| Hotline: 0983.970.780

Làng "chị Dậu" ở khu Đại dự án Disneyland

Thứ Ba 14/06/2011 , 10:16 (GMT+7)

Sau 16 năm trời, cái dự án “treo” thuộc vào hàng “cổ” nhất ở TP HCM là “Dự án Khu sinh thái – văn hóa Vĩnh Lộc đã bị TP HCM ra quyết định tạm ngưng.

Những căn “nhà chị Dậu” ở ấp 5
Sau 16 năm trời, cái dự án “treo” thuộc vào hàng “cổ” nhất ở TP HCM là “Dự án Khu sinh thái – văn hóa Vĩnh Lộc”, từng được coi là Disneyland ở Việt Nam, với tổng điện tích trên 400 ha, vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng đã bị TP HCM ra quyết định tạm ngưng.

Nhắm mắt mua liều

Ấp 5, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh chỉ cách trung tâm thành phố chừng 15 km và cách khu nội thành gần nhất (phường Tân Tạo, quận Bình Tân), chỉ vài km. Đường sá đi vào ấp cũng khá thuận tiện, dễ dàng. Vậy mà khi tới ấp này, đập ngay vào mắt tôi là có khá nhiều ngôi nhà lá tạm bợ, xập xệ, chẳng khác gì ngôi nhà của chị Dậu. Nguyên nhân: 16 năm nay, toàn bộ ấp 5 nằm trong dự án “treo” nói trên.

Thấy tôi đứng tần ngần trước một ngôi nhà lá cũ nát nhưng bên trong chẳng thấy ai, một phụ nữ đang phơi nhang (hương) gần đó, tiến lại hỏi “Chú kiếm ai?”. Biết tôi là nhà báo, người phụ nữ đó liền ca thán: “Khổ lắm chú ơi, nhất là những người từ nơi khác tới đây mua đất làm nhà để ở. Do là đất quy hoạch treo nên chỉ mua bán bằng giấy tay. Vì thế, dân nhập cư chỉ dám dựng cái nhà lá hay đúng hơn là cái lều bằng lá để che mưa nắng. Nhà nào đánh liều dựng tạm cái nhà cấp 4 ngay lập tức bị chính quyền xuống tháo dỡ liền. Nhà tôi từng có những lúc bị như thế, suốt đêm cả nhà phải ôm nhau ngủ ngoài trời sương gió. Những nhà lá tạm bợ trong con đường hẻm này đều là nhà của dân nhập cư đấy”.

Tôi hỏi “Hồi mua, chị có biết đây là đất thuộc khu quy hoạch sinh thái không”. Chị Oanh đáp “Biết chứ”. “Biết sao còn mua?”. Chị Oanh cười khổ “Người nghèo như chúng tôi lấy đâu ra tiền để mua đất ở mấy chỗ không vướng quy hoạch. Đất ở đây bị quy hoạch treo đã lâu, giá rẻ, lúc tôi mua có 300 ngàn một m2 thôi à. Giá đó thì chúng tôi mới có thể mua được”. “Nhỡ sau này Nhà nước thu hồi thì sao?”. “Vùng này bị quy hoạch treo mười mấy năm nay rồi, mà đã thấy làm gì đâu. Vì thế, mấy anh chị em tôi đánh liều gom tiền mua đất ở đây với tâm lý 50-50. Nếu Nhà nước vẫn tiếp tục dự án, thu hồi đền bù, thì chúng tôi đi nơi khác. Còn nếu dự án treo bị bãi bỏ, thì chúng tôi tiếp tục sinh sống lâu dài trên mảnh đất này. Khi ấy, sẽ tìm cách làm sổ đỏ, nhập khẩu, thế là thành dân địa phương”.

Đi sâu vào trong một chút, tôi gặp anh Ngự, cũng là một người gốc ngoài Bắc, vào đây mua đất cất nhà từ năm 2000. Hồi ấy, giá đất ở đây còn rẻ hơn nhiều, nên chỉ bỏ ra 40 triệu bạc, anh Ngự đã mua được mảnh đất 100 m2 rồi dựng tạm một căn nhà để ở. Cũng như chị Oanh, anh Ngự thú nhận với số tiền đó, chỉ có thể vào khu quy hoạch này đánh liều mua thì mới kiếm được miếng đất dựng nhà. Căn nhà hiện tại của anh Ngự đã có dáng của một căn nhà cấp 4 với tường xây, lợp phibro xi măng, dù còn khá tuềnh toàng. Tôi hỏi “Đất trong khu quy hoạch, mua bán giấy tay mà sao anh cũng cất được nhà cấp 4?”. Anh Ngự phân trần “Tôi cất liều đó chú ơi. Những lần đầu cất nhà, trên xã xuống phá dỡ hoài à. Nhưng mình cứ liều dựng lên tiếp. Chắc họ chán nên để cho ở từ đó tới giờ”.

Tuy vậy, do bị coi là đất mua bán không hợp lệ, nên dù đã về đây sinh sống hơn 10 năm, đến giờ gia đình anh Ngự cũng như hầu hết các hộ nhập cư đánh liều mua đất trong khu quy hoạch sinh thái Vĩnh Lộc đều chưa được nhập hộ khẩu, vẫn mang phận “ở nhờ”, thành ra việc học hành của con cái luôn là một vấn đề nan giải. Thế nhưng, do giá rẻ vì bị quy hoạch “treo” lâu dài, nên nhu cầu mua đất cất nhà theo kiểu “liều” của những hộ nghèo ở ấp 5 vẫn đang cao. Bằng chứng là giá đất (mua bán trao tay) ở ấp này, hiện đã lên tới trên 1 triệu đồng/m2, cao gấp 3-4 lần 2 năm trước.

Dân gốc ngao ngán

Dự án đầu tư Khu sinh thái – văn hóa Vĩnh Lộc, ra đời năm 1995 theo Quyết định số 1104/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Năm 1996, dự án được giao cho Sở NN-PTNT TP HCM làm chủ đầu tư. Sau gần một năm, dự án không có gì tiến triển nên được chuyển giao cho Cty Đầu tư Xây dựng Bình Chánh làm chủ đầu tư. 5 năm sau, Cty Đầu tư Xây dựng Bình Chánh mới chỉ đền bù, giải tỏa được 17 hộ dân với diện tích 11ha. Vì thế, tới năm 2002, dự án này được chuyển cho TCty Nông nghiệp Sài Gòn làm chủ đầu tư. Lại thêm 6 năm trôi qua, dự án vẫn … y như cũ.

Trước tình hình đó, giữa năm 2008, dự án được chuyển cho Cty CP Sinh thái Văn hóa hồ Vĩnh Lộc, là liên danh giữa TCty Nông nghiệp Sài Gòn với Cty CP Quốc tế C.T (C.T Group). Mãi tới quý 3/2009, Cty CP Sinh thái Văn hóa hồ Vĩnh Lộc mới tổ chức họp dân, hứa đến cuối năm 2009, tiến hành đền bù giải tỏa. Nhưng đến nay, mọi việc vẫn chỉ đang trên giấy. Trước thực trạng đó, vào ngày 21/1/2011, UBND TP HCM đã ra Quyết định số 353/QĐ-UBND ngày 21/1/2011 về việc ngưng thực hiện Dự án đầu tư Khu sinh thái-văn hóa Vĩnh Lộc.

Theo những người dân gốc ở ấp 5 (có sổ đỏ, có hộ khẩu), quyết định 353 chỉ là tạm ngưng chứ chưa phải là hủy bỏ hoàn toàn dự án. Sau khi có quyết định này, những hộ là dân địa phương gốc (có sổ đỏ, có hộ khẩu), thì dễ thở hơn trước đôi chút, vì họ đã có thể dựng một căn nhà cấp 4 theo kiểu xây tạm để ở cho đàng hoàng hơn, hay có thể xin chuyển đổi từ đất ruộng 2 lúa sáng đất thổ vườn ...

Ông Thiều Văn Se, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B cũng xác nhận rằng Dự án mới chỉ tạm ngưng chứ chưa hủy bỏ. Tương lai của dự án này như thế nào thì vẫn phải chờ quyết định của thành phố. Và như vậy, tương lai của các hộ dân ở ấp 5 sẽ ra sao, thì họ vẫn phải tiếp tục chờ …

Ông Huỳnh Văn Hơ, một người dân gốc ở ấp 5 cho biết, khi dự án chưa được tạm ngưng, dân ở đây rất khổ vì muốn xây một cái nhà cấp 4 để ở cũng không được, muốn cho con cái tách khẩu ra ở riêng, xã cũng không cho. Ông Hơ kể: “Cha mẹ tôi ở trong một căn nhà gỗ do ông bà để lại. Căn nhà đã lâu đời, mối mọt phá hoại thường xuyên nên xuống cấp trầm trọng. Mấy năm trước, gia đình tôi lên xã xin phá nhà cũ, xây căn nhà cấp 4 cho cha mẹ ở, nhưng xã không cho. Phải đợi tới khi có quyết định tạm ngưng dự án của thành phố, gia đình tôi mới dựng được căn nhà cấp 4 cho hai ông bà. Xã không cho dựng nhà kiên cố hơn vì dự án mới chỉ tạm ngưng. Còn căn nhà cấp 4 này (nhà của vợ chồng ông Hơ), tôi dựng liều từ năm 2009, nhưng chỉ làm ở mức đơn giản nhất, vì lỡ mai này người ta đến phá dỡ hoặc thu hồi để làm dự án, thì mình cũng đỡ tiếc tiền đã bỏ ra xây”.

Ông Hơ bộc bạch: “Thành phố mới chỉ tạm ngưng dự án, nên tương lai của chúng tôi vẫn còn mịt mờ quá, chẳng biết mai này nhà cửa, ruộng vườn có bị thu hồi hay không? Dự án treo đã mười mấy năm rồi mà chẳng thấy làm được gì, sao không hủy luôn đi? Nếu thành phố hủy luôn dự án này thì chúng tôi mới hết sống trong cảnh lo lắng, phập phồng”.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm