| Hotline: 0983.970.780

Lạm thu đầu năm, phớt lờ chỉ đạo của ngành giáo dục

Thứ Sáu 18/10/2019 , 14:11 (GMT+7)

Cho dù ngành giáo dục đã có văn bản quy định các khoản không được thu đầu năm học, nhưng lạm thu vẫn là vấn nạn với các bậc phụ huynh.

Đặc biệt, ngành giáo dục đã cấm vận động phụ huynh góp tiền đầu tư cơ sở vật chất, song phụ huynh vẫn è cổ đóng góp.
 

Điều hòa phục vụ ai?

Theo nhiều phụ huynh có con đang học tại Trường mầm non Hoàng Động (xã Hoàng Động, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng), đầu năm học 2019-2020, phụ huynh được các cô giáo thông báo nhà trường có chủ trương lắp đặt điều hòa phục vụ cho các cháu học tập.

15-51-05_4
Trường Mầm non Hoàng Động.

Cụ thể, mỗi phòng học sẽ lắp 2 chiếc điều hòa, một chiếc nhà trường trích ngân sách lắp đặt, còn một chiếc phụ huynh tự đóng góp trị giá khoảng 14 triệu đồng. Lớp nào phụ huynh đồng ý đóng tiền thì sẽ triển khai lắp điều hòa ngay, không đồng ý thì để lại.

Một phụ huynh có con học lớp 3 tuổi cho biết, cô giáo chủ nhiệm thông báo mỗi phụ huynh phải đóng 600 nghìn đồng để lắp điều hòa phục vụ các con. Các phụ huynh khi đóng tiền cho cô giáo được ký vào giấy nộp tiền nhưng không có biên lai thu tiền.

Bà C. (có cháu học lớp 5 tuổi) tại Trường mầm non Hoàng Động cho biết, các phụ huynh lớp cháu bà được vận động đóng 600 nghìn đồng, trong đó 500 nghìn là tiền điều hòa và 100 nghìn tiền điện. Tuy nhiên, lớp cháu bà C. đến nay chưa được lắp điều hòa vì các phụ huynh chưa đồng ý với mức thu trên.

Các phụ huynh cho rằng, các cháu học lớp 5 tuổi, sang năm lên lớp một, nếu lắp điều hòa sẽ rất lãng phí bởi thời gian sử dụng điều hòa chỉ còn vài tháng.

Trả lời câu hỏi của PV Báo NNVN về phản ánh nêu trên, bà Bùi Thị Thanh Hương, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoàng Động cho rằng nhà trường kêu gọi phụ huynh đóng góp để lắp điều hòa cho trường. Việc lắp điều hòa là do phụ huynh thực hiện, tự hạch toán và chi trả kinh phí, nhà trường chỉ tiếp nhận lại của phụ huynh.

Bà Hương đã cung cấp cho phóng viên đơn xin đề nghị của các phụ huynh. Trong đơn, sau khi được Ban Giám hiệu nhà trường, giáo viên chủ nhiệm “tạo điều kiện” cho lắp điều hòa, phụ huynh phải chịu mọi kinh phí và các phát sinh tiền điện kèm theo. Và sau khi lắp xong, phụ huynh có viết là tặng lại nhà trường để nhà trường quản lý và sử dụng.

Còn ông Bùi Thế Hiệp, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Thủy Nguyên khẳng định: Phòng chưa nhận được báo cáo của Trường mầm non Hoàng Động về việc phụ huynh “tự nguyện” đóng góp lắp điều hòa tại phòng học.

Ông Hiệp cho biết, đầu năm học 2019-2020, UBND và Phòng GD-ĐT huyện Thủy Nguyên đã có văn bản gửi các trường nêu rõ, nghiêm cấm việc huy động đóng góp đầu năm để mua sắm cơ sở vật chất.
 

Tự nguyện hay bắt buộc?

Trong khi đó, tại trường Tiểu học Tráng Việt B (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, TP Hà Nội), nhiều phụ huynh hết sức bức xúc trước các khoản thu bất hợp lý mà để cơ sở vật chất của trường xuống cấp nghiêm trọng, bàn học sinh bung, gãy, ghế thì xộc xệch, suất ăn không đầy đủ, nhà vệ sinh bẩn... Đặc biệt là các khoản thu tiền điều hòa và máy chiếu là giọt nước tràn ly khiến phụ huynh kêu đến UBND huyện Mê Linh.

15-51-05_tieu_hoc_trng_viet_b
Trường Tiểu học Tráng Việt B.

Theo hóa đơn, tiền chi cho việc mua và lắp điều hòa cho 1 phòng học khoảng 24 triệu đồng. Nhưng mỗi học sinh vào lớp 1 đều phải đóng 900 nghìn đồng/cháu. Với mức này, số tiền mỗi lớp (40 học sinh) 36 triệu đồng, thừa nhiều so với thực tế.

Tiền mua máy chiếu cũng trong tình trạng tương tự, thu thừa nhiều so với giá trị của máy. Các khoản này đều không phải là khoản thu bắt buộc mà thuộc diện tự nguyện. Các bậc phụ huynh cho biết, 3 năm nay, học sinh lớp 1 nào vào trường cũng phải đóng ngay từ thời điểm học hè.

“Chi hội trưởng yêu cầu đóng sớm để nộp cho các cháu, không hề nói là tự nguyện hay bắt buộc. Chỉ đến khi phụ huynh họp thắc mắc tại sao tiền mua thiết bị không được công khai và mua bao nhiêu, còn bao nhiêu thì lúc đấy nhà trường mới bảo phải tài trợ cho nhà trường thì các cháu mới được sử dụng”, một vị phụ huynh trường Tiểu học Tráng Việt B phản ánh.

Nhiều phụ huynh còn cho biết, các cháu ở trường phản ánh thời gian các cô sử dụng máy chiếu để giảng dạy rất ít, thậm chí không sử dụng, trong khi lớp nào cũng trang bị máy chiếu đắt tiền. Trả lời báo chí ông Lê Viết Thành, Hiệu trưởng cho biết, việc thu tiền mua điều hòa và máy chiếu là do ban phụ huynh thống nhất và thu, không công khai tài chính các khoản mua này thì lỗi không thuộc trường.

Ông Hoàng Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết “về việc mua các thiết bị điều hòa, máy chiếu chưa được công khai, minh bạch rõ ràng trong ban phụ huynh với nhau và trong ban giám hiệu nhà trường. Nếu như các phụ huynh không đồng thuận thì phải hoàn trả lại tiền đóng góp”, ông Tuấn khẳng định. Các phụ huynh cho biết là họ sẵn sàng đóng góp để lắp điều hòa miễn là các khoản thu, chi được hợp lý và minh bạch.

Các khoản thu đầu năm chưa đúng quy định

Hội phụ huynh trường tiểu học Tráng Việt B cho biết, vào đầu năm học, mỗi phụ huynh có con vào lớp 1 tại trường đóng 900 nghìn đồng phí điều hòa; 600 nghìn đồng phí máy chiếu; 500 nghìn đồng thiết bị bán trú (riêng thiết bị bán trú đóng 5 năm).

Song, thiết bị máy chiếu đã được học sinh các lớp tốt nghiệp 3 năm trước để lại, nhà trường không phải lắp đặt đồ mới. Riêng năm học này, có 3 chiếc máy chiếu bị hỏng nên mới phải thay. Thế nhưng, 2 năm nay phụ huynh nào có con vào lớp 1 cũng phải đóng khoản tiền mua máy chiếu.

Xem thêm
Hà Lan sẵn sàng giúp Việt Nam đạt mục tiêu về xuất khẩu nông sản

Trưa 19/3, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan họp song phương với đoàn công tác Hà Lan do Bộ trưởng Chính sách Tự nhiên và Nitơ Christianne van der Wal dẫn đầu.

Đồng Tháp đặt mục tiêu thành tỉnh kiểu mẫu nông nghiệp sinh thái

Mục tiêu là biến Đồng Tháp trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực nông nghiệp và trở thành trung tâm nông nghiệp, du lịch sinh thái của vùng ĐBSCL.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Rủ nhau đi hái lộc rừng

Quảng Bình Cứ vào tháng Ba hàng năm, nhiều người dân sống ở các xã Quảng Kim, Quảng Châu, Quảng Hợp (Quảng Trạch, Quảng Bình) rủ nhau lên rừng hái dâu và có nguồn thu đáng kể.