích… cũng là quấy rối. Sự tìm chứng cứ như anh nói là nhận định rất chính xác nhưng điều đó không có nghĩa là không thể nào tìm ra chứng cứ. Đáng tiếc là những vụ việc này thay vì phản ánh đến cơ quan công an trước, thì nhiều người lại chọn phản ánh với báo giới đầu tiên, trong lúc nếu làm song song sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.
Ảnh minh họa |
Một trong những ưu điểm của phong trào “me too” trong kỷ nguyên số là tính kết nối đồng cảm. Để tiếp sức cho vũ công Phạm Lịch, thì vũ công Nga My cũng “bồi” thêm cho ca sĩ Phạm Anh Khoa một cú cảnh tỉnh nữa bằng cách tự nhận mình cũng từng là nạn nhân: “Lúc đầu tôi không muốn nói ra, nhưng khi chứng kiến chị Phạm Lịch nói và nhận rất nhiều lời chỉ trích, xúc phạm, tôi nghĩ nếu là mình thì mình cũng không chịu được. Nên tôi muốn lên tiếng để mọi người hiểu rằng chị Phạm Lịch cũng là một vũ công đã có tiếng trong nghề, chị ấy không việc gì phải dùng câu chuyện này để đẩy mình lên”. Anh bình luận gì chăng?
Quan điểm cá nhân của riêng vụ Phạm Anh Khoa, tôi tin vào chị Phạm Lịch cũng như chị Nga My. Thật kỳ lạ là những người hoạt động trong showbiz ắt hẳn không xa lạ gì với tính cách của Phạm Anh Khoa nhưng họ lại không lên tiếng, cứ im lặng một cách, theo tôi là tàn nhẫn. Trong bối cảnh hiện tại, một vụ tố cáo xâm hại kiểu này không còn là chiêu trò hiệu quả nữa, nó quá cũ và nhàm chán. Thế nên, tôi tin vào sự thật trong câu chuyện của chị Phạm Lịch và chị Nga My. Họ là những cô gái dũng cảm.
Nếu người bị tố cáo quấy rối tình dục là đối tượng đã yên bề gia thất, thì sự tổn thương ghê gớm nhất lại nằm ở phía… những người vợ. Thiên hạ nói chồng mình như thế, bỏ thì thương vương thì tội, đành chấp nhận trong héo ngoài tươi mà vuốt ve dăm câu ngọt lạt cho đấng phu quân thích những quan hệ bay bổng quá trớn. Những người vợ như vậy, đáng thương hay đáng trách?
Thật tinh tế với câu hỏi này mà cũng thật khó để trả lời câu hỏi này. Cái quan niệm xấu chàng hổ thiếp ấy nó như một ám ảnh truyền đời đối với người phụ nữ của đất nước mình. Quan trọng hơn nữa, lắm khi lời nói dối của ông chồng lại là điều cứu rỗi cho sự thật mà người vợ kia đã biết chắc. Cũng không biết là đáng thương hay đáng trách, nhưng sự tổn thương hẳn sẽ xuất hiện và lưu ngụ ở đó mãi mãi trong nếp nghĩ của người vợ. Mặc dù, thương chồng, chiều chồng và đồng lõa với cái sai cũng là ranh giới mong manh lắm.
Để chấm dứt tệ nạn quấy rối tình dục, có lẽ không phải chuyện một sớm một chiều. Tuy nhiên, để hạn chế ít nhiều, thì theo anh phải có những giải pháp gì?
Nhất thiết phải có sự vào cuộc của cơ quan điều tra thôi, ngoài việc lên án mạnh mẽ thì cơ quan điều tra phải ý thức lại về những vụ việc như thế này. Tiếp đến là luật định, cái này vĩ mô lắm, nhiều lúc các Đại biểu Quốc hội cũng không để ý đến đâu. Nên hiện tại trong khi chờ những điều tôi vừa kể, thì tốt hơn hết những nạn nhân vẫn phải tự thân vận động và mạnh mẽ lên tiếng tố cáo vậy. Và những người xung quanh cũng phải xác tín quấy tối tình dục và một hành vi ghê tởm, đê hèn.