Một trang trại vỗ béo bò thịt ở Hưng Yên. |
Nhiều địa phương trong tỉnh Hưng Yên đang dấy lên phong trào nuôi vỗ béo bò thịt. Chỉ tính riêng 2 xã Tân Hưng (thành phố Hưng Yên) và Tân Tiến (huyện Văn Giang), từ đầu năm đến nay, đã nuôi vỗ béo được hơn 200 con bò thịt các loại. Hầu hết các con bò đưa vào nuôi vỗ béo đều có thể trọng thấp, tỷ lệ thịt xẻ không cao, chất lượng thịt thương phẩm kém, như bò già không có khả năng sinh sản, bò đực không còn sức cày kéo, bò sau điều trị ký sinh trùng hoặc sau ốm dậy và bò loại ra trước khi giết thịt.
Sau mua gom về các hộ đã tiến hành tẩy nội, ngoại ký sinh trùng và chăm sóc theo hướng dẫn của khuyến nông cơ sở. Kết quả, chí sau tiến hành vỗ béo 3 tháng, toàn bộ số bò gầy yếu xiêu vẹo nói trên, đã trở thành những con bò thịt có giá trị thương phẩm cao, trừ hết các khoản chi phí chăn nuôi, vẫn còn lãi thu nhập trên dưới 3 triệu đồng 1con. Theo đó, các hộ càng nuôi vỗ béo nhiều bò thịt càng có lãi thu nhập cao.
Ông Bùi Văn Hoan ở xã Tân Tiến, huyện Văn Giang hồ hởi khoe với chúng tôi: “6 tháng đầu năm 2019 này, vợ chồng tôi đã vỗ béo được 20 con bò thịt, trừ tiền mua con giống và vật tư chăn nuôi, còn lãi công lao động hơn 60 triệu đồng, ngoài ra vẫn cấy thêm được ba sào lúa để lấy thóc ăn. Nhờ vậy lúc nào tôi cũng có tiền tiêu rủng rỉnh trong túi”.
Theo ông Hoan: Kỹ thuật vỗ béo bò thịt không phức tạp. Nuôi nhốt chuồng không cần chăn thả. Con giống mua từ các nguồn thải loại nên khá rẻ. Chuồng bò có thể tận dụng lại trại chăn nuôi gia cầm cũ hoặc dựng mới bằng một số cọc bê tông, tấm lợp bro xi-măng và bạt nhựa quây che khi cần, nhưng phải đảm bảo yên tĩnh, sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè ấm áp về mùa đông.
Thức ăn cho bò quan trọng nhất là phải đủ lượng và chất. Rơm khô, thân lá cây ngô, rau cỏ các loại, cho ăn bằng 10% trọng lượng cơ thể bò. Cám ngô, cám gạo, các chất khoáng và vi tamin cho ăn 2-3kg/con/ngày, tuỳ theo thể trọng bò.
Chú ý, cân đối các thành phần dinh dưỡng đạm, khoáng, năng lượng và vitamin. Trồng thêm một số diện tích cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn thô xanh cho bò. Cần cho bò ăn thêm một số thức ăn chế biến như rơm ủ urê, cỏ ủ chua, tảng urê - rỉ mật. Phải cho bò ăn uống sạch sẽ. Tắm chống nóng cho bò hàng ngày vào mùa hè. Giữ vệ sinh cơ thể bò thường xuyên để phòng bệnh ngoại ký sinh trùng.
Trồng cỏ voi để vỗ béo bò. |
Theo cân nhắc của ông Trần Văn Lý (xã Tân Hưng, huyện Tiên Lữ): “Nuôi các loại gia súc gia cầm đều tiềm ẩn rất nhiều rủi ro dịch bệnh và giá cả lên xuống. Nhưng nuôi trâu bò nói chung, vỗ béo bò thịt nói riêng chưa bao giờ xảy ra dịch bệnh lớn, giá bán sản phẩm lại luôn ổn định qua các năm. Giống nuôi đầu vào và đầu ra bò thịt luôn có thương lái tìm đến tận nhà. Chăn nuôi không tốn nhiều công lao động. Phù hợp với khả năng đầu tư của đa số các hộ kinh tế còn khó khăn. Ngoài nuôi vỗ béo bò thịt, nhà nông còn có thể làm thêm được nhiều công việc đồng áng khác”.
Ông Lý còn khẳng định: “Mỗi con bò nuôi vỗ béo, sẽ có công lao động bình quân 1 triệu đồng/tháng. Một lao động nông nhàn có thể dễ dàng nuôi vỗ béo thường xuyên từ 7-10 con bò thịt, theo đó sẽ có thu nhập 7-10 triệu đồng/tháng, nguồn thu này có ý nghĩa rất lớn với các gia đình thuần nông”.
Có thể nói, nuôi vỗ béo bò thịt ở Hưng Yên là cách làm không mới, nhưng được địa phương quan tâm thúc đẩy đạt hiệu quả rõ nét, đã cung cấp cho thị trường thêm một lượng thịt chất lượng, và tạo ra một lượng phân hữu cơ đáng kể cho thâm canh bền vững các loại cây trồng, góp phần thúc đẩy phong trào chăn nuôi bò hướng thịt tại các địa phương trong tỉnh, hạn chế việc giết mổ bê non (chất lượng và sản lượng thịt còn thấp), tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều nông hộ. Đây có thể là một trong những giải pháp thoát nghèo bền vững cho nông hộ, và là gợi mở hữu ích cho các nhà nông khác trên toàn quốc.
“Có được những kết quả nổi bật nói trên là nhờ ảnh hưởng lan toả từ mô hình nuôi vỗ béo bò thịt, do Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên thực hiện năm 2018” – ông Lê Hồng Sĩ, Phó phòng NN-PTNT Văn Giang. |