| Hotline: 0983.970.780

Làm thế nào để tháo gỡ cho một dự án chăn nuôi theo chuỗi?

Thứ Sáu 29/10/2021 , 11:45 (GMT+7)

Cầm con gà trống lai Đông Tảo chân to nhưng lại có mào cờ, anh bảo đầu tiên chỉ có 1 cặp giống mang đặc tính ấy, sau đó từ từ mới nhân dần lên.

Từ chân đất đi lên

Để đến bây giờ đàn gà nhà anh gần như 100% đều có mào cờ, khi trưởng thành, con trống 100 ngày đạt 2,7-3 kg, con mái đạt 2,3 kg, thịt ăn thơm ngon và đậm đà chẳng kém dòng Đông Tảo thuần là mấy. “Nhất giống”, trong trồng trọt cũng như trong chăn nuôi, xuất phát điểm đều là phải có giống tốt. Khỏe mạnh, lớn nhanh, ít tiêu tốn thức ăn, mã đẹp, thịt ngon, để đạt được những tiêu chí đó là khá hiếm khiến cho anh từng dạt dào hi vọng về một mô hình sản xuất chuỗi với giống gà lai Đông Tảo này.

Tôi biết Đặng Đình Tiên, Giám đốc Công ty Cổ phần Tiên Viên cách đây hơn 10 năm, hồi anh vẫn còn là một nông dân chăn gà đẻ với quy mô vừa phải ở thôn Đại Phẩm, xã Đại Yên (Chương Mỹ, TP Hà Nội). Rồi trải qua bao thăng trầm, sóng gió của các đợt cúm gia cầm H5N1, các đợt thị trường lên xuống, anh vẫn đứng vững. Mấy năm trước, nghe phong thanh về dự án: “Xây dựng nhà máy giết mổ gia cầm và chế biến thực phẩm theo chuỗi liên kết từ sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm” của anh, tôi đã cả mừng…

Anh Tiên bên giống gà Đông Tảo lai có mào cờ. Ảnh: NNVN.

Anh Tiên bên giống gà Đông Tảo lai có mào cờ. Ảnh: NNVN.

Sau sáp nhập Hà Tây với Hà Nội, lĩnh vực chăn nuôi của Thủ đô hiện đứng đầu các tỉnh đồng bằng sông Hồng và đứng trong tốp đầu cả nước với tổng đàn trâu 25.351 con; đàn bò 129.539 con; đàn lợn 1.869.000 con; đàn gia cầm 30.014.000 con. Tuy nhiên, nghề nuôi gia cầm vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, thiếu quy hoạch tổng thể và không đảm bảo theo liên kết chuỗi. Hệ lụy là khó quản lý kiểm soát, truy xuất nguồn gốc, không đảm bảo tính ổn định về chất lượng cũng như số lượng sản phẩm có thể cung cấp liên tục.

Tiếng là Thủ đô nhưng người tiêu dùng vẫn giữ thói quen ăn “thịt nóng”. Loại “thịt nóng” này sau khi giết mổ, bảo quản, bày bán ở nhiệt độ ngoài trời sẽ ngay lập tức bị giảm chất lượng do hoạt động của vi sinh vật, dễ bị nhiễm khuẩn Ecoli, Salmonella... Còn ngược lại là “thịt mát”, được xử lý làm mát từ 0-4 độ C trong thời gian khoảng trên dưới 20 giờ sau khi giết mổ rồi đóng gói, bảo quản lạnh để kìm hãm sự phát triển của vi sinh vật, duy trì được một số enzyme giúp thịt tươi ngon và giữ trọn chất dinh dưỡng.

Giết mổ ở Hà Nội theo dạng nhỏ lẻ, thủ công và lạc hậu với các máy móc khá thô sơ, trực tiếp trên nền nhà, không có móc treo, không có ranh giới giữa khu nhốt gia súc, công nhân hầu hết không được khám kiểm tra định kỳ. Các chất thải, nước thải như nước tiểu, phân, máu, mỡ, phủ tạng được đổ thẳng ra cống rãnh, ao hồ gây ô nhiễm môi trường và lây lan mầm bệnh cho người và gia súc.

Máy đóng gói trứng. Ảnh: NNVN.

Máy đóng gói trứng. Ảnh: NNVN.

Thêm vào đó, công đoạn vận chuyển từ nơi giết mổ đến nơi tiêu thụ đều không có phương tiện chuyên dụng mà phần lớn là trên xe gắn máy, không được che đậy, vừa mất vệ sinh, vừa mất mỹ quan thành phố. Việc kiểm soát về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vì thế mà còn gặp nhiều vấn đề.

Trước thực trạng trên, công ty của anh Tiên đã đề xuất được triển khai Dự án “Xây dựng nhà máy giết mổ gia cầm và chế biến thực phẩm theo chuỗi liên kết từ sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm" tại xã Đại Yên huyện Chương Mỹ với tổng vốn đầu tư 99 tỷ đồng. Khu đất 7.971m2  của dự án có vị trí cách các khu dân cư, trường học, chợ, bệnh viện và những nơi sinh hoạt công cộng, trục đường giao thông liên tỉnh, liên huyện hơn 200m, đủ đảm bảo để xây dựng cơ sơ giết mổ theo quy định hiện hành.

Dây chuyền giết mổ gia cầm là của Pháp, công suất thiết kế tối đa 1.000 con/giờ, 7.500 con/ngày tương đương 3.400 tấn/năm, công nghệ khép kín, đi theo một chiều để cho ra sản phẩm cuối cùng là sạch. Tất cả chất thải, nước thải đều được xử lý theo đúng kỹ thuật và thân thiện với môi trường.

Để đảm bảo đầu vào nguyên liệu cho nhà máy được ổn định, kiểm soát chặt chẽ mọi công đoạn, công ty của anh Tiên sẽ xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu liên kết theo chuỗi từ giống, thức ăn chăn nuôi, kỹ thuật chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi, thuốc thú y đến thời gian xuất bán. Đồng thời, để đảm bảo cung cấp số lượng lớn và liên tục, đơn vị còn lên kế hoạch phát triển các trang trại chăn nuôi với quy mô lớn, tập trung từ 5.000 – 10.000 gà/trại đảm bảo tiêu chuẩn Vietgahp và hướng tới hữu cơ tại huyện Chương Mỹ và các vùng lân cận.

Cận cảnh trứng gà của anh Tiên. Ảnh: NNVN.

Cận cảnh trứng gà của anh Tiên. Ảnh: NNVN.

Mong muốn được tiếp tục dự án

Cũng theo anh Tiên, sản phẩm đầu ra của nhà máy không chỉ là con gà sạch đã qua giết mổ dạng móc hàm thông thường mà còn nhiều sản phẩm khác mang tính chế biến chuyên sâu như nước cốt gà, hạt nêm từ thịt gà… Một hệ thống bán hàng cũng được anh thiết lập, hướng tới là các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối, khách sạn, nhà hàng,  bếp ăn trường học bán trú, khu công nghiệp, công ty...

Nhưng khi tôi đến, cái nhà máy trong kế hoạch của anh Tiên ấy vẫn chỉ là đám đất không, cỏ cây mọc đầy. Anh buồn bã bảo: “Ai cũng phải ăn nhưng hiện nay những quan tâm đến ngành nông nghiệp là chưa đủ, các chính sách có quá nhiều nhưng chưa mấy cái đi vào được trong cuộc sống. Bởi thế, chưa thể thúc đẩy quá trình sản xuất theo chuỗi cho tương xứng với tiềm năng.

Kiểm tra trứng trước khi xuất bán. Ảnh: NNVN.

Kiểm tra trứng trước khi xuất bán. Ảnh: NNVN.

Dự án nhà máy giết mổ của tôi đang gặp vướng mắc nhất là đất đai. Lãnh đạo thành phố từng rất ủng hộ, giao cho các sở, ban ngành liên quan để thực hiện. Tuy nhiên, hướng dẫn bên dưới lại không cụ thể để có thể thực hiện được. Đất công, họ hướng dẫn phải đấu thầu, mà đấu thầu thì phải xây dựng cơ sở hạ tầng theo đặc thù riêng, không theo mô hình thiết kế như ban đầu của tôi, sẽ đội giá lên rất nhiều, không thể làm được. Bởi thế mà mảnh đất gần 1 ha dành sẵn cho dự án đang phải bỏ không mấy năm nay, hiện đang bị người dân canh tác xâm lấn cả vào”.

Khi nhà máy không thành, đầu ra không có, mọi thứ còn lại của chuỗi sản xuất thành ra dang dở. Quy mô trang trại của anh Tiên từng có hơn 72.000 con gà trong đó cả gà hậu bị, gà giống, gà đẻ trứng thương phẩm và gà thịt. Với con giống, chủ lực là dòng lai Đông Tảo và lai chọi thì dịch Covid 19 hai năm vừa qua đã khiến cho thị trường tiêu thụ bị đứt gãy. Gà giống thường xuyên phải hủy, có lúc mỗi tuần tới 60.000 con, phần bởi không lưu thông được, phần bởi theo giá trị chuỗi gà thịt phải xuất chuồng được thì các trại mới dám nhập gà giống về.

Với mảng giết mổ, anh đang phải thuê bên ngoài nên chi phí rất cao, do đó chưa đáp ứng được các đơn hàng lớn, không mở rộng quy mô được. Còn  với quả trứng thương phẩm, anh liên kết với 30 trang trại chăn nuôi vệ tinh trên địa bàn huyện Chương Mỹ để duy trì quy mô nuôi trên 100.000 gà đẻ. Anh còn đầu tư hạ tầng khu sơ chế, đóng gói sản phẩm, công suất 200.000 quả trứng mỗi ngày. Cũng do Covid 19 triền miên, các nhà máy, xí nghiệp, trường học phải đóng cửa, thêm vào đó là biến động của thị trường tiêu thụ khiến cho anh có thời điểm phải bán trứng với giá 1.100đ/quả, ở dưới mức giá thành sản xuất. Trong khi đó, theo giá trị chuỗi, anh vẫn phải cam kết thu mua của nông dân và các HTX với giá đã thỏa thuận trước đây là 1.550đ/quả. Lỗ lại chồng thêm lỗ.

Không thể cầm cự được thêm nữa nên vừa qua anh Tiên phải chuyển khâu chăn nuôi lại cho người khác, chỉ còn rút về mỗi vận hành xưởng sơ chế, thu mua, đóng gói sản phẩm trứng rồi cung ứng ra thị trường. Nhưng anh vẫn không nguôi hi vọng một ngày, dự án sẽ được các sở, ngành tham mưu với thành phố hỗ trợ các vấn đề liên quan đến thủ tục cấp phép xây dựng và kết nối các nguồn vốn hỗ trợ để có thể khép kín chuỗi chăn nuôi như kế hoạch.

Dự án của anh Tiên nếu được thực hiện sẽ hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm: sản xuất con giống – chăn nuôi theo tiêu chuẩn Vietgahp – giết mổ, bảo quản, vận chuyển, phân phối theo tiêu chuẩn ISO22000/HACCP tạo ra sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng ổn định, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo vệ sinh môi trường, xây dựng thương hiệu vững mạnh, uy tín tới người tiêu dùng.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Thái Nguyên có 240 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP

Trong số các sản phẩm OCOP của Thái Nguyên, có 155 sản phẩm đạt 3 sao, 83 sản phẩm đạt 4 sao và 2 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia.