| Hotline: 0983.970.780

"Làn sóng" tiếp thị thịt ngoại

Thứ Năm 13/10/2011 , 12:04 (GMT+7)

Chỉ tính từ tháng 9/2011 đến nay, VN đã đón tiếp hàng chục DN của châu Âu và Mỹ trực tiếp bay sang “tiếp thị” thịt gia súc, gia cầm.

 * 6 năm, thịt ngoại vào VN tăng gấp… 140 lần!

* Có thể kiện thịt ngoại bán phá giá?

Chỉ tính từ tháng 9/2011 đến nay, VN đã đón tiếp hàng chục DN của Tổ chức các nhà sản xuất thịt châu Âu (UPEMI) và Hội đồng XK gia cầm và trứng của Mỹ (USAPEEC) trực tiếp bay sang tận VN “tiếp thị” thịt gia súc, gia cầm. Trong bối cảnh đó, hàng triệu nông dân yếu ớt tại VN đang phải “đấu tranh” để sinh tồn khi giá gà tiếp tục giảm sâu, thua lỗ, phá sản hàng loạt…

6 NĂM, THỊT NHẬP TĂNG GẤP… 140 LẦN!

Theo tìm hiểu của NNVN, vào thời điểm trước năm 2005, thịt gà ngoại gần như không có mặt tại thị trường VN bởi đặc điểm thịt bở, không hợp “gu” của người dân nước ta. Tuy nhiên, đại dịch cúm gia cầm bùng phát năm 2005, càn quét đàn gia cầm trong nước, đã khiến các DN kinh doanh thịt trong nước chớp được cơ hội “vàng” để nhập thịt ngoại.

Năm 2005 cũng đánh dốc cột mốc trong quan hệ làm ăn giữa DN VN với DN XK thịt của Mỹ bằng sự kiện: Có tới 21 công ty chế biến và kinh doanh gia cầm Mỹ, trong đó có các công ty lớn như Tyson Foods, Case Farms, Claxton Poultry... tình nguyện quyên góp 45 tấn thịt gà đông lạnh tặng không cho người dân VN để… dùng thử! Với tâm lý e ngại thịt “nhà” vì dịch cúm gia cầm, lập tức sản phẩm gà đông lạnh vừa bở, vừa nguội đã được người dân VN tiếp nhận.

Ngay sau đó, đã có khoảng 50 tấn thịt gà của Mỹ được nhập về, mở đầu cho chiến dịch gia cầm ngoại ồ ạt đổ vào VN. Sang năm 2006, mỗi tháng có khoảng 100 – 200 tấn thịt gà Mỹ nhập về và sang năm 2007 sản lượng đã tăng vọt lên 1.000 – 2.000 tấn/tháng. Đến năm 2011, con số này đã nhanh chóng đạt mức “khủng” với trên 7.000 tấn/tháng đổ bộ vào VN. Nhìn vào số liệu trên, người ta không khỏi giật mình bởi chỉ trong vòng 6 năm, thịt gà ngoại (gần 90% là gà Mỹ) vào VN đã tăng gấp 140 lần! Chỉ tính riêng năm 2010, lượng thịt gà, bò, heo của Mỹ vào VN đạt tới 235 triệu USD; còn 9 tháng đầu năm 2011 cũng đạt gần 200 triệu USD! 

Cuối tháng 9/2011, hàng trăm DN Mỹ, EU bay đến tận VN để tiếp thị bán thịt gà, heo, bò

Nhận thấy rõ tiềm năng từ bước “đại nhảy vọt” về sản lượng thịt gia cầm XK vào VN, các DN kinh doanh, chế biến thịt từ Mỹ cho đến EU đều lần lượt tìm đến tận VN để tiếp thị, quảng bá và tìm đối tác nhập khẩu. Đỉnh điểm của chiến dịch này là vào cuối tháng 9/2011, Hội chợ quốc tế Food & Hotell VN (Hội chợ thực phẩm lớn nhất Đông Nam Á) đã chứng kiến tới 74% là DN ngoại (trong tổng số 373 DN tham gia) đến VN tiếp thị nông sản thực phẩm, chủ yếu là thịt heo, bò, gà. Riêng Hoa Kỳ, nước XK thịt lớn nhất vào VN giành hàng chục gian hàng để giới thiệu sản phẩm thịt heo, bò, gà của mình. Kế bên, các DN XK thịt của Đức cũng giành hơn chục gian hàng để tiếp thị “hương vị thịt của nước Đức” đến người dân VN. Quyết tâm giành thị trường VN càng được khẳng định thêm khi trực tiếp 2 Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ và Đức đều có mặt cùng với đoàn tháp tùng là hàng chục DN kinh doanh thịt và nông sản đến quảng bá, tìm cơ hội XK sản phẩm heo, bò, gà vào VN.

CÓ THỂ KIỆN THỊT NGOẠI BÁN PHÁ GIÁ?

Chưa bao giờ, người chăn nuôi gia cầm tại VN phải chứng kiến tình trạng: Chỉ trong vòng 2 tháng, giá gà giảm gần 50%! Đứng trước tình cảnh này, nhiều người có trách nhiệm đổ vấy do nhiều nguyên nhân, nhưng lại cương quyết không nhìn vào sự thật rằng: Gà ngoại chính là yếu tố hàng đầu gây nên cảnh từ nông dân cho đến các “đại gia gà” của VN đang lỗ “vỡ mặt”!

Nông dân Nguyễn Thanh Sơn – Chủ trang trại gà tại ấp Đức Long 1, xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất, Đồng Nai vừa mới nghe PV NNVN hỏi tình hình, lập tức đáp gọn lỏn: “Dẹp sạch chuồng rồi!”. Giọng buồn thiu, anh Sơn tiếp: “Tuần trước mới xuất bán lứa cuối 20.000 con gà tam hoàng (gà màu) giá 30.000 đồng/kg, hạch toán lỗ 240 triệu đồng. Còn chuồng gà trắng bỏ trống hoác vì giá gà chỉ còn 23.000 đồng/ kg, bằng 50% giá bán 2 tháng trước đây, lỗ không có cách gì gượng nổi!”. Tương tự, Giám đốc Cty chăn nuôi Thanh Bình (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) Phạm Đức Bình cho biết: “Gà trắng Cty đã dẹp nuôi từ lâu, còn gà màu hiện giá chỉ còn 32.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất lên tới 37.000 đồng/kg, vị chi mỗi con gà nặng 1,5 kg lỗ tới 7.500 đồng”.

Thịt gà được DN Mỹ mang sang VN tiếp thị và cho người tiêu dùng VN ăn thử miễn phí

Một chuyên gia chăn nuôi cho biết, các tập đoàn kinh doanh gia cầm hàng đầu thế giới như CP, Japfa và Emivest chỉ tập trung đầu tư vào chăn nuôi, biến hàng vạn hộ dân VN phải làm thuê cho họ để thu lợi nhuận. Việc đầu tư theo cách thức này đảm bảo cho họ không bị ảnh hưởng trực tiếp khi thị trường có những biến động bất thường, đồng thời có thể “đánh nhanh, rút gọn” khi không mặn mà với con heo, con gà tại VN nữa!

Trước tình hình cam go này, trao đổi với PV, một chuyên gia về chăn nuôi đã tư vấn: Hiệp hội gia cầm VN có thể đứng lên kiện sản phẩm thịt gà ngoại đang bán phá giá tại thị trường VN. Đây là hình thức mà nhiều nước, đặc biệt là Mỹ thường áp dụng để bảo vệ sản phẩm nông, thủy sản của họ và hạn chế sản lượng nông, thủy sản của nước ngoài đổ vào, gây khó khăn cho nông dân trong nước. Chuyên gia này cũng cho rằng, kiện chống bán phá giá hoàn toàn theo luật và nếu chúng ta chứng minh được các DN nước ngoài đang bán sản phẩm gia cầm vào VN với giá “siêu rẻ” (vì đùi gà, cánh gà, tim, gan… đều bị nước ngoài liệt vào hàng phế phẩm), thì hoàn toàn có thể thắng cuộc nhằm bảo vệ người chăn nuôi trong nước.

Tuy nhiên về lâu dài, các chuyên gia khẳng định ngành chăn nuôi VN phải sớm có cuộc “cách mạng” toàn diện để đảm bảo bền vững về mặt môi trường và bền vững về mặt kinh tế. Theo ông Phạm Đức Bình: “Ngành chăn nuôi gà của ta không có tính cạnh tranh nên dễ dàng bị gà ngoại lấn lướt. Nếu không có những thay đổi lớn, trước tiên là chăn nuôi gà trắng (gà công nghiệp) sẽ phải sớm đóng cửa”. Ông Bình cũng chỉ ra rằng, sở dĩ các công ty, tập đoàn chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh gia cầm lớn đều không dám đầu tư nhà máy giết mổ tại VN vì họ nhìn thấy sự thiếu bền vững trong hệ thống chăn nuôi của VN.

Xem thêm
Thái Nguyên có thêm 2 Phó Giám đốc Sở

Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên vừa có tân Phó Giám đốc.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cơn mưa 'vàng' chưa đủ hạ nhiệt

Bình Phước Cơn mưa đổ xuống một số nơi trên địa bàn tỉnh Bình Phước mới đây tuy không lâu, lượng mưa không cao, nhưng cũng phần nào giải nhiệt, và 'giải khát' cho cây trồng.